Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài ở biên giới Việt Nam-Campuchia (Tây Ninh). (Nguồn: CPV) |
Biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia dài khoảng 1255km (trong đó 84% đã phân giới cắm mốc). Biên giới bắt đầu từ vị trí ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia (đồi 1086 gần Bờ Y-Kon Tum), tới cột mốc 314, điểm cuối cùng hướng ra biển giữa Kiên Giang và Kampot.
Địa hình đa dạng
Đường biên giới đi qua mười tỉnh biên giới của Việt Nam và 9 tỉnh biên giới Campuchia. Các tỉnh Việt Nam là Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Các tỉnh biên giới Campuchia là Rattanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tboung Khmurn, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takeo và Kampot.
Phần biên giới từ Kon Tum đến Bình Phước đi qua địa hình rừng rậm, núi cao (trung bình từ 100m đến 1400m), độ dốc lớn, sông suối nhỏ cắt ngang biên giới nhiều. Phần biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang chạy trên đồng bằng, nhiều kênh mương rạch chia cắt. Đặc biệt, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long (các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang) vào mùa nước nổi, biên giới thường bị ngập lụt trắng xóa.
Khí hậu khu vực biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa, độ ẩm cao, gồm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 chiếm 90% lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 11 đến đầu tháng 4 năm sau với mưa ít khoảng 10% lượng mưa cả năm. Mùa khô nhiệt độ có khi lên đến 35 độ C. Nhiệt độ trung bình cả năm 26-27 độ C, thích hợp cho phát triển cây xanh.
Do yếu tố địa hình nên hệ thống giao thông phát triển kém ở phía Bắc và dân cư ở đó cũng ít hơn. Toàn vùng biên giới phía Việt Nam, dân số khoảng 16,51 triệu người, trong đó có khoảng 10 - 11 triệu lao động. Tại Tây Nguyên có tới 20 dân tộc ít người sinh sống như Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai, B' Râu, Rơ Mân, E Đê, Pa Co... Phần lớn các dân tộc thiểu số sống bằng nghề làm nương rẫy và săn bắn. Các dân tộc này mang đến một nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.
Trên vùng biên giới còn nhiều dân tộc sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc di cư đến địa bàn Tây Nguyên để xây dựng cuộc sống mới, phần lớn là đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông, Tày, Nùng. Người dân di cư tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông. Mật độ dân số tại khu vực biên giới phía Bắc khá thưa thớt, khoảng 1-26 người/km2.
Tại khu vực biên giới phía Nam, hệ thống giao thông tốt hơn, nhiều kênh rạch hơn nên dân cư tập trung đông đúc. Các dân tộc chính là Kinh, Hoa, Khmer, Chàm với mật độ 200-400 người/km2 (như Long An khoảng 290 người/km2, Đồng Tháp 400 người/km2), tập trung dọc các bờ sông lớn và ruộng đất, rừng cao su phì nhiêu.
Đầu mối giao thương
Khu vực biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đóng vai trò đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mekong và vùng Biển Đông, giữa ASEAN và Trung Quốc.
Trên vùng biên giới còn nhiều dân tộc sinh sống. (Nguồn: mattran) |
Vì vậy chính phủ rất quan tâm và thông qua Quy hoạch vùng biên giới Việt Nam-Campuchia đến năm 2030 sẽ phát triển thành một trong những vùng kinh tế động lực của cả nước về phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, phát triển thủy điện, thủy lợi; và là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và đường hàng không quan trọng phía Tây và Tây Nam đất nước.
Nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu hợp tác qua biên giới, theo quy hoạch, toàn tuyến biên giới được phân thành 2 khu vực lớn là khu vực biên giới Tây Nam và khu vực biên giới Tây Nguyên; trong mỗi khu vực sẽ hình thành các tiểu vùng kinh tế.
Chính phủ đã có quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia 2013-2020. Đến 2021 hai nước đã thỏa thuận thành lập 11 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 26 cặp cửa khẩu phụ.
Các cặp cửa khẩu quốc tế từ Bắc xuống Nam bao gồm: 1) Lệ Thanh (Gia Lai) – Oyadav (Rattanakiri); 2) Hoa La (Bình Phước) – Trapeang Sre (Kratié); 3) Xa Mát (Tây Ninh) – Trapeang Phlong (Tboung Khmurn); 4) (Mộc Bài (Tây Ninh) – Bà Vẹt (Svay Rieng); 5) Tân Nam (Tây Ninh) – Mon Chay (Prey Veng); 6) Bình Hiệp (Long An) – Pray Vo (Svay Rieng); 7) Dinh Bà (Đồng Tháp) – Bontia Chak Cray (Prey Veng); 8) Thường Phước (Đồng Tháp) – Koh Rokar (Prey Veng), đường sông; 9) Vĩnh Xương (An Giang) – Kaam Samnor (Kandal), đường sông; 10) Tịnh Biên (An Giang) – Phnom Den (Takeo); 11) Hà Tiên (Kiên Giang) – Prek Chak (Kampot).
Dự kiến một cửa khẩu quốc tế đường sắt sẽ được mở cho con đường liên vận đường sắt châu Á. Các cửa khẩu này đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo mô hình chuẩn gồm: nhà kiểm soát liên hợp, quốc môn, đường giao thông nội bộ, các khu chức năng… có thể kết nối hoạt động với hệ thống cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính biên giới đất liền trên toàn quốc, nhằm mục tiêu thông quan nhanh chóng, hiệu quả.
Tại các cửa khẩu quốc tế, hai bên chủ trương phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, hệ thống chợ thương mại biên giới. Người dân và doanh nghiệp hai nước có thể đâu tư làm ăn và tham quan du lịch các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y ở Kon Tum, khu kinh tế cửa khẩu đường 19 ở tỉnh Gia Lai; Bonuê ở tỉnh Bình Phước; Mộc Bài, Xa Mát ở tỉnhTây Ninh; Đồng Tháp; Khánh Bình ở tỉnh An Giang; Hà Tiên ở tỉnh Kiên Giang.
Các khu kinh tế cửa khẩu này cũng nằm trong quy hoạch phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia và hành lang kinh tế đường xuyên Á. Hệ thống đường giao thông phát triển mạnh, xây dựng đường quốc lộ N1 nối liền các tỉnh có biên giới với khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch giao thông của Bộ Giao thông-Vận tải.
Hệ thống đường tuần tra biên giới xây dựng đầu thế kỷ XXI đóng vai trò nhất định trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội vùng biên giới.
Thành quả phát triển vùng biên giới gắn liền với các nỗ lực của hai nước trong hoạch định và phân giới căm mốc biên giới đất liền.
| Tham khảo chính trị lần thứ 7 giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam - Campuchia Ngày 21/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng và Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Soeung Rathchavy đã ... |
| Lữ đoàn 962: Phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển trong thời bình Ngay từ khi thành lập, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 luôn một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với ... |