Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ấn Độ chụp ảnh tại Đối thoại 2+2 Mỹ-Ấn. (Nguồn: PTI) |
Ngày 11/4 (giờ địa phương), Đối thoại Mỹ-Ấn 2+2 đã diễn ra tại Washington D.C. (Mỹ) với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh.
Phát biểu mở màn Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, trong lúc tình hình thế giới và khu vực chứng kiến nhiều thay đổi lớn, quan hệ giữa Washington và New Delhi càng quan trọng hơn bao giờ hết.
Trên bình diện quốc tế, xung đột Nga-Ukraine đã để lại hệ quả nghiêm trọng. Moscow và phương Tây ở thế đối đầu, căng thẳng chưa từng có sau Chiến tranh Lạnh. Cạnh tranh Mỹ-Trung trở nên gay gắt, toàn diện trên nhiều khía cạnh. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19, song không đồng đều do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khủng hoảng năng lượng, đồng thời phụ thuộc vào công tác phòng, chống dịch, mở cửa nền kinh tế của nước lớn và khu vực.
Tại Nam Á, quan hệ Trung-Ấn vẫn phức tạp: Trung Quốc vừa là đối tác thương mại đặc biệt quan trọng, song cũng là thách thức an ninh lớn nhất của Ấn Độ. Láng giềng của New Delhi là Pakistan có thủ tướng mới, nhưng lập trường từ Islamabad về Kashmir sẽ không đổi. Sri Lanka, nước có quan hệ đặc biệt với cả Ấn Độ và Trung Quốc, đang đối mặt khó khăn khi vừa tuyên bố vỡ nợ. Đặc biệt, bất chấp áp lực từ phương Tây, Ấn Độ duy trì sự trung lập và từ chối thể hiện thái độ với Nga về xung đột hiện nay tại Ukraine.
Khi đó, Đối thoại Mỹ-Ấn 2+2 được cho là sẽ mang đến thay đổi lớn, củng cố hợp tác song phương và đa phương, cùng thích ứng trước bối cảnh mới. Kỳ vọng là vậy, nhưng liệu thực tế ra sao? Đâu là điều “được” và “mất” từ đối thoại này?
Trung Quốc vừa là đối tác thương mại đặc biệt quan trọng, song cũng là thách thức an ninh lớn nhất của Ấn Độ. |
Điểm nhấn song phương
Điểm cộng lớn nhất từ Đối thoại là các tiến triển tích cực trong quan hệ Mỹ-Ấn.
Hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác phòng chống đại dịch Covid-19. Cả Mỹ và Ấn Độ đang hợp tác thông qua quan hệ đối tác vaccine trong khuôn khổ đối thoại an ninh Bộ tứ để cung cấp vaccine cho toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Về chính trị, cả hai nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Ấn đóng vai trò đặc biệt quan trọng với xứ cờ hoa, còn Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định New Delhi luôn dành ưu tiên hàng đầu cho quan hệ đối tác chiến lược với Washington.
Trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, Ngoại trưởng Mỹ cho biết hai bên cũng thảo luận về các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện của mỗi nước nói riêng và khu vực nói chung. Đồng thời, Washington và New Delhi sẽ sớm khởi động Đối thoại thương mại Mỹ-Ấn và diễn đàn CEO Mỹ-Ấn vào cuối năm nay. Mỹ sẽ phối hợp với Ấn Độ để tăng nguồn cung lương thực cho thế giới.
Đặc biệt, thời gian qua, bất chấp đại dịch, Mỹ và Ấn Độ đã tiếp tục thúc đẩy hợp tác quân sự với nhiều dự án mới, tăng cường chia sẻ thông tin và hỗ trợ hậu cần.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, hai bên đã nhất trí về dự án phát triển máy bay không người lái xuất phát trên không, thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất trang thiết bị quốc phòng, tham gia tập trận chung Tiger Triumph và đặc biệt, ký kết Nhận thức tình hình Không gian mới, tạo khuôn khổ hợp tác cao hơn.
Hai bên cũng thảo luận về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm như xung đột Nga-Ukraine, đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu, duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng, chống khủng bố và giáo dục.
Một điểm tích cực khác từ Đối thoại là đồng thuận về Pakistan và Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết sẽ ủng hộ Ấn Độ trong tranh chấp tại biên giới phía Bắc với Trung Quốc. Ông khẳng định với việc xây dựng cơ sở hạ tầng sát biên giới Ấn Độ, cũng như tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Trung Quốc đang làm “xói mòn” an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,
Ngoài ra, quan chức Mỹ và Ấn Độ cũng lên án các vụ tấn công khủng bố tại Mumbai và Panthakot, kêu gọi Pakistan “lập tức hành động” để để tăng cường an ninh, không để lãnh thổ bị lực lượng khủng bố lợi dụng để trú ẩn và hoạt động.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không thể thuyết phục Thủ tướng Narendra Modi thay đổi lập trường về Nga trong khuôn khổ đối thoại Mỹ-Ấn 2+2. (Nguồn Reuters) |
Rào cản mang tên Nga
Tuy nhiên, bên cạnh đó, không khó để thấy giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn còn tồn tại một số bất đồng, khác biệt khó giải quyết.
Nổi trội hơn cả là quan điểm của Ấn Độ về xung đột Nga-Ukraine. Tuyên bố của Mỹ về tranh chấp biên giới Trung-Ấn, Biển Đông, hay kêu gọi Pakistan tăng cường chống khủng bố là có lợi cho New Delhi. Đặc biệt, Mỹ cũng chưa quyết định về việc có miễn áp dụng Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) với Ấn Độ sau thương vụ S-400 của đất nước Nam Á.
Song New Delhi vẫn từ chối chỉ trích “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Moscow. Theo Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, vấn đề Ukraine đã được “trao đổi thẳng thắn” trong thảo luận trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 11/4. Song khi cuộc họp kết thúc, hai bên vẫn không thống nhất về vấn đề này. Ấn Độ duy trì thái độ trung lập, khẳng định New Delhi ủng hộ hòa đàm Nga-Ukraine và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ y tế cho Kiev.
Một quan chức Mỹ khác cho biết không có “câu hỏi cụ thể và câu trả lời cụ thể” về nhập khẩu năng lượng từ Nga của Ấn Độ, điều Mỹ đang mong muốn thúc đẩy: “Chúng tôi không nghĩ Ấn Độ nên đẩy nhanh hoặc tăng nhập khẩu năng lượng Nga. Mỹ sẵn sàng hỗ trợ, duy trì đối thoại với Ấn Độ về đa dạng hóa năng lượng”.
Ấn Độ duy trì thái độ trung lập, khẳng định New Delhi ủng hộ hòa đàm Nga - Ukraine và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ y tế cho Kiev. |
Một điểm khác khiến các quan chức Ấn Độ phải “nhíu mày” liên quan tới phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về nhân quyền tại đất nước Nam Á. Ông Blinken cho biết Washington đang “theo dõi một số diễn biến đáng quan tâm tại Ấn Độ” về vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ và hai quan chức cấp cao Ấn Độ đã không đề cập thêm về vấn đề này.
Như vậy, chuyện “được” và “mất” đã rõ ràng. Một mặt, hai nước tiếp tục hợp tác sâu sắc từ chính trị, kinh tế tới quân sự, duy trì đồng thuận về Trung Quốc và Pakistan. Mặt khác, hai bên nỗ lực giải quyết khác biệt tồn tại, đặc biệt là về Nga. Nhiều khả năng đây sẽ là xu hướng phát triển của quan hệ Mỹ-Ấn thời gian tới.
| Mỹ muốn 'gạt' Trung Quốc khỏi 'bàn cờ lớn' Với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Mỹ hy vọng có thể kiềm chế Trung Quốc cả về an ninh và kinh tế tại ... |
| Tân Thủ tướng Pakistan cảm ơn người đồng cấp Ấn Độ, tỏ mong muốn quan hệ hòa bình và hợp tác Tân Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp còn tồn tại giữa nước ... |