Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) trong cuộc họp báo chung tại Kiev, Ukraine, 11/2023. (Nguồn: AFP) |
Điều này đã được đại diện của Ukraine tại EU Vsevolod Chentsov tuyên bố trong cuộc họp giao ban trực tuyến tại Trung tâm Truyền thông Ukraine mới đây.
Bơm thêm 50 tỷ Euro trao cho Ukraine, tức là tổng cam kết tài chính nhiều năm của EU dành cho Kiev đã lên tới hơn 100 tỷ Euro, đưa Brussels trở thành nguồn hỗ trợ quan trọng nhất đối với Kiev.
Kiev dự kiến nhận được đợt viện trợ đầu tiên trong gói 50 tỷ Euro, trị giá 4,5 tỷ Euro (khoảng 4,9 tỷ USD) từ EU vào tháng 3, Bộ Kinh tế Ukraine cho biết.
"Ngay từ đầu, các cơ chế kiểm soát này đã được dự kiến đối với các khoản chi tiêu của Quỹ Ukraine - trị giá 50 tỷ Euro. Trên thực tế, sẽ có một số cấp độ kiểm soát - như một cuộc kiểm toán, công cụ kiểm soát riêng đối với Quỹ này, dù đây có thể là một công cụ kiểm soát tài chính rất mới", ông Chentsov cho biết.
Đây sẽ là nỗ lực chung giữa các cơ cấu liên quan của EU và các cơ quan giám sát của chúng tôi. Ngoài ra, dự kiến, toàn bộ quá trình cũng sẽ có sự kiểm soát của quốc hội - đây chính là thực tế cho thấy một kế hoạch cải cách và phục hồi kinh tế đang được phát triển, trong đó sẽ cập nhật cả các chỉ số liên quan", ông Chentsov nói.
Như vậy, thỏa thuận mới yêu cầu, "EC phải có báo cáo hàng năm cho Hội đồng châu Âu, đồng thời, phải có khả năng sửa đổi các thông số tài trợ trong vòng hai năm, nếu cần thiết".
Ngoài ra, điều kiện tiên quyết để cung cấp khoản hỗ trợ như vậy cho Ukraine theo Quỹ là nước này tiếp tục theo đuổi lộ trình đảm bảo tuân thủ các cơ chế dân chủ hiệu quả, bao gồm hệ thống nghị viện đa đảng, nhà nước pháp quyền và tôn trọng nhân quyền, bao gồm cả của những người thuộc nhóm thiểu số.
Trong mục tiêu thực hiện các cơ hội của Quỹ Ukraine, EC và Ukraine sẽ triển khai các biện pháp thích hợp để bảo vệ lợi ích tài chính của EU, đặc biệt trong bối cảnh ngăn chặn, phát hiện và loại bỏ gian lận, tham nhũng, xung đột lợi ích và những vi phạm.
Hội đồng châu Âu sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý Quỹ Ukraine. Đặc biệt, họ sẽ phải phê chuẩn "Kế hoạch Ukraine" và các phụ lục của nó với đa số đủ điều kiện, đồng thời sẽ quyết định phê duyệt hoặc đình chỉ thanh toán dựa trên đánh giá và đề xuất liên quan của EC.
Dựa trên báo cáo thường niên của EC về việc triển khai các dự án thành phần tại Ukraine, Hội đồng châu Âu sẽ tổ chức các cuộc thảo luận hàng năm về việc triển khai Quỹ để đưa ra các khuyến nghị. Nếu cần thiết, trong thời gian hai năm, Hội đồng châu Âu sẽ giao nhiệm vụ cho EC xây dựng các đề xuất điều chỉnh nguồn tài trợ, trong bối cảnh ngân sách nhiều năm mới của EU.
Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu trong ngày đầu tiên của tháng 2/2024, sau nhiều nỗ lực, Lãnh đạo của tất cả 27 nước thành viên EU đã nhất trí về gói hỗ trợ 50 tỷ Euro (khoảng 54 tỷ USD) dành cho Ukraine từ ngân sách nhiều năm của khối để phục hồi và tái thiết của nước này trong 4 năm tới.
Số tiền này dự kiến sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính ngay lập tức, giúp đảm bảo nguồn tài trợ ổn định và dài hạn cho Kiev. Một quan chức EC nhấn mạnh, EU đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và thể hiện trách nhiệm đối với Ukraine.
Đúng như vậy, nguồn tài trợ của EU lúc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh gói viện trợ tương tự từ Mỹ "chưa có đáp án" và càng trở nên phức tạp hơn bởi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Số tiền EU cam kết với Kiev được cho là sẽ lấp đầy "lỗ hổng" trong ngân sách của chính phủ Ukraine, để cho phép họ trả lương và các dịch vụ.
Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, việc EU phê duyệt gói viện trợ sẽ củng cố khả năng ổn định kinh tế và tài chính lâu dài cho Ukraine, khi cuộc xung đột với Nga bước sang năm thứ ba.
"Điều rất quan trọng là quyết định được đưa ra bởi tất cả 27 lãnh đạo, điều này một lần nữa chứng tỏ mối đoàn kết mạnh mẽ của EU", ông Zelensky đăng trên mạng xã hội X.
Giới quan sát nhận định, EU thực ra đang nỗ lực giải quyết khó khăn trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6/2024. Việc các nước EU tìm được tiếng nói thống nhất để tạo nền tảng hiện thực hóa hành động chung về các vấn đề hóc búa, nhất là liên quan ngân sách và chính sách đối ngoại, là hết sức quan trọng đối với vị thế, uy tín của khối này.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần phủ quyết gói viện trợ của EU dành cho Ukraine, dẫn đến các cuộc tranh luận căng thẳng trong nhiều tuần trước khi EU đạt được đồng thuận. Trong nỗ lực đạt được thỏa thuận, Hungary đã đề xuất về việc sẽ tổ chức cuộc tranh luận hàng năm về vấn đề viện trợ cho Kiev.
Trước đó, giới quan sát dự kiến sẽ chứng kiến nhiều giờ đấu tranh chính trị kéo dài, nhưng diễn biến bất ngờ khi một thỏa thuận đã nhanh chóng được công bố, ngay sau khi Thủ tướng Orban gặp các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Italy.
Một nhà ngoại giao châu Âu cho biết, mặc dù không có đề xuất nào về một thỏa thuận có qua có lại trực tiếp, nhưng Thủ tướng Orban đã giành được sự đảm bảo rằng, Brussels sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến khoản tiền bị phong tỏa trị giá 20 tỷ Euro của Budapest một cách công bằng.
Ukraine đã trở nên tuyệt vọng trong những tháng gần đây khi nguồn tài trợ từ các nước phương Tây bị đình trệ. Hồi tháng 12/2023, EU nhất trí về gói viện trợ mới nhất có thời hạn đến năm 2027 và quyết định cấp tư cách ứng viên cho Ukraine, điều mà Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã miễn cưỡng chấp nhận.