Trẻ em phải ra đời từ sớm, mưu sinh ở Sa Pa không còn là câu chuyện mới. (Nguồn: Vietnamnet) |
Tôi nghĩ về những đứa trẻ người Mông ở Sa Pa bị đẩy ra đường bán hàng trong những ngày rét mướt, chỉ 1-2 độ C đầu năm nay. Nhìn các em quấn từng lớp khăn bám theo khách du lịch để bán đồ, hoặc xin tiền mà không thể cầm lòng. Tự nghĩ, người lớn sao nỡ đành đẩy con em mình ra đường như thế, giữa tiết trời lạnh lẽo đó…
Có thể gia đình các em khó khăn, nhưng cũng có thể vì lợi nhuận mà người lớn đã không ngần ngại sử dụng trẻ em như một lao động dễ kiếm tiền, là công cụ kiếm tiền hữu hiệu. Câu chuyện dùng trẻ em là lao động, thậm chí là lao động chính kiềm tiền cho người lớn đã từng được báo chí nhắc đến. Hiện tượng dễ gặp ở những thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh có những em nhỏ bán vé số, bán hoa lưu niệm, đánh giày,…
Cuộc sống các em trôi nổi trên những cung đường, quán cà phê, công viên với những chiêu thức mời mua được người lớn hướng dẫn, mớm lời khiến tôi lo lắng. Đó là khi có những em dựa vào người lớn, nài nỉ mua sản phẩm mình đang bán. Tôi sợ những sự lạm dụng trẻ em bằng cách này và thắt tim không dám nghĩ xa hơn khi biết không phải ai cũng đàng hoàng trong ứng xử với trẻ.
Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam công bố ngày 18/12/2020 xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm.
Nơi thành phố tôi đang sống, thi thoảng cũng có những cô bé, cậu bé trong hình ảnh của những em bé Khmer, ôm ẵm em nhỏ chìa nón xin tiền ở vài ngã tư, ngã ba có nhiều xe cộ dừng đèn đỏ. Tôi thương nhưng cũng không khỏi hoài nghi về những người lớn phía sau các em đã và đang điều hành đường dây chăn dắt trẻ em làm công việc ấy.
Tôi cũng không dám nghĩ đến chuyện, có những người bố người mẹ lại ngồi ở đâu đó, nhịp chân cười nói để dùng đồng tiền do con cái còn quá nhỏ của mình kiếm được từ việc ăn xin hay bán vé số hoặc quà lưu niệm. Rồi họ tự hào “sớm được nhờ con”, xem như chiến tích của mình trong việc nuôi dạy con.
Để trẻ nhỏ lẽ ra tuổi ăn, tuổi học và cả tuổi được ngủ thật bình yên trong tình thương của người lớn lại phải bươn chải kiếm tiền. Đây có thể xem là tội ác, là cách hủy hoại tương lai của các con đáng sợ nhất. Giả sử các con bình yên vô sự, không bị kẻ xấu quỵt tiền hoặc lạm dụng, nhưng ký ức tuổi thơ nơi bụi đường, giữa miền rét mướt phải kiếm tiền trong đêm là nỗi ám ảnh khó nguôi quên.
Tôi cũng biết, có những gia đình khó khăn, vạn bất đắc dĩ mới phải cậy nhờ con mình làm việc, phụ giúp người lớn trong khả năng. Nhưng đó không phải là con số chung cho những hình ảnh đẩy trẻ ra đường mưu sinh.
Điều 1, Luật Trẻ em, 2016 quy định: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Và hẳn ai cũng biết, “trẻ em phải được học hành, được chăm sóc” chứ không phải để lao động mưu sinh.
Trong khi đó, khảo sát của tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, có tới 61% hộ gia đình không biết các loại công việc bị nghiêm cấm đối với trẻ dưới 15 tuổi; 15% nghĩ rằng việc sử dụng người lao động dưới 18 tuổi làm bất kỳ công việc nào cũng là hợp pháp; 37% trẻ từ 11 đến dưới 18 tuổi quan niệm cha mẹ có quyền bắt buộc các em kiếm sống cho gia đình.
Theo ILO, lao động trẻ em là công việc khiến trẻ em mất đi tuổi thơ, tiềm năng và nhân cách, và có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ, bao gồm cả việc cản trở khả năng đến trường.
Để nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết thúc đẩy những nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em, khẩn cấp hơn bao giờ hết, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chọn năm 2021 là Năm Quốc tế về Xóa bỏ lao động trẻ em. Để có thể vượt qua những thách thức và thực hiện vai trò là quốc gia tiên phong, Chính Phủ Việt Nam đã và đang xây dựng lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) 8.7 và Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Đây là tín hiệu tốt, kỳ vọng việc trẻ em sẽ có tương lai tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, thực tế, có không ít phụ huynh và cả dư luận đã luôn nhìn trẻ lao động giỏi là con ngoan, chỉ biết ngợi ca, cổ súy trẻ tiếp tục dấn thân vào con đường kiếm tiền dù mình chưa tới tuổi. Ít ai thấy phía sau câu chuyện trẻ giỏi lao động ấy là bàn tay thao túng của người lớn, sự thiếu hiểu biết pháp luật liên quan đến việc sử dụng lao động trẻ em.
Thậm chí, có những người biết trẻ đi lao động chân tay và bị chủ hành hạ - như vụ nỗi sợ của Trương Quang Duy, 14 tuổi, bị chủ quán bánh xèo ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đánh, bắt nhịn đói hồi cuối tháng 11/2020 nhưng ít để ý hoặc dửng dưng.
Đâu đó, sự vô cảm của cộng đồng kết hợp với sự xô đẩy của chính gia đình đã làm cho không ít trẻ em phải rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo, đáng thương…