📞

Dư luận quốc tế về Chiến thắng 30/4/1975

Quang Đào 06:00 | 30/04/2021
Ngày 30/4/1975, sự kiện nhân dân Việt Nam giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã nhận được sự cổ vũ, ủng hộ của nhiều nước bè bạn, nhân dân yêu chuộng tự do và công lý trên thế giới.

Cách đây 46 năm, vào trưa ngày 30/4/1975 khi chiếc xe tăng của quân giải phóng húc đổ cánh cổng sắt của Dinh Độc Lập, khẳng định chiến thắng lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta, kỷ nguyên độc lập, thống nhất và đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là thành quả vĩ đại của cả một quá trình kháng chiến lâu dài, bền bỉ, hào hùng của quân và dân hai miền Nam - Bắc.

Sự kiện 30/4/1975 gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước giặc ngoại xâm và có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới. Hàng loạt đài, báo chí quốc tế đã đưa tin về chiến thắng lịch sử của Việt Nam, vừa hòa mình vào niềm vui lớn của nhân dân Việt Nam, vừa thể hiện niềm cảm phục đối với một dân tộc anh hùng.

Cuộc họp báo sau ngày giải phóng Sài Gòn, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Getty Images)

Dư chấn rung động địa cầu

Đó là nhận xét của hãng tin Pháp AFP đưa ra ngày 1/5/1975 nói về chiến thắng 30/4 của quân đội cách mạng Việt Nam. Không những vậy, nhiều hãng thông tấn quốc tế thời điểm đó đánh giá sự kiện 30/4 tại Việt Nam là một cơn địa chấn.

Việc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng khẳng định thời mà các nước lớn dùng sức mạnh để bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được trước một đế quốc hùng cường vào bậc nhất.

Đối với thế giới, thắng lợi của nhân dân Việt Nam đập tan tham vọng của các nước đế quốc nhằm vào các lực lượng cách mạng kể từ sau Thế chiến II, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên khắp trái đất đang đấu tranh vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Theo AFP, không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện 30/4 có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới. Đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không bao giờ xảy ra một cuộc chiến tương tự.

Một ngày sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 1/5/1975, với tựa đề “Sài Gòn sụp đổ”, tờ New York Times (Mỹ) chạy tít lớn suốt tám cột trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh về sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và chiến thắng của các lực lượng cách mạng.

New York Post (Mỹ) thì cho rằng việc Mỹ dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam là “một sự hy sinh vô ích về sinh mạng và tiền của người Mỹ”. Báo Baltimore Sun (Mỹ) viết: “Chúng ta bị thương tổn và cảm thấy nhục, nhưng có lẽ chúng ta cũng đã chín chắn hơn lên một chút qua sự kiện chiến sự Sài Gòn – Gia Định”.

Tờ Thời báo Los Angeles (Mỹ) ngày 1/5/1975 viết: “Người Mỹ ra đi, người Nam Việt Nam (chính quyền tay sai) đầu hàng, nước Việt Nam đã trả lại cho người Việt…”.

Báo Asahi Shimbun (Nhật Bản) ngày 1/5/1975 đã viết trong một bài xã luận: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc với thắng lợi của lực lượng giải phóng, điều đó nói lên rằng, thời đại mà các nước lớn dùng sức mạnh bóp nghẹt chủ nghĩa dân tộc đã chấm dứt rồi”.

Báo Tin tức Ai Cập ngày 7/5/1975 bình luận: “Không một ai trên trái đất này, dù chính kiến hay màu da của họ như thế nào đi nữa, lại không kính trọng và tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã giương cao ngọn cờ chiến thắng trên phần đất cuối cùng của Tổ quốc mình vào ngày 30/4/1975. Sau 30 năm trường chiến đấu liên tục, không một phút nghỉ ngơi, dân tộc ấy đã đánh bại ba tên đế quốc lớn mạnh nhất thế giới là Nhật, Pháp và Mỹ, cuối cùng bằng máu và lửa, đã chứng minh cho cả loài người thấy rằng, những dân tộc đã chiến đấu thì không bao giờ chịu khuất phục và ý chí của họ là vô địch”.

Tạp chí Châu Âu (Pháp), tháng 10/1975 viết: “Sau 30 năm chiến đấu - những cuộc chiến đấu lạ lùng - từ mùa xuân này, hòa bình đã trở lại trên toàn nước Việt Nam. Hòa bình trong độc lập. Chắc chắn đây là thắng lợi trọn vẹn nhất mà một dân tộc có thể giành được với một đế quốc hùng cường vào bậc nhất. Phải hàng năm, hàng chục năm nữa mới có thể lường hết được tầm quan trọng của thắng lợi này”.

Báo Tiếng nói nhân dân của Đảng nhân dân cách mạng Lào, số ra ngày 29/8/1975 phân tích: “Thắng lợi của nhân dân Việt Nam chứng minh rằng một nước dù đất không rộng, người không đông, nền kinh tế chưa phát triển, nhưng nếu có sự lãnh đạo đúng đắn, nhân dân đoàn kết chặt chẽ, biết phát huy truyền thống yêu nước và được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới thì có thể chiến thắng chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa đế quốc.

Vang đến ngày nay

Trải qua từng ấy năm, nhưng cho đến bây giờ, sự kiện ngày 30/4/1975 vẫn được truyền thông và bạn bè quốc tế nhắc đến, không chỉ là một chiến công hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Tác giả Taras Ivanov đã có bài viết đăng trên Sputnik và đánh giá rằng, trải qua hơn 35 năm Đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã có bước phát triển vượt bậc và bứt phá, với vô số những thành tựu trên mọi lĩnh vực như: kinh tế, công nghệ, y tế, giáo dục, quân sự và ngoại giao. Việt Nam đã đi từ một nước nghèo khó và phải trải qua những đau thương của chiến tranh, hiện tại, đất nước đã đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử của dân tộc Việt Nam, tờ Nhân dân Nhật báo, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc số ra ngày 30/4 có bài bình luận dài về “Thắng lợi mãi mãi ghi vào sử sách” của chúng ta. Tờ báo nhấn mạnh, ngày 30/4 là ngày lễ lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là ngày đáng được những người yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới kỷ niệm.

Cùng năm, tờ Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 28/4 đăng lại hình ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập. Bài báo nhấn mạnh: “Cuộc chiến tranh Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm và đầy ấn tượng trong tâm thức người Mỹ, tạo hiệu ứng dây chuyền trong toàn khu vực Đông Dương”.

Ông Sengphet Houngboungnuang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHDCND Lào tại Việt Nam cho biết: “Việc đập tan chế độ ngụy Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam là cắt giảm sức mạnh của đế quốc trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt đã làm cho lực lượng đế quốc và lực lượng cựu hữu ở Lào mất viện trợ”.

Bước ra khỏi những đau thương của chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã có bước phát triển vượt bậc và bứt phá. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), sự phát triển của Việt Nam trong 35 năm qua rất đáng ngưỡng mộ. Những cải cách kinh tế và chính trị trong thời kỳ Đổi mới đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, biến Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tuy chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng đã thể hiện được khả năng phục hồi mạnh mẽ. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,91%.

Người dân Việt Nam có quyền tự hào về những thành tựu to lớn đã đạt được từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và chính chiến thắng 30/4/1975 lịch sử đã, đang và sẽ là nguồn động lực tinh thần quan trọng, tạo ra sức mạnh cho đất nước, dân tộc vững bước trên con đường phát triển, sẵn sàng sánh vai với các cường quốc năm châu.

(tổng hợp)