Trong bối cảnh EU đặt ra các mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu, yêu cầu cải cách thị trường carbon càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa: Nhà máy ThyssenKrupp Steel Europe ở Duisburg, Đức. (Nguồn: Reuters) |
Đây được coi là một bước hiện thực hóa cam kết cắt giảm khí thải và đầu tư vào các công nghệ thân thiện với khí hậu của EU.
Trong một tuyên bố, Nghị viện châu Âu (EP) nêu rõ thỏa thuận này nhằm đẩy nhanh việc cắt giảm khí thải, loại bỏ dần các khoản trợ cấp cho các ngành công nghiệp và nhắm mục tiêu giảm khí thải nhiên liệu từ các ngành xây dựng và giao thông đường bộ.
Thị trường carbon, còn gọi là thị trường mua bán quyền phát thải, hoạt động dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn phải trả tiền để mua quyền phát thải, ngược lại nếu các tổ chức, doanh nghiệp có mức phát thải thấp có thể thu được nguồn lợi tài chính. Nói cách khác, thị trường carbon hoạt động dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, từ đó tạo động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư vào công nghệ sạch, ít phát thải.
Hình thành từ năm 2005, thị trường carbon của EU là thị trường mua bán quyền phát thải đầu tiên và lớn nhất thế giới. Với sự tham gia của tất cả các thành viên EU và 3 nước châu Âu khác, thị trường carbon EU giới hạn phát thải từ hơn 11.000 nhà máy sản xuất năng lượng, nhà máy sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sắt thép, xi-măng, gốm, giấy và ngành hàng không... Lượng phát thải trao đổi trên thị trường chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải của EU. Vì vậy, đây được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất của EU để ứng phó biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và hiện nay là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh EU đặt ra các mục tiêu tham vọng về chống biến đổi khí hậu, yêu cầu cải cách thị trường carbon càng được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.