📞

Duyên văn hóa Việt Nam - Azerbaijan

08:00 | 27/05/2017
Khoảng cách lớn về địa lý không làm cản trở gặp gỡ thú vị giữa hai nền văn hóa.

Đã trở thành sự kiện thường niên, ba năm nay, Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà Nội luôn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan tổ chức Hội thảo “Tương đồng văn hóa giữa Azerbaijan và Việt Nam”.

Hội thảo tổ chức mới đây nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Azerbaijan tiếp tục giúp hai bên có cơ hội cùng tìm hiểu thêm về nhau, khám phá  sâu hơn về các phong tục, truyền thống của hai dân tộc. Đặc biệt, tại đây, nhiều nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu từng là cựu lưu học sinh Việt Nam tại Azerbaijan đã chia sẻ nhiều quan điểm về văn hóa hai nước...

Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov.

Những tương đồng dễ nhận biết

Có thể thấy Việt Nam và Azerbaijan đều là hai đất nước có nhiều dân tộc với những lễ hội truyền thống, những điệu múa dân gian và những điệu nhạc cổ truyền làm say đắm lòng người.  TS. Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, khoảng thời gian một năm học tập ở đất nước này, ông đã được sống trong yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô Azerbaijan.

Theo ông Tuấn, hai nước có lịch sử dựng nước, giữ nước lâu đời, truyền thống đó đã trở thành cội nguồn nuôi dưỡng âm nhạc dân gian phát triển và trường tồn theo thời gian. Ngoài ra, âm nhạc dân gian hai nước luôn có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc và yếu tố ngoại lai, thể hiện trong các nhạc cụ gồm trống, đàn kéo...

Nhìn từ nghệ thuật múa dân gian, NSND Ứng Duy Thịnh đã nêu ra điểm tương đồng đặc biệt giữa điệu múa Yalli với điệu múa xòe của dân tộc Thái ở Việt Nam. Hai điệu múa này giống nhau ở chỗ số lượng người múa không giới hạn, không phân biệt tuổi tác giới tính. Khi múa, họ cùng nắm tay và hướng mặt vào nhau, thể hiện đồng cảm giữa những người lao động. Múa dân gian hai nước còn gần gũi ở các động tác hái quả, dệt khung cửi, ngay cả chuyển động của những bước chân cũng đồng điệu...

Với TS. Lê Thị Bích Hồng - Giảng viên Đại học Sân khấu-Điện ảnh, bà có cơ hội đặt chân tới Azerbaijan từ lúc 12 tuổi, khi được tham dự Trại hè thiếu nhi quốc tế. Tình cảm ấy vẫn theo bà đến tận hôm nay, khi được nghiên cứu và tìm hiểu  sâu hơn về văn hóa Azerbaijan. Tiến sĩ Hồng chỉ ra hai nước cùng nghỉ lễ vào mùa Xuân, nghệ thuật dệt thảm của người Azerbaijan cũng có nét tương đồng với nghề dệt thổ cẩm của người Việt Nam, phố cổ ở Baku cũng khá giống phố cổ ở Hà Nội...

“Nếu thủ đô Hà Nội có Hoàng thành Thăng Long, thủ đô Baku có thành cổ Baku với Tháp Maiden (còn gọi là Tháp Nàng Trinh nữ). Nếu Việt Nam có Cao nguyên đá Đồng Văn, Azerbaijan có Qobustan - một bảo tàng ngoài trời với những bức tranh được khắc, vẽ trên đá của thời kỳ đồ đá mới. Ngoài ra, núi Caucasus ở Azerbaijan cũng khiến nhiều người nghĩ đến đỉnh Fansipan của Việt Nam...”, bà Hồng nói.

Văn hóa trọng tình thân

Theo Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov, không phải ngẫu nhiên mà người dân hai nước luôn nhiệt tình giúp đỡ nhau những lúc hoạn nạn và khó khăn. Có thể nói, chính văn hóa trọng tình đã giúp hai nước thấu hiểu và đồng cảm với nhau hơn. Trải nghiệm chiến tranh cũng giúp định hình tính cách  người dân hai quốc gia với những đặc điểm như: cần cù, chăm chỉ, thân mật, hào phóng.

Trong mối quan hệ tốt đẹp này, Đại sứ Anar Imanov nhắc đến vai trò đặc biệt của hai nhà lãnh đạo tiền bối đã đặt viên gạch đầu tiên cho quan hệ hai nước, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Heydar Aliyev. Vào năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm Azerbaijan và năm 1983, ông Heydar Aliyev đã sang thăm Việt Nam trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Đại sứ tin tưởng nền tảng tình hữu nghị mà hai nhà lãnh đạo tiền bối đã vun đắp là di sản quý giá nhất mà hai nước cần gìn giữ.

‘Tôi thực sự xúc động trước tình cảm của các cựu lưu học sinh Việt Nam từng đến học và coi Azerbaijan là quê hương thứ hai. Dù ở Việt Nam chưa có một cộng đồng lớn người Azerbaijan, chúng tôi luôn thấy tự hào vì tại đây luôn có những người bạn Việt Nam trân trọng tình cảm này”, Đại sứ nói.

Với ông Đào Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và văn hóa Azerbaijan, nét tương đồng nổi bật giữa hai nước chính là cách sống nhân văn, yêu chuộng hòa bình, đề cao giá trị đạo đức và chuẩn mực gia đình với vai trò của người phụ nữ được coi trọng. Từng học tập ở Baku cách đây hơn 30 năm và nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan, ông Tiến luôn sẵn sàng trong công tác gìn giữ mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và góp phần thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Đến với nhau nhờ duyên

Đại sứ Anar Imanov cho rằng, cầu nối tương đồng văn hóa đang giúp cho người dân Azerbaijan và Việt Nam đến gần nhau hơn. Vì vậy, dù đều đẩy mạnh hội nhập, cởi mở tiếp nhận văn hóa phương Tây, hai nước vẫn giữ bản sắc của chính mình. Mới đây, ông đã tổ chức Lễ hội truyền thống Novruz ngay tại Việt Nam với mục đích chia sẻ ngày hội này với những người bạn Việt Nam.

Học tập và gắn bó với Azerbaijan trong sáu năm, TS. Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Pháp ngữ cho biết, đất nước này gắn liền với tuổi thanh xuân và gợi cảm hứng cho nhiều sáng tác nghệ thuật của ông. Hầu như, những bài thơ và những câu chuyện ngắn của ông ghi đậm dấu ấn mỗi tên người, tên phố ở Azerbaijan.

“Nếu thoạt nhìn sẽ thấy hai nước khác biệt bởi địa lý, tín ngưỡng tôn giáo, ngôn ngữ... Nhưng tôi nghĩ, Việt Nam và Azerbaijan rất có duyên. Chính bởi duyên, nên dù xa xôi, chúng ta vẫn dễ gặp nhau”, TS. Ngô Tự Lập tâm sự.