📞

Du Xuân hữu nghị ở làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên

MINH ĐĂNG 08:00 | 12/03/2023
Có dịp theo chân các bạn quốc tế trong chuyến du Xuân hữu nghị ở một làng nghề truyền thống của Hà Nội, tôi càng thêm cảm phục và tự hào về sự tinh tế của bàn tay nghệ nhân Việt, cũng như cảm nhận rõ sức sống mạnh mẽ của nghề thủ công…
Cô Yoland Stefany (thứ hai, từ phải) say sưa chiêm ngưỡng những tác phẩm khảm trai tinh xảo ở làng nghề truyền thống huyện Phú Xuyên. (Ảnh: Minh Đăng)

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Nam, huyện Phú Xuyên nổi tiếng là cái nôi của nhiều làng nghề lâu đời, đặc biệt là những sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới.

Bởi vậy, chuyến du Xuân hữu nghị đầu năm nay do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội kết hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức là một dịp để giới thiệu nét văn hóa của người Việt Nam và sự đa dạng về các nghề truyền thống của địa phương tới bạn bè quốc tế đang sinh sống tại Việt Nam.

Từng đặt chân đến nhiều nơi trên khắp Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên cô Yoland Stefany - nhân viên Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội về Phú Xuyên. Chia sẻ với tôi, cô gái trẻ cảm thấy vui mừng và háo hức khi có cơ hội đến thăm làng nghề khảm trai nổi tiếng Chuyên Mỹ.

Ấn tượng Chuyên Mỹ

Nằm dọc ven sông Hồng, xã Chuyên Mỹ ấn tượng với du khách với các làng nghề khảm trai liền kề nhau san sát như Chuôn Thượng, Chuôn Trung, Chuôn Hạ, Chuôn Ngọ... thu hút đông đảo người lao động địa phương cũng như các vùng lân cận tham gia sản xuất.

Từ đôi bàn tay cần mẫn và tài hoa của các nghệ nhân, mỗi năm nghề khảm trai này xuất ra thị trường hàng triệu sản phẩm lớn nhỏ tinh xảo, đa dạng từ sập gụ, tủ, bàn ghế, khảm trai, hoành phi câu đối, tranh sơn mài...

Theo các nghệ nhân trong làng, Chuyên Mỹ khi xưa có các nghệ nhân lừng lẫy trong làng khảm cho triều đình Huế như cụ Văn Phú, Lý Mục, hay Cửu Phú, Nhiêu Minh, Phó Loan, sau này có cụ Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Nhiên và Trần Bá Chuyển.

Cái tài của các nghệ nhân là khảm vẽ truyền thần chân dung vua chúa hay các vị quan lại trong triều đình. Khảm vẽ theo tích thì cứ truyền nghề làm mãi cũng thành nhưng khảm vẽ truyền thần mới thể hiện được tài năng thật sự của người thợ tài hoa Chuyên Mỹ.

Với truyền thống đáng tự hào ấy, thanh niên trong xã hầu như không phải đi đâu xa. Họ học khảm, học khắc ngay tại làng, làm giàu bằng chính nghề cha ông truyền lại. Hơn thế nữa, lớp trẻ còn giỏi vận dụng công nghệ thông tin, thiết kế mẫu khảm mới đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi và phu nhân tham quan làng khảm trai Chuyên Mỹ. (Ảnh: Tuấn Việt)

Tham gia chuyến đi này, Đại sứ Morocco tại Việt Nam Jamale Chouaibi và phu nhân có cơ hội được chiêm ngưỡng các tác phẩm và trải nghiệm tận mắt các công đoạn làm khảm trai. Đại sứ bày tỏ sự ngạc nhiên vì từ những vỏ trai, vỏ ốc tưởng như vô dụng, những người thợ khảm có thể tạo ra các họa tiết tinh vi đến vậy. Qua đây mới hiểu nghề khảm trai không đơn thuần có đục đẽo, mài và lắp ráp theo khuôn mẫu nhất định. Đó còn là cả một quy trình bao gồm nhiều công đoạn mới tạo nên một sản phẩm khảm trai hoàn chỉnh.

Ngắm những bức tranh khảm tinh xảo về hoa, chim công phượng… tại nhà trưng bày của nghệ nhân Nguyễn Trọng Nghĩa, khách tham quan càng thấy rõ niềm say mê và sự kỳ công của người thợ này. Đặc biệt, trong không gian trưng bày trang trọng chính của ngôi nhà, người xem còn ấn tượng với bức khảm chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp nở nụ cười hiền hậu.

Theo nghệ nhân Nguyễn Trọng Nghĩa, một trong những công đoạn quan trọng nhất của nghề khảm trai là “cẩn xà cừ” - nghệ nhân sẽ cưa nguyên liệu theo nét vẽ, đục gỗ và gắn những mảnh nguyên liệu họa tiết lên đó. Để họa tiết có độ bóng ánh lên màu sắc lung linh của vỏ trai, ốc đồng thời tạo linh hồn cho tranh, những tấm tranh gỗ sau khi “cẩn” sẽ được tỉa gọn, đánh bóng (hay còn gọi là mài khảm) rồi vẽ nét. Cuối cùng, những miếng trai được đính chặt vào mặt gỗ đã chạm sẵn khuôn hình tạo nên bức tranh hoàn chỉnh..

Có thể thấy, họa tiết trang trí trên khảm trai Chuyên Mỹ rất sinh động, đặc sắc. Những mảnh trai, vỏ ốc qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của những nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Từ những bức tranh tinh xảo đến những chiếc gương soi, chiếc bút được khảm trai lấp lánh… được các vị khách quốc tế thích thú mua về làm quà tặng cho người thân, gia đình.

Những người thợ thủ công cần mẫn của làng khảm trai Chuyên Mỹ. (Ảnh: Tuấn Việt)

Hành trình kết nối văn hóa

Không chỉ phát triển các làng nghề truyền thống, huyện Phú Xuyên còn có 120 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 38 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 82 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Trong chuyến đi này, cô Yoland Stefany cùng đoàn còn được đến thăm chùa Ráng - một trong những ngôi chùa cổ, là điểm du lịch tâm linh được người dân địa phương và đông đảo khách thập phương đến chiêm bái. Bị hấp dẫn bởi văn hóa truyền thống và những yếu tố cổ xưa, cô gái đến từ Cuba bộc bạch: “Mỗi chuyến đi địa phương ở Việt Nam đều để lại trong tôi những kỷ niệm đáng nhớ bởi cuộc sống bình yên, món ăn ngon, sản phẩm thủ công tuyệt đẹp, con người thân thiện...”.

Bày tỏ niềm vinh dự được chào đón các đại biểu của hành trình du Xuân hữu nghị 2023 tại quê hương, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, ông Nguyễn Xuân Thanh cho biết, huyện hiện có 43 làng nghề được công nhận.

Bên cạnh việc xác định phát triển kinh tế là trung tâm thì việc giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa là nhiệm vụ then chốt. Vì vậy, huyện luôn quan tâm bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử với kiến trúc độc đáo như chùa Ráng, nghệ thuật chạm khắc tiêu biểu có từ hàng trăm năm nay, các điệu hò, điệu múa…

Gắn bó với Việt Nam và sở hữu một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ Phú Xuyên, nhưng khi trực tiếp đến thăm các cơ sở sản xuất, Đại sứ Palestine Saadi Salama thực sự ấn tượng với sản phẩm phong phú khác và tay nghề tinh xảo của những nghệ nhân nơi đây.

Đại sứ Saadi Salama nhấn mạnh, huyện có thể tự hào vì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện đã có mặt ở Palestine và nhiều quốc gia khác. Ông tin tưởng, những hoạt động hữu nghị như chuyến đi này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội và làm cho những người nước ngoài hiểu hơn về con người, văn hóa và mảnh đất hơn một nghìn năm văn hiến này.

Có thể thấy, chuyến du Xuân ở ngoại thành Hà Nội đã đem đến cho bạn bè quốc tế nhiều trải nghiệm thú vị về những giá trị văn hóa đặc sắc và lòng mến khách của người dân Việt Nam, đồng thời có thể mở ra những cơ hội hợp tác mới cho làng nghề ở Phú Xuyên trong thời gian tới.

Theo phả đình làng Chuôn Ngọ (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội), nghề khảm trai nơi đây xuất hiện từ khoảng thế kỷ XI-XIII. Ông tổ nghề hiện được thờ tại làng là Trương Công Thành - một vị tướng văn võ song toàn từng tham gia vào đội quân của Lý Thường Kiệt.

Tương truyền, Trương Công Thành là phó tướng tài ba của vua Lý, sau khi đánh đuổi quân xâm lược, ông được vua ban thưởng rất nhiều và đến cuối đời ông sống một cuộc sống phong lưu tao nhã, thường ngao du sơn thủy. Trong một lần tình cờ ra bờ suối, nhặt được những mảnh vỏ trai, vỏ ốc mang nhiều màu sắc óng ánh rất lạ, ông bèn đem về nhà nghiên cứu, thử lắp ghép những vật liệu đó và tạo ra các họa tiết hoa văn rất sinh động.

Dần dần, ông khai nghiệp cho người dân trong vùng, tạo nên nghề khảm trai cho người dân ở Chuôn Ngọ và làng nghề được phát triển rộng khắp ra toàn xã Chuyên Mỹ ngày nay.