Nhỏ Bình thường Lớn

Du lịch Việt với những giải pháp sáng tạo vượt 'lốc’ Covid-19

TGVN. Có thể khẳng định những thiệt hại nặng nề mà ngành du lịch đang và sẽ phải gánh chịu bởi dịch Covid-19, cũng như diễn biến của dịch, là rất khó dự đoán. Trước khó khăn, các doanh nghiệp đã có những giải pháp khá sáng tạo để hạn chế thiệt hại.
TIN LIÊN QUAN
du lich viet voi nhung giai phap sang tao vuot loc covid 19 Trong khó khăn do dịch Covid-19, tình hình kinh tế-xã hội tháng Hai vẫn cơ bản giữ ổn định
du lich viet voi nhung giai phap sang tao vuot loc covid 19 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước
du lich viet voi nhung giai phap sang tao vuot loc covid 19
2 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,23 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất của hai tháng đầu năm trong giai đoạn từ 2016-2020. (Nguồn: HNM)

“Cơn lốc” Covid-19

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam. Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 2 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,23 triệu lượt người, tuy tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng đây là mức tăng thấp nhất của hai tháng đầu năm trong giai đoạn từ 2016-2020.

Đặc biệt, trong tháng 2/2020, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 1,24 triệu lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách đến từ một số nước như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại dịch bệnh Covid-19 lây lan.

Còn theo thống kê ban đầu của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), do dịch bệnh, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% - 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy thuộc vào vị trí ở các thành phố lớn hay các khu nghỉ dưỡng. Đối với các công ty quản lý điểm đến và các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hạ Long, TAB cho hay, lượng khách giảm khoảng 50% so với cùng kỳ 2019.

Hệ quả là nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... đã cho nhân viên tạm nghỉ việc. Trao đổi với TG&VN, chị Trần Tuyết Nhi - Công ty Hồng Ngọc Hà tại 128 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết, Công ty đã cho nhân viên nghỉ luân phiên, bộ phận sale và marketing nghỉ không lương trong tháng 3, sau đó căn cứ tình hình thực tiễn để có quyết định. Chị Nhi buồn bã cho biết, doanh thu từ tour Tết gần như bằng 0, chỉ có số ít khách lẻ trong nước.

Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Nicotex tour có trụ sở tại Long Biên, Hà Nội đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ từ tháng 2, sang tháng 3 này cũng chưa có kế hoạch hoạt động trở lại. Chia sẻ với TG&VN, anh Ngô Văn Thắng, Giám đốc Công ty đánh giá, tình hình này dù hết quý I dịch có chiều hướng giảm thì người dân vẫn cẩn trọng, phải hết quý II công ty mới có cơ hội hoạt động trở lại, thậm chí muộn hơn.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực tới mảng du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), nhiều công ty bị thiệt hại nặng. Theo TAB, các doanh nghiệp khách sạn ở Cam Ranh/Nha Trang, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn chuyên đón du khách Trung Quốc giảm tới 98%, còn các khách sạn phục vụ đa dạng đối tượng khách thì bị hủy đặt buồng trung bình 50% và số lượng đặt buồng tương lai bị hủy tới 70%.

Các nhà kinh tế tính toán rằng, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Muôn vẻ cách “vượt lốc”

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, từ kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, như dịch SARS năm 2003, những tác động của dịch bệnh lên ngành du lịch là điều dễ thấy với sự sụt giảm mạnh lượng khách. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, việc phục hồi của ngành du lịch là rất khó khăn. Kể cả sau dịch bệnh, để hồi phục cũng cần có thời gian nhất định.

Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp cần phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, bởi làm tốt công tác phòng chống dịch cũng sẽ giúp xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách quốc tế và nội địa về một điểm đến an toàn.

Mặt khác, việc khách hủy tour rất nhiều đang tác động trực tiếp đến người lao động và chi phí của các doanh nghiệp, do đó, doanh nghiệp cần tính toán hợp lý để giãn ngày nghỉ bù, nghỉ phép của người lao động. Doanh nghiệp cũng có thể tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, mở lớp đào tạo cho cán bộ nhân viên... để nâng cao chất lượng phục vụ, chờ đón mùa khách du lịch sau.

Qua trao đổi, đại diện công ty Hồng Ngọc Hà cho hay, trước ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, công ty dự kiến tăng cường các tour tâm linh đến Ấn Độ, Nepal; hỗ trợ làm visa cho khách, liên kết với các hãng hàng không bán vé máy bay giá rẻ để thu hút khách. Còn trong nội bộ, công ty tranh thủ thời gian này để đào tạo nhân viên, cập nhật các tuyến điểm mới trong và ngoài nước.

du lich viet voi nhung giai phap sang tao vuot loc covid 19
Hỗ trợ làm visa cho khách, liên kết với các hãng hàng không bán vé máy bay giá rẻ cũng là cách được các doanh nghiệp du lịch áp dụng để vượt qua khó khăn giai đoạn này. (Nguồn: Bnews)

Được biết, Tổng cục Du lịch cũng đã có hàng loạt hành động và giải pháp để cứu vãn tình hình hiện nay. Mới đây nhất, chương trình kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “Việt Nam an toàn” đã được triển khai trên phạm vi cả nước. Đợt cao điểm dành cho khách du lịch nội địa dịp nghỉ Hè, áp dụng với hành trình nội địa triển khai cho chương trình, khởi hành trước ngày 31/5.

Theo chương trình này, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch hưởng ứng như: có chính sách hỗ trợ, miễn, giảm phí, lệ phí tham quan tại các khu, điểm du lịch do địa phương quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nội địa và người Việt Nam ở nước ngoài tới tham quan du lịch tại địa phương...

Chương trình kích cầu du lịch quốc tế cũng được Tổng cục Du lịch triển khai từ tháng 4-12/2020 với thông điệp “VietnamNOW”, ưu tiên tại các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga, Australia và châu Âu. Ngoài những giải pháp kích cầu và quảng bá, việc truyền đi thông điệp về "Du lịch Việt Nam an toàn" mà ngành đang bước đầu thực hiện sẽ là tiền đề tạo uy tín lâu dài với du khách, đem đến cho họ một hình ảnh Việt Nam mới mẻ, hấp dẫn.

Trao đổi với TG&VN, TS. kinh tế Nguyễn Đại Lai cho rằng, Việt Nam cần truyền thông, cập nhật về các hoạt động tổng vệ sinh các cơ sở lưu trú, các phương án cách ly chống lây lan, các biện pháp khử trùng phương tiện, nơi ở, các hình thức phạt nặng với khách khai báo gian dối về nơi xuất phát từ vùng dịch, các hình thức đảm bảo sức khỏe cho khách, cho nhân viên ngành du lịch và cộng đồng... để truyền đi thông điệp về "Du lịch Việt Nam an toàn".

Một giải pháp nữa cũng được các công ty lữ hành và hãng hàng không tính đến là cùng ngồi lại để đưa ra các gói tour du lịch trong nước với nhiều ưu đãi bởi giá tour có thể giảm tới hơn 50% nhờ giảm giá vé máy bay. Được biết, hãng hàng không Vietnam Airlines đã hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành thực hiện chương trình “Chào mặt trời”.

Chỉ sau 1 tuần triển khai, gần 100 đơn vị lữ hành hợp tác với hãng hàng không cùng đưa ra các cam kết giảm giá, tăng quyền lợi cho khách hàng và quan trọng nhất là đảm bảo các tiêu chí an toàn điểm đến, chuyến bay, khách sạn… được đặt lên hàng đầu.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Đại Lai cũng cho rằng, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để giảm 50% thuế GTGT (từ 10% xuống 5%) đối với doanh nghiệp trong ngành du lịch, cho phép nộp thuế chậm từ 6 lên 12 tháng từ thời điểm công bố hết dịch. Ngành ngân hàng cũng cần có cơ chế cho giảm lãi suất và gia hạn nợ cho các công ty du lịch đối với các món vay đã và sẽ phát sinh xung quanh thời gian dập dịch 6 tháng với mức giảm lãi suất từ 20% đến 50%.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống, từ doanh nghiệp đến các hiệp hội, Tổng cục Du lịch và Nhà nước, hy vọng ngành du lịch sẽ vượt qua “cơn lốc” Covid-19.

Hiện nay, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có doanh nghiệp du lịch, với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
du lich viet voi nhung giai phap sang tao vuot loc covid 19 Philippines: Doanh thu du lịch năm 2019 cao kỷ lục

TGVN. Bộ Du lịch Philippines ngày 3/3 cho hay doanh thu của ngành du lịch nước này trong năm 2019 đã đạt mức kỷ lục 9,31 ...

du lich viet voi nhung giai phap sang tao vuot loc covid 19 Nhân viên nghỉ làm vì ngại Covid-19, Bảo tàng Lourve buộc phải đóng cửa

TGVN. Bảo tàng Louvre– một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới đã buộc phải đóng cửa vào hôm 1/3 do nhiều nhân ...

du lich viet voi nhung giai phap sang tao vuot loc covid 19 Giải pháp nào giúp du lịch Việt 'vượt bão' thời Covid-19?

TGVN. Sự bùng phát của dịch viêm đường hô cấp cấp (Covid-19) được dự báo sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ đối với du ...

Dương Liễu