📞

Du lịch Đông Nam Á - Hy vọng phục hồi liệu có tắt lụi?

Trường Phan 14:03 | 02/06/2021
Ngành du lịch Đông Nam Á nuôi hy vọng có thể chào đón du khách quốc tế trở lại vào quý cuối năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này đang có nguy cơ phá sản trong bối cảnh làn sóng Covid-19 đang ập đến và chiến dịch tiêm chủng vẫn trong giai đoạn khởi động.
Một góc bãi biển Phuket, Thái Lan trong tình trạng vắng khách do đại dịch covid -19. (Nguồn: Asia Times)

Cân nhắc đón khách du lịch

Khi chưa ghi nhận làn sóng dịch Covid-19 mới nhất hiện nay, Bộ Du lịch Campuchia cho biết, nước này đặt mục tiêu mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại vào cuối năm nay. Còn Thái Lan cũng dự kiến Phuket sẽ là nơi đầu tiên trong cả nước mở cửa đón du khách đến nghỉ dưỡng vào tháng 7 tới.

Xứ sở chùa Vàng hy vọng sẽ thành công trong kế hoạch mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, áp dụng cho 10 điểm du lịch khác nhau cho đến tháng 10. Chính phủ Thái Lan ước tính sẽ có 500.000 du khách nước ngoài đến thăm trong năm nay.

Được biết, năm 2019, Thái Lan đã đón khoảng 40 triệu du khách, tạo ra doanh thu 60 tỷ USD, chiếm gần 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong khi đó, với xứ sở chùa Tháp Campuchia, ngành du lịch đóng góp gần một phần ba GDP. Còn Việt Nam cũng đạt doanh thu 32,8 tỷ USD từ 18 triệu du khách nước ngoài.

Kể từ khi xuất hiện vào đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã càn quét và tàn phá ngành du lịch khắp Đông Nam Á, dẫn đến tình trạng thất nghiệp, tỉ lệ doanh nghiệp du lịch vỡ nợ không ngừng tăng lên. Đó là chưa kể đến sự thiếu hụt lớn về nguồn thu ngoại tệ cho chính phủ các nước.

Thống kê cho thấy, Campuchia chỉ đón 71.000 khách du lịch trong quý đầu tiên của năm 2021, giảm gần 94% so với cùng kỳ năm 2020. Gần một nửa trong số đó là đến từ nước láng giềng Thái Lan.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch quốc tế giảm 74% so với năm 2019, dẫn đến việc sụt giảm gần 1,3 nghìn tỷ USD doanh thu từ thị trường này.

Trước tình hình đó, chính phủ Campuchia đang cân nhắc khởi động lĩnh vực du lịch quốc tế đã đóng băng, chớp cơ hội khi người dân ở Trung Quốc, Mỹ và châu Âu được tiêm phòng vào nửa cuối năm 2021.

Việt Nam cũng nghiên cứu kế hoạch nối lại hoạt động du lịch quốc tế trước khi mở cửa trở lại hoàn toàn trong tương lai gần.

Trong khi Thái Lan nghiên cứu các yêu cầu kiểm dịch, buộc khách du lịch chứng minh họ đã được tiêm vaccine Covid-19 hợp lệ thì Campuchia có thể cũng sẽ thử nghiệm một chương trình tương tự khi mở cửa trở lại toàn bộ đất nước.

Ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 mới

Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Phiphat Ratchakitprakarn cho biết, hiện nước này đang chờ tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tại địa phương giảm xuống trước khi nối lại các cuộc thảo luận về du lịch với Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam, Lào và Malaysia.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Phiphat tuyên bố, số ca lây nhiễm hằng ngày tại Thái Lan phải ở mức dưới 200 vào cuối tháng để có thể khôi phục niềm tin du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay, số ca mắc bệnh trung bình mỗi ngày của Thái Lan hiện cao hơn 10 lần so với con số đó.

Số ca mắc mới hằng ngày của Campuchia hiện đã giảm kể từ mức cao nhất là 938 vào ngày 4/5, nhưng trung bình vẫn ở mức cao.

Trong khi đó, một làn sóng dịch mới ở Việt Nam bắt đầu vào cuối tháng 4 đã chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm hằng ngày tăng trên 100 ca, mặc dù Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực khống chế và thực hiện những biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất.

Trước bối cảnh đó, ngay cả khi không có làn sóng lây nhiễm mới, các chuyên gia và nhà phân tích cũng không mong đợi ngành du lịch sẽ sớm quay trở lại mức trước đại dịch tại khu vực Đông Nam Á.

Trên thực tế, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) cho biết, họ không hy vọng ngành du lịch của nước này sẽ phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2026. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hơn 7 triệu người lao động, nhiều người trong số đó rơi vào tình cảnh thất nghiệp hoặc buộc phải tìm việc trong các lĩnh vực khác.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan và các nhà phân tích tài chính cũng bày tỏ lo ngại rằng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và doanh nghiệp liên quan đến du lịch hoạt động kém hiệu quả sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế trên phạm vi cả nước.

Cơ hội tái thiết bền vững?

Nhiều ý kiến cho rằng, các quốc gia Đông Nam Á nên tận dụng biên giới đã khép kín trong thời kì đại dịch như một cơ hội để thiết lập lại lĩnh vực du lịch, chuyển từ du lịch đại chúng sang du lịch bền vững hơn, cao cấp hơn.

Tuy nhiên, cho đến nay, có vẻ như các chính phủ trong khu vực đang mong muốn khởi động lại lĩnh vực du lịch như thời kỳ trước đại dịch, chào đón càng nhiều khách càng tốt. Bởi chính sách mở cửa đó đã có những tác động tích cực đến kinh tế, từ dịch vụ, xây dựng đến giáo dục, mang lại hàng triệu việc làm và các cơ hội kinh doanh tại địa phương.

Trong số 25,5 tỷ USD các dự án đầu tư đã được phê duyệt do ngân hàng trung ương Campuchia thống kê từ năm 2017 đến năm 2020, có đến 14,4 tỷ USD thuộc về lĩnh vực du lịch, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Riêng năm 2020, trong các khoản đầu tư được chính phủ nước này phê duyệt, có 6 dự án du lịch, tổng giá trị 3,8 tỷ USD. Trong số đó, kế hoạch mở rộng nhà điều hành sòng bạc duy nhất Naga Corp ở Phnom Penh chiếm phần lớn số tiền đầu tư.

Các bên liên quan đến du lịch Đông Nam Á cũng đang tự hỏi rằng, một khi du lịch phục hồi, liệu khách quốc tế sẽ thực hiện các chuyến đi với quy mô giống như trước đại dịch?

Một yếu tố ít được thảo luận hơn là sự cạnh tranh giữa các quốc gia Đông Nam Á về tốc độ mở cửa trở lại với du khách quốc tế. Phần lớn điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đại trà cho người dân.

(theo Asia Times)