📞

Dưới tác động của dịch Covid-19, người dân châu Á đón Tết thế nào?

Bích Ngọc 14:17 | 10/02/2021
TGVN. Những ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ khiến người dân châu Á có một cách nhìn nhận mới và cách đón năm mới sâu sắc hơn, lắng đọng hơn, chậm rãi hơn...
Trước tác động của dịch Covid-19, người dân nhiều quốc gia châu Á có Tết âm lịch sẽ có cách đón Tết Tân Sửu khác hơn những năm trước khá nhiều.

Tết Tân Sửu đã trở thành một thách thức đối với người dân châu Á, giữa bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa thể khống chế, những thói quen từ bao đời gắn liền với Tết bỗng phải thay đổi để thích ứng.

Từ đây, mọi người sẽ thực sự trân trọng hơn từng khoảnh khắc được đoàn viên ấm cúng bên gia đình, người thân trong sự bình an của những ngày đầu năm mới.

Trong đời sống văn hóa đại chúng của người dân châu Á, Tết âm lịch vốn là một thời điểm mà mọi người đều hào hứng với việc đến thăm nhà nhau, phấn khởi đón khách tới nhà, những bữa ăn ấm cúng, sum họp đông vui bên họ hàng, bạn bè là một nét đặc trưng của dịp Tết.

Đây là thời điểm mà người ta có thể đến chơi nhà nhau và vui vẻ nhận lời ở lại dùng bữa mà không cần có một lời mời trịnh trọng "lên lịch" từ trước. Sự ngẫu hứng, phấn khởi của những cuộc gặp đầu năm mới đã trở thành một nét đặc trưng của kỳ nghỉ lễ đặc biệt này

Có một sự thấu hiểu không lời trong đời sống văn hóa Á Đông, đó là vào dịp Tết âm lịch, những người có mối quan hệ họ hàng thân thích, những người có mối giao hảo lâu năm, gắn bó trong đời sống thường nhật rất được chào đón tới thăm nhà nhau trong dịp Tết, thậm chí đó là một "trách nhiệm không lời", cần phải thực hiện, nếu không muốn làm "mếch lòng" nhau ngay từ đầu năm.

Việc gia chủ cùng lúc đón nhiều khách tới nhà đến mức hết cả ghế ngồi, hay không đủ tách để mời trà, là chuyện thường gặp và được xem là chuyện "khó xử", nhưng lại vui vẻ, thú vị của dịp Tết.

Tết là thời điểm của những cuộc gặp gỡ náo nhiệt và đôi khi "hơi mệt" đối với cả chủ nhà và khách khứa. Trước Tết, nhà nào cũng dành nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để dọn dẹp, mua sắm, nấu nướng... chỉ để chuẩn bị tốt cho "cuộc chạy marathon giao tế ngày Tết".

Vậy nhưng, dịch bệnh Covid-19 đang phá vỡ những thói quen lâu năm của người dân châu Á trong hoạt động đón Tết. Năm nay, người dân tại nhiều quốc gia sẽ phải đón Tết trong tinh thần không hoàn toàn phấn khởi, vô tư bởi những nguy cơ tiềm ẩn vẫn đang hiện diện của dịch bệnh, chúng ta sẽ đón một cái Tết rất khác.

Một cái Tết rất khác tại các quốc gia châu Á...

Ở tại nhiều quốc gia châu Á, những quy định về giao tiếp trong kỳ nghỉ Tết đã được đưa ra. Chẳng hạn ở Singapore, mỗi nhà chỉ được đón tối đa 8 vị khách tới chúc Tết trong một ngày, quy định này đã được Bộ Y tế nước này đưa ra và áp dụng từ ngày 26/1.

Mỗi người cũng chỉ được tới thăm tối đa hai gia đình trong một ngày, trong các cuộc thăm hỏi cần phải đeo khẩu trang. Người dân Singapore cũng được khuyến cáo nên giao tiếp một cách từ tốn, nhẹ nhàng, tránh nói to, tránh gây ồn ào thái quá.

Ở nhiều quốc gia châu Á khác, hay ở một số khu vực cục bộ tại một số quốc gia, người dân sẽ phải giảm bớt những cuộc tập trung với người thân, họ hàng, bạn bè... như một biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Việc mời ai tới nhà để có những cuộc đoàn viên ấm cúng, ý nghĩa dịp đầu năm mới sẽ là một vấn đề mà nhiều người dân châu Á cần phải cân nhắc trong dịp Tết năm nay. Đối với nhiều gia đình, cái Tết này sẽ là một cuộc cân não trong cách thức sắp xếp, tổ chức những cuộc di chuyển, gặp gỡ, đoàn viên. Nhiều người sẽ phải chúc Tết nhau qua những cuộc gọi, tin nhắn, video call...

Nhìn chung, ở nhiều quốc gia châu Á có Tết âm lịch, người dân sẽ có cách đón Tết Tân Sửu khác hơn những năm trước khá nhiều, bởi hầu như ở quốc gia nào, dịch bệnh cũng vẫn đang phủ lên đời sống người dân sự lo lắng nhất định, sự cẩn trọng cần thiết để phòng chống dịch.

Những thay đổi tích cực

Đối với nhiều người, hoạt động chuẩn bị cho Tết và đón Tết đã trở thành những thói quen không thay đổi qua năm tháng. Đều đều đến đúng thời điểm ấy, chúng ta lại mua sắm thêm, chăm chút hơn cho bản thân, cho người thân, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng thịnh soạn, đi thăm hỏi, chúc Tết và sẵn sàng tiếp đón khách đến nhà.

Mọi việc diễn ra gần như y hệt từ năm này sang năm khác. Nhiều khi chúng ta không thực sự để tâm vào những việc vốn đã thuộc về thói quen và dần trở nên quá đỗi quen thuộc ấy.

Việc ở tại một số quốc gia châu Á, hoạt động đón Tết năm nay diễn ra khác so với các năm trước khiến nhiều người tin rằng đây sẽ là dịp để những thói quen lặp đi lặp lại được nhìn nhận lại dưới góc nhìn mới, sẽ có những cách thích ứng mới tích cực hơn khi cuộc sống vẫn đang tiếp tục đổi thay.

Năm nay, nhiều người sẽ dành thời gian ở nhà hơn, các cuộc thăm hỏi sẽ diễn ra ở mức độ vừa phải, chừng mực hơn. Việc ở bên gia đình để thực sự nghỉ ngơi trong những ngày Tết có thể khiến người ta trở nên ý thức sâu sắc hơn về những mối liên hệ thực sự gắn bó và quan trọng trong cuộc sống của mình, để tìm cách duy trì, thắt chặt trong hoàn cảnh hiện tại.

Việc giảm bớt hoạt động đi lại, thăm hỏi, chúc Tết, việc duy trì liên hệ ấm áp với những người gần gũi, thân thiết và quan trọng nhất sẽ khiến chúng ta càng nhìn nhận rõ ràng hơn những con người thiết thân trong cuộc sống của mình, để có những cuộc trò chuyện sâu sắc, ý nghĩa hơn trong ngày đầu năm.

Tết năm nay sẽ rất khác ở nhiều quốc gia, có những điều lần đầu chúng ta trải nghiệm do hoàn cảnh tác động mà nên, nhưng mọi thứ đều có hai mặt, hoàn cảnh mới có thể khiến ta tìm ra những ý nghĩa mới cho một dịp nghỉ lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân tại nhiều quốc gia châu Á.

Ít nhất, chúng ta cũng hiểu rằng, chỉ riêng việc có thể thoải mái, vô tư gặp gỡ nhau một cách đông đúc, náo nhiệt, có thể cùng nhau ăn uống, trò chuyện chẳng cần lo toan, nghĩ suy nhiều khi cũng đã là một may mắn rất lớn trong cuộc sống.

(theo Dân trí/ CNA)