Lãnh tụ huyền thoại của cách mạng Cuba kể rằng ngay sau khi tới Việt Nam, ông đã có một cuộc nói chuyên riêng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại ngôi nhà mà phía Việt Nam bố trí cho ông nghỉ ngơi. Trong câu chuyện thân tình giữa những người đồng chí anh em, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một chiến sỹ cách mạng mạnh mẽ, đã không ngăn được dòng lệ khi nhắc tới hàng triệu thanh niên Việt Nam đã ngã xuống trong những năm tháng chiến tranh. “Lúc đó tôi mới thực sự cảm nhận được tầm vóc và sự khốc liệt của cuộc đấu tranh đó”, Fidel nhớ lại.
Trong suốt hành trình từ Hà Nội bay về phía Nam, ông đã chứng kiến sự tàn phá của bom đạn Mỹ, hầu hết cây cầu đều bị phá hủy, làng mạc bị tàn phá và ngày nào bom rải thảm cũng được thả xuống các cánh đồng lúa, nơi mà trẻ em, phụ nữ và các người già đang chăm chỉ làm việc. Phía Việt Nam ban đầu cũng lo ngại về sự an toàn của Fidel nếu thông tin về chuyến đi của ông tới vùng giải phóng miền Nam bị lộ ra ngoài và Fidel đã phải thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam bằng mọi cách để thực hiện chuyến đi đó.
Lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm nhà hầm Tỉnh ủy Quảng Bình sáng ngày 17/9/1973. |
Sau khi vào tới Đồng Hới, phái đoàn Cuba chuyển sang đi đường bộ, vượt qua sông Nhật Lệ để tiếp tục đi sâu vào vùng giải phóng ở tỉnh Quảng Trị. Fidel đã tới thăm một bệnh viện dã chiến, tận mắt nhìn thấy nhiều xe tăng M48 của Mỹ được quân giải phóng thu giữ. Nhà lãnh đạo Cuba đã tham gia một cuộc mít tinh ngay tại mặt trận với các chiến sỹ trẻ tuổi từng tham gia vào những trận chiến đấu khốc liệt trên chiến trường Quảng Trị. “Không hiểu tại sao họ lại có thể chịu đựng được nhiều bom đạn như vậy. Những con người này thật đáng khâm phục”, Fidel nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam năm 1973, điều tiếc nuối nhất mà Fidel một lần nữa nhắc lại đó là không thể gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước của những người An Nam, dân tộc mà vị Anh hùng Dân tộc Cuba Jose Marti đã ca ngợi từ năm 1889 trong tạp chí Tuổi Vàng dành cho thiếu nhi.
Tổng Tư lệnh cách mạng Cuba cũng nhắc lại câu nói nổi tiếng, đi sâu vào trái tim của mỗi người Việt Nam, mà ông đưa ra vào ngày 2/1/1966 nhân kỷ niệm 7 năm ngày cách mạng Cuba thành công: “Vì Việt Nam, chúng ta sẵn sàng không chỉ trao tặng đường mía, mà hiến dâng cả máu của mình. Đó là thứ có giá trị hơn đường rất nhiều!”.
Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro vào thăm vùng tuyến lửa Quảng Trị. Ông là nguyên thủ nước ngoài duy nhất tới thăm vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. |
Ông Fidel cũng ca ngợi tình cảm anh em, hữu nghị truyền thống, chia sẻ khó khăn của hai dân tộc khi mà trong nhiều năm đã có hàng nghìn học sinh Việt Nam sang Cuba học đại học, trong khi một số lượng không nhỏ học sinh Cuba lại sang Việt Nam để học tiếng Việt. Các chuyến tàu chở đường của Cuba viện trợ cho Việt Nam neo đậu ở cảng Hải Phòng bất chấp bom đạn và thủy lôi của Mỹ, các chuyên gia, kỹ thuật viên xây dựng, nông nghiệp của Cuba cũng đã tới Việt Nam làm việc. Chuyến tàu chở hàng đầu tiên của Việt Nam cập cảng Havana cũng để lại những ấn tượng sâu sắc và ngày nay sự hiểu biết chính trị giữa hai đảng, mối liên hệ hợp tác kinh tế nhà nước và doanh nghiệp, cũng như quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc vẫn được giữ vững và ngày càng được củng cố.
Lãnh tụ Fidel Castro khẳng định, nhớ lại lịch sử và những tội ác khủng khiếp mà người ta gây ra đối với các nước ít phát triển hơn về kinh tế và khoa học sẽ giúp cho tất cả các dân tộc đấu tranh vì chính sự tồn tại của mình.