📞

Gặp gỡ cấp cao Mỹ - Iran: Không loại trừ nhưng khó khả thi

Dịch Dung 06:31 | 29/08/2019
TGVN. Sau hội nghị G7, thế giới cảm nhận là quan hệ giữa Mỹ - Iran đang được bẻ lái chuyển chiều theo hướng giảm đối đầu. Vậy có hay không một cuộc gặp cấp cao Mỹ - Iran, như đã từng xảy ra trong quan hệ Mỹ - Triều? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Iran có lợi ích thiết thực và cấp thiết nhanh chóng dàn xếp ổn thoả mọi chuyện quan hệ với Mỹ. (Biếm họa của Steve Bell trên The Guardian)

Tại hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm tổ chức ở Biarritz (Pháp), các thành viên nhóm G7 nhất trí với nhau về 2 mục tiêu của chính sách đối với Iran là thúc đẩy hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực vùng Vịnh và không để cho Iran có vũ khí hạt nhân.

Người bẻ lái, bên đảo chiều

Điều này không mới mẻ hay lạ lẫm gì trong G7. Cái mới và vì thế được để ý đến rất nhiều là việc Bộ trưởng ngoại giao Iran Javad Zarif được phía Pháp mời đến Biarritz và sau đấy có phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, đã trao đổi điện thoại với ông Rouhani và tỏ ra chắc chắn là sẽ có cuộc gặp giữa ông Trump và ông Rouhani trong thời gian tới. Thế giới bên ngoài có được cảm nhận là, diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran dường như đang được bẻ lái chuyển chiều theo hướng giảm căng thẳng và đối đầu. Nhưng ngay sau đó, ông Rouhani đưa ra điều kiện cho cuộc gặp này là trước đó, phía Mỹ phải dỡ bỏ những biện pháp của Mỹ trừng phạt Iran.

Ở biểu hiện ra bên ngoài, quan hệ hiện nay giữa Mỹ - Iran khiến liên tưởng đến thực trạng quan hệ giữa Mỹ - Triều Tiên vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Khi ấy, Mỹ và Triều Tiên bắt đầu phát đi những tín hiệu cho nhau là có thể và sẵn sàng đi vào đối thoại trực tiếp , để rồi có cuộc gặp giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Cho đến nay, hai người này đã gặp nhau 3 lần và trao đổi thư tín cá nhân với nhau nhiều lần.

Ông Trump dường như muốn áp dụng chính cách thức xử lý quan hệ song phương đã được áp dụng với Triều Tiên để xử lý quan hệ hiện tại của Mỹ với Iran. Nhưng vì cho dù có cùng vướng mắc với Mỹ về vấn đề tên lửa và hạt nhân, quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên khác biệt khá cơ bản quan hệ giữa Mỹ và Iran về cả mức độ lẫn bản chất cũng như Iran khác biệt rất cơ bản so với Triều Tiên về trật tự quyền lực và bản chất xã hội nên việc ông Trump rồi đây gặp gỡ lãnh đạo Iran tuy không bị loại trừ nhưng rất khó khả thi.

Một lối chơi, hai đối tượng

Khác so với Triều Tiên, Mỹ đã có thỏa thuận với Iran từ năm 2015 và đã triển khai thực hiện thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA), một thoả thuận đa phương nhưng lại bị ông Trump đơn phương lật ngược. Vì thế, Iran có thừa chứ không chỉ đủ cơ sở và lý do để đặt ra câu hỏi phía Mỹ còn đáng được tin cậy nữa hay không và nếu còn xứng đáng thì đáng được tin cậy đến mức nào cũng như không có gì là khó hiểu khi phía Iran phải rất thận trọng đối với Mỹ.

Ông Trump muốn chơi lại cuộc chơi vì chỉ như thế mới có thể dẫn dắt cuộc chơi, áp đặt luật chơi và gây dựng dấu ấn riêng với cuộc chơi. Đối với Triều Tiên có thể như thế không sao vì đấy là cuộc chơi mới nhưng đối với Iran thì đấy sẽ là tiền lệ vô cùng nguy hiểm và tai hại, như một cái bẫy của Mỹ mà Iran phải hết sức tránh.

Chính ông Trump chứ không phải ai khác đã đưa lại bằng chứng rất thuyết phục không chỉ cho Iran mà còn cho cả thế giới thấy là, mọi thoả thuận đã đạt được giữa Mỹ và Iran nói riêng cũng như giữa Mỹ và các đối tác khác trên thế giới nói chung đều luôn có thể bị chính ông Trump hoặc những chính quyền kế nhiệm tới đây ở Mỹ lật ngược. Nếu không đặt điều kiện tiên quyết nhất định cho Mỹ để chấp nhận đàm phán trực tiếp với Mỹ thì Iran sẽ luôn ở điểm xuất phát bất lợi hơn rất nhiều và rất quyết định so với Mỹ.

Hai cuộc chơi, một bài học

Lý do thứ hai khiến Iran không thể chấp nhận đàm phán trực tiếp vô điều kiện với Mỹ là chính bài học rút ra được từ tiến trình hoà bình và hoà giải cho đến nay giữa Mỹ và Triều Tiên. Mỹ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trong khi Bình Nhưỡng đã có nhượng bộ rất đáng kể so với trước và tiến trình này trong thực chất trì trệ và dền dứ chứ không tiến triển nhiều. Tức là, cuộc gặp giữa ông Trump với lãnh đạo Iran có thể có tác động chính trị và dư luận lớn, nhưng đâu đã chắc giải quyết được mọi vấn đề hay tạo ra bước chuyển mang tính đột phá. Nếu có cuộc cấp cao song phương để rồi lại như Triều Tiên hiện tại thì tình thế chẳng được cải thiện đáng kể gì cho Iran.

Một lý do khác nữa khiến cho cuộc gặp giữa ông Trump và ông Rouhani rất khó khả thi là, ông Trump và ông Kim Jong-un có quyền lực tuyệt đối ở Mỹ và Triều Tiên trong khi cấu trúc và trật tự quyền lực ở Iran lại phức tạp và ông Rouhani trên danh nghĩa là Tổng thống nhưng lại không có quyền lực tối cao và tuyệt đối. Lãnh tụ tôn giáo tối cao của Iran, Giáo chủ Khamenei, gần như không ra nước ngoài trong khi ông Trump lại khó có thể tới Iran. Ở Iran hiện không có sự đồng thuận quan điểm sâu rộng giữa các phe cánh chính trị và tôn giáo, thậm chí cả giữa ông Rouhani và ông Khamenei về Mỹ và đàm phán với Mỹ.

Cuối cùng phải kể đến lý do phía Iran có nhiều lợi thế hơn Triều Tiên trong quan hệ với Mỹ và cũng cả bởi thế mà bị Mỹ và đồng minh đối địch quyết liệt hơn. Cho nên sẽ không có chuyện Iran chịu chấp nhận đàm phán vô điều kiện với ông Trump như Triều Tiên.

Dù vậy, không thể không nhận thấy là, cả Iran cũng có lợi ích thiết thực và cấp thiết nhanh chóng dàn xếp ổn thoả mọi chuyện quan hệ với Mỹ. Cũng một bài học từ chuyện ông Trump xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên là chỉ cần nhượng bộ chút ít cho Mỹ để ông Trump giữ thể diện và rùm beng PR là "thành quả cầm quyền lớn" của cá nhân ông Trump thì rồi mọi chuyện diễn biến tiếp theo có thể sẽ rất khác.

Cho nên sẽ không có chuyện ông Trump gặp lãnh đạo Iran nếu ông Trump không chịu đáp ứng điều kiện tiên quyết của Iran hoặc nếu Iran không chấp nhận đi bước trước với chút ít nhượng bộ lấy lệ cho Mỹ.

Dịch Dung