📞

G19 có thể chống lại G1 về vấn đề khí hậu?

18:03 | 08/07/2017
Liệu nhóm các nước đi đầu trong việc bảo vệ môi trường như Đức và Pháp cùng các nước giàu dầu mỏ như Nga và Saudi Arabia có thể cùng nhau bảo vệ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu để đối đầu với Tổng thống Mỹ Donald Trump hay không?

Đây là câu hỏi đặt ra cho các nhà quan sát khi nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Hamburg (Đức) trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng địa chính trị đang đe dọa "lấn át" vấn đề biến đổi khí hậu trong chương trình nghị sự. 

Cơ hội đầu tiên cho "G19"

Kể từ khi ông Trump thông báo về việc Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu với sự tham gia của 196 nước hồi tháng 6/2017, các nước thành viên của G20 như Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Canada, Italy và Đức - chủ tịch luân phiên của G20 - đã tái khẳng định cam kết của họ về tham vọng “giải cứu” vấn đề khí hậu. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội đầu tiên cho 19 nước còn lại cùng nhau lên tiếng chỉ trích Mỹ. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh G7. (Nguồn: AFP)

Mohamed Adow, hiện làm việc tại tổ chức Christian Aid và là một nhà quan sát kỳ cựu của các vòng đàm phán về biến đổi khí hậu trong suốt hai thập kỷ qua để dẫn tới Hiệp định Paris 2015, nói: "Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, về cơ bản điều mà Đức và các nước thành viên còn lại mong muốn là cô lập Mỹ để nước này không thể gây ô nhiễm đến bất kể nước nào khác". 

Tháng 5/2017, trước khi ông Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, 6 nước còn lại trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với hiệp định toàn cầu vốn rất khó khăn mới có thể đạt được này. G20 bao gồm cả G7 cũng như các nước đang phát triển khác như Trung Quốc, Brazil, Mexico, Nam Phi, Hàn Quốc và Indonesia. Nhóm này cũng bao gồm các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới như Nga và Saudi Arabia, cùng các nước phát thải lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính, như Ấn Độ, điều đòi hỏi sức ép lớn để cho phép hiệp định này được thực thi ngay từ đầu. 

Celia Gautier, cố vấn của tổ chức phi chính phủ Mạng lưới Hành động vì Môi trường, nói: "Ông Trump có những đồng minh tiềm năng như Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga". Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp định Paris nhưng chưa thông qua văn kiện này. Saudi Arabia, vốn là một trong những nước cuối cùng từ chối thỏa thuận, đã ký kết và thông qua văn kiện này. 

Kỳ vọng vào một tuyên ngôn mạnh mẽ

Các nhà quan sát cho rằng trong số những nước đang phát triển của khối này, những nước đi đầu trong việc bảo vệ môi trường cần lớn tiếng ủng hộ nỗ lực của Đức để đưa ra một tuyên bố với ngôn từ mạnh mẽ về vấn đề khí hậu trong hội nghị vào ngày 8/7. Ông Adow cho rằng nếu các nước không làm như vậy, "họ sẽ dễ dàng khiến ông Trump tin rằng ông có thể làm suy yếu kết quả của hội nghị G20 và xây dựng sự kết nối với những nước này". 

G20 là cơ hội đầu tiên cho 19 nước còn lại cùng nhau lên tiếng chỉ trích Mỹ. (Nguồn: AFP)

Trong khi đó, Alden Meyer - chuyên gia của Hiệp hội các Nhà khoa học - cho biết hiện có nhiều "tin đồn rằng Saudi Arabia đã loại bỏ một vài yếu tố của văn kiện” và có thể đang “phối hợp” với Washington. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị bao trùm hội nghị có thể dẫn tới tình thế "trong cái rủi có cái may". Các nhà quan sát cho rằng Saudi Arabia và Nga, vốn lần lượt có liên quan đến cuộc khủng hoảng của Qatar và Syria, có thể không muốn gây ra mâu thuẫn mới về vấn đề khí hậu tại thời điểm này. 

Hội nghị thượng đỉnh lần này được dự tính sẽ đưa ra một tuyên bố cuối cùng bao gồm các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu. Các nước đã đàm phán về nội dung của "Kế hoạch hành động" về khí hậu và năng lượng. Câu hỏi được đặt ra là văn kiện cuối cùng sẽ có nội dung thế nào. Liệu 19 nước trong G20 sẽ có cùng một tiếng nói về môi trường hay không? Hay họ sẽ bị chia tách và một vài trong số đó sẽ đứng về phía Mỹ? Hay liệu các nước sẽ đưa ra thỏa thuận với Mỹ rằng sẽ có một tuyên bố chung của 20 nước thành viên nhưng với ngôn từ mềm mỏng hơn về vấn đề khí hậu? 

Cho dù kết quả hội nghị như thế nào thì các nhà quan sát cho rằng, G20 không phải là nơi để các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết định thay đổi hướng đi. Chuyên gia Meyer nói thêm: “Sẽ là một điều đáng lo ngại nếu bạn chứng kiến sự ‘xuống nước’ trong ngôn từ của bản tuyên bố cuối cùng của G20. Chắc chắn việc chấp nhận ‘than sạch’ sẽ không phải là điều tốt đẹp”. Đây là thuật ngữ của ngành công nghiệp để cho phép tiếp tục sử dụng than với việc giảm bớt tác động ô nhiễm. Giới chỉ trích cho rằng các nước nên tập trung vào việc chuyển sang dùng các nguồn năng lượng không gây ô nhiễm như năng lượng gió và năng lượng Mặt trời. 

G19 cần đẩy mạnh cam kết

G20 chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu và 80% khí thải CO2 liên quan đến năng lượng. Theo Hiệp định Paris, các nước đã nhất trí cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc đốt than, dầu và khí đốt khiến trái đất nóng lên. Theo các nhà khoa học, mục tiêu của hiệp định này là giới hạn sự ấm lên của Trái đất trung bình là 2 độ C so với thời điểm trước cuộc Cách mạng công nghiệp - ngưỡng mà hành tinh có thể tồn tại. 

Theo Hiệp định Paris, các nước đã nhất trí cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ việc đốt than, dầu và khí đốt khiến trái đất nóng lên. (Nguồn: NASA)

Các nhà phân tích cho rằng cách đáp trả duy nhất trước hành động làm suy yếu Hiệp định Paris của ông Trump đó là các nước khác phải tập hợp và đẩy mạnh cam kết của chính họ. Tuy nhiên, một báo cáo của mạng lưới nghiên cứu Minh bạch Khí hậu tuần này cho biết sự đầu tư vào năng lượng hóa thạch của G20 đã không đi đúng theo mục tiêu hạn chế nhiệt độ trái đất chỉ tăng 2 độ C.

Trong năm 2014, G20 cung cấp hơn 230 tỷ USD cho việc trợ cấp năng lượng hóa thạch. Niklas Hohne, chuyên gia của Viện NewClimate, một đơn vị tham gia nghiên cứu trên, cho biết "mức tăng của khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang chậm lại nhưng vẫn chưa sụt giảm hẳn. Năng lượng tái tạo đang tăng lên, nhưng than và các năng lượng hóa thạch khác vẫn chi phối nguồn năng lượng trong G20”. 

(theo AFP)