Đồn Biên phòng Nhơn Hội tuyên truyền pháp luật về biên giới quốc gia và phòng, chống Covid-19 cho đồng bào Chăm xã Nhơn Hội, huyện An Phú, An Giang. (Ảnh: Chiến Khu) |
Nền tảng cho những thành công ấy là do đơn vị đã thực hiện tốt Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới”, qua đó đưa pháp luật lan toả sâu rộng vào cuộc sống của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới.
Sáng tạo, đa dạng trong cách làm
Đại tá Phạm Văn Phong, Bí thư Đảng uỷ, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: “Trong 5 năm qua, với vai trò là cơ quan Thường trực thực hiện Đề án, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã làm tốt chức năng tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Đề án. Các cơ quan, đơn vị vận dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng đối tượng, tình hình nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; chú trọng nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả”.
BĐBP tỉnh phối hợp với Đài phát thanh truyền hình An Giang tăng cường đưa các tin, bài tuyên truyền các văn bản pháp luật trên chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” hàng tháng; đã phát được 184 tin, bài, phóng sự.
Hệ thống truyền thanh của 18 xã, phường, thị trấn và 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới đã phản ánh rõ nét, kịp thời việc thực thi và chấp hành pháp luật đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn biên giới, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi công dân trong chấp hành Hiến pháp và pháp luật.
Đơn vị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức 108 buổi tuyên truyền pháp luật về biên giới, phòng, chống dịch Covid-19, các văn bản luật chuyên ngành khác… cho 7.565 lượt cán bộ, nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn 18 xã, phường, thị trấn biên giới.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các Đồn Biên phòng còn vận dụng linh hoạt các phương pháp tuyên truyền thông qua các buổi tuyên truyền tập trung, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, họp dân, họp tổ an ninh nhân dân, sinh hoạt cơ quan, đơn vị; đồng thời gửi các video tuyên truyền pháp luật lên các trang nhóm Zalo của cán bộ, nhân dân trên khu vực biên giới.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên với mô hình tiếng loa Biên phòng. (Ảnh: Chiến Khu) |
Hiện nay dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài. Những ngày này, người dân các xã, phường, thị trấn biên giới trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với hình ảnh những “tuyên truyền viên” quân hàm xanh chở theo phía sau xe máy một chiếc loa phát liên tục các nội dung tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép ở khắp các tuyến đường ấp, khóm trên khu vực biên giới.
Cùng với phương châm tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” thì mô hình “Tiếng loa Biên phòng” được tuyên truyền bằng các thứ tiếng Việt, Khmer, Chăm phát huy hiệu quả tối đa.
Tính đến nay, các Đồn Biên phòng đã vận động 50.000 hộ dân khu vực biên giới ký cam kết “toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”, thiết lập 39 hộp thư góp ý và 33 đường dây nóng tố giác tội phạm.
Ngoài ra, các Đồn Biên phòng còn phát hơn 70.000 tờ rơi, 500 áp phích tuyên truyền các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; vận động, hướng dẫn 7.600 người dân cài đặt ứng dụng phòng chống dịch trên điện thoại thông minh.
Đơn vị còn phối hợp tổ chức tọa đàm, thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao nhân các ngày Lễ, Tết, các sự kiện trọng đại...
Các Đồn Biên phòng cùng với xã biên giới và Phòng Lao động thương binh xã hội tổ chức hoạt động hướng nghiệp, giới thiệu, tư vấn việc làm, tuyên truyền các văn bản pháp luật, tham gia hòa giải các vụ việc phức tạp...
Thông qua các hoạt động trên đã góp phần tuyên truyền cho người dân hiểu biết thêm về các văn bản pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát huy đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Các cơ quan, đơn vị còn duy trì thực hiện “Ngày Pháp luật” hằng tháng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền pháp luật. Từ đó, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ có thêm nhiều kênh để tương tác, thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận pháp luật.
Mô hình “phòng đọc biên giới” góp phần phổ biến kiến thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới An Giang. (Ảnh: Chiến Khu) |
Những thành quả tích cực
Đại tá Phạm Văn Phong đánh giá: “Qua công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành và thượng tôn pháp luật của cán bộ, Nhân dân khu vực biên giới; giúp cán bộ và Nhân dân thấy được vai trò trách nhiệm của mình đối với chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn, chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…”
Thật vậy, hiệu quả trong 5 năm thực hiện Đề án, các cơ quan, đơn vị không có cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật, pháp luật, mất an toàn giao thông. Địa phương không có đơn thưa khiếu kiện vượt cấp; tỷ lệ người dân vi phạm giao thông giảm đáng kể; tỷ lệ nhân dân qua lại làm ăn trái phép, vi phạm quy chế biên giới ít xảy ra; nạn bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội giảm đáng kể”.
Nổi bật trong công tác phòng, chống ma túy và tội phạm, đơn vị độc lập bắt 41/65 đối tượng, tang vật thu giữ 3,06477 kg heroin, 71,272 kg ma túy đá, 1 kg Ketamine, 10.300 viên ma túy tổng hợp, 84,684 kg cần sa khô.
Phối hợp bắt 11 vụ/25 đối tượng, tang vật gồm 18,96293 kg ma túy đá; 01 kg Ketamine; 11,2 kg ma túy tổng hợp; 3.011 viên ma túy tổng hợp; 57,4 kg cần sa khô.
Trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đơn vị độc lập bắt 925 vụ/166 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa 38,376 tỷ đồng (trong đó 3 vụ vận chuyển 540.000 USD); phối hợp bắt 312 vụ/51 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa 19,623 tỷ đồng.
Hai đối tượng cùng toàn bộ tang vật 40 kg ma túy đá bị lực lượng BĐBP An Giang bắt giữ. (Ảnh: Chiến Khu) |
Được sự giúp sức của quần chúng nhân dân, BĐBP tỉnh An Giang đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh.
Đơn vị phối hợp với các lực lượng chức phát hiện và bắt giữ nhiều loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, buôn lậu và gian lận thương mại.
Đặc biệt, BĐBP tỉnh An Giang đã tham gia bài trừ được các tệ nạn xã hội như: trộm cắp tài sản công dân, đánh người gây thương tích, gây mất trật tự công cộng, xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm quy chế biên giới, triệt phá các tụ điểm đánh bạc, đá gà,…lập lại trật tự, kỷ cương trên địa bàn biên giới, giúp chính quyền, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Hạp Tiến Bé, nông dân ấp Vĩnh Hoà, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn tâm sự: “Quanh năm chỉ lo làm ăn kiếm sống nên hiểu biết pháp luật của bản thân tôi còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, trên loa truyền thanh thường xuyên phát sóng liên tục các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người dân chúng tôi kịp thời nắm bắt những thông tin bổ ích để thực hiện tốt hơn, hạn chế vi phạm pháp luật”.
Với phương châm dựa vào dân, lấy dân làm gốc, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”, việc thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới” trong 5 năm qua giúp cán bộ, nhân dân vùng biên giới nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng và củng cố thế trận “biên phòng toàn dân”, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...
| An Giang: Hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo khu vực biên giới Chiều 4/11, tại UBND xã An Phú, các Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang, huyện Tịnh Biên và xã An Phú phối hợp ... |
| An Giang: Chia sẻ yêu thương với phụ nữ và học sinh nơi biên giới Hơn 100 phần quà và suất học bổng đã được trao cho hội viên phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do ... |