Nỗ lực mở rộng thành viên từng là một chính sách quan trọng của EU. (Nguồn: AP) |
Tình thế đi vào "ngõ cụt"
EU chưa thể nhất trí với mục tiêu hoàn tất việc kết nạp vào năm 2030 do các nước thành viên lo sợ vấp phải phản đối ở trong nước về vấn đề di cư và những vấn đề quan hệ song phương khác.
Như vậy, chính sách mở rộng thành viên của EU, từng gặt hái được thành công, giờ đây đang đối mặt trước tình thế "ngõ cụt".
Mặc dù vậy, các nước chủ chốt của EU như Đức và Pháp đã thừa nhận lợi ích địa chiến lược đối với khu vực Balkan vốn được coi là "sân sau" của EU trước tầm ảnh hưởng gia tăng của Nga và Trung Quốc.
Sau nhiều cuộc thảo luận, các lãnh đạo EU nhất trí rằng Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, vùng lãnh thổ Kosovo và Albania có thể gia nhập EU nếu đáp ứng các tiêu chuẩn trong các lĩnh vực từ cải cách tư pháp đến kinh tế.
Tuy nhiên, thời hạn chót cho việc kết nạp là năm 2030 do nước Chủ tịch luân phiên của EU Slovenia đưa ra đã bị các thành viên khác bác bỏ tại hội nghị, một phần cũng vì những lý do quan hệ song phương. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thừa nhận vẫn còn bất đồng giữa các nước thành viên EU, do đó vấn đề này cần được thảo luận thêm.
Có một số nguyên nhân lý giải cho những bất đồng nêu trên trong EU. Thứ nhất, chủ nghĩa dân túy ngày càng lớn mạnh ở Hungary và Ba Lan, hủy hoại tinh thần đoàn kết nội khối.
Thứ hai, làn sóng hơn 1 triệu dân di cư đến châu lục này hồi năm 2015 đã gây ra những bất đồng sâu sắc trong nội khối về cách xử lý vấn đề nhập cư, đồng thời cũng gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn mà cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thứ ba, căng thẳng quan hệ vẫn âm ỉ giữa Serbia và Kosovo cũng là yếu tố cản trở. 5 nước thành viên EU không công nhận Kosovo là một quốc gia. Ngoài ra, vấn đề kết nạp thêm thành viên của khối luôn bị gạt ra ngoài lề bởi EU trong vài năm qua luôn phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chính trị lớn như cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, việc Anh rút khỏi EU (Brexit).
Những điều này khiến EU chú trọng đến vấn đề tồn vong hơn là mở rộng thành viên. Ngoài ra, sự thay đổi chính trị ở Đức và cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp năm 2022 khiến vai trò lãnh đạo của EU bị lu mờ, gây khó khăn cho quá trình ra quyết định.
Brussels lo ngại nỗi bất bình sau nhiều năm chờ đợi được kết nạp có thể đẩy một số nước xích lại gần hơn với Trung Quốc và Nga. Để trấn an nhóm 6 nước kể trên, EU đã thảo luận về những gói hỗ trợ kinh tế trị giá hàng tỷ Euro cho các nước láng giềng phía Đông này nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy những lĩnh vực số.
Lợi ích địa chiến lược
Nỗ lực mở rộng thành viên từng là một chính sách quan trọng của EU. Tuy nhiên, nỗ lực này gặp phải không ít khó khăn trong những năm gần đây.
Một số nước thành viên giàu có hơn lo sợ việc kết nạp thêm thành viên mới sẽ kích hoạt một làn sóng nhập cư mới, còn những ứng cử viên xin gia nhập thì lại vật lộn với những cải cách theo yêu cầu của EU, đặc biệt là những quy tắc về dân chủ.
Giải thích lý do vì sao EU chưa thể nhất trí với mục tiêu kết nạp thành viên mới vào năm 2030, EU cho rằng khối này trước hết cần củng cố sự phát triển nội khối, đảm bảo đủ năng lực để kết nạp thêm thành viên mới.
Phát biểu ngày 6/10 sau khi dự hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ những lời kêu gọi đưa ra hạn cụ thể để kết nạp các thành viên mới vùng Tây Balkan. Theo bà Merkel, không cần đặt ra một lịch cụ thể, thay vào đó cần tập trung vào những cam kết rằng một khi các ứng viên Balkan đáp ứng các điều kiện thì việc kết nạp sẽ được tiến hành.
Trong khi đó, việc đề ra hạn chót sẽ khiến EU gặp áp lực mà không quan tâm liệu các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan đã đáp ứng đủ điều kiện hay chưa. Tuy nhiên, bà Merkel nhấn mạnh việc kết nạp những nước Tây Balkan là "lợi ích địa chiến lược to lớn" của EU.
Đến nay, EU là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của 6 nước và vùng lãnh thổ Balkan nói trên. Việc mở rộng quy mô khối lên 33 thành viên được cho là sẽ buộc EU phải thay đổi quy trình ra quyết định vốn đang gây căng thẳng và tiến hành cải cách nội khối mà không phải thành viên nào cũng sẵn sàng tham gia.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc chỉ chiếm 8% trao đổi thương mại quốc tế của khu vực Balkan, trong khi con số này giữa EU và các nước Balkan là khoảng 70%. Thế nhưng, Bắc Kinh lại hào phóng cung cấp các khoản cho vay để các nước Balkan đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Trong khi đó, Nga đang nỗ lực tận dụng mối quan hệ lịch sử với khu vực Balkan để thách thức EU và sự can dự của Mỹ khi lên tiếng phản đối việc các nước Balkan gia nhập EU.