📞

Gặp gỡ thầy giáo 9X ‘nổi như cồn’ trên mạng xã hội

Lưu Đình Long 13:30 | 15/07/2021
Nickname 'Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương' đã trở nên quen thuộc với những ai muốn học tiếng Anh, cải tạo khả năng phát âm, hoặc mất gốc ngoại ngữ muốn tạo dựng lại…

Thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương.

Sức hút của thầy giáo 9X này cũng chính là kết quả truyền cảm hứng học Anh văn, cùng những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống của anh. Ngoài giỏi ngoại ngữ, anh còn sáng tác nhạc, hát hay, đàn giỏi, thi thoảng lại tổ chức một đêm nhạc dành cho những ai yêu mến.

Nguyễn Thái Dương đã trò chuyện với Thế giới & Việt Nam, bắt đầu bằng việc học Anh văn khó hay dễ…

Người miệt mài truyền cảm hứng học Anh văn

Thấy những gì anh chia sẻ trên Facebook thì có vẻ học Anh văn nói riêng hay ngoại ngữ nói chung cũng đâu có khó. Thế tại sao môn này với nhiều người vẫn khó “nuốt” và thực tế người Việt vẫn chưa thật giỏi tiếng Anh?

Đầu tiên, tại sao tiếng Anh khó? Khó ở đây có thể là khó hiểu, hoặc là khó nhớ, hoặc là khó dùng. Khó hiểu có thể là do người truyền đạt hoặc người dịch sách tiếng Anh không thực sự hiểu vấn đề, dùng những từ đao to búa lớn khiến học sinh hoang mang, không đưa ra được những ví dụ cụ thể và dễ hiểu để giúp học sinh hiểu. Khó nhớ là do cách học sai.

Ví dụ học từ vựng mà ta dùng cách học thuộc lòng, table hai chấm cái bàn, chair hai chấm cái ghế thì sẽ rất lâu nhớ mà mau quên. Thay vào đó, một trong những cách học từ vựng hiệu quả là học thông qua bài đọc - bài nghe - qua các cuộc đối thoại - qua những tình huống trong thực tế - y hệt như cách đứa trẻ học tiếng Việt.

Còn khó dùng là kiến thức quá nhiều so với nhu cầu thực tế, khiến học sinh không biết phải dùng những gì mình học ở đâu. Những kiến thức này được học trong trường nhưng thực tế rất rất hiếm khi sử dụng. Khó dùng còn do học sinh - học viên không có cơ hội để thực tập những gì đã học, không có các câu lạc bộ, các buổi chuyên đề.

Thứ hai, là việc giỏi. Chữ giỏi này cũng phụ thuộc vào nhiều định nghĩa. Nếu bạn cho rằng giỏi tiếng Anh là IELTS 8.0 thì việc đó cũng như vẽ đẹp, hay hát hay, không phải ai cũng có thể giỏi được. Mỗi người có một thế mạnh nên chuyện này là bình thường. Còn nếu bạn định nghĩa giỏi là sử dụng được thành thạo, thì lý do cho việc này chính là người Việt Nam hay sợ sai.

Có một sự thật trớ trêu là các bài kiểm tra tiếng Anh ở phổ thông hay đại học hầu hết là các bài kiểm tra trên giấy, cho học sinh thời gian suy nghĩ, có các câu trắc nghiệm xem học sinh biết được bao nhiêu từ, nhớ được bao nhiêu từ, có những bài kiểm tra ngữ pháp để xem bạn sử dụng có chính xác hay không. Tuyệt nhiên không có một bài kiểm tra nào đánh vào tính phản xạ.

Ngay cả phần phát âm cũng được làm trên giấy. Bạn phải nhớ những quy tắc đặt trọng âm, quy tắc phát âm nhưng không có cơ hội để phát âm. Bạn sẽ mất điểm cho những câu trả lời sai.

Học trò giỏi là học trò biết nhiều, làm đúng nhiều. Vô hình chung, các bạn chạy đua để trở nên chính xác hơn là có phản xạ. Và chung cuộc ta được đào tạo thành những con người sợ sai, biết nhiều mà không phải thành những người sử dụng ngôn ngữ.

Anh đã học ngoại ngữ từ khi nào và học như thế nào để trở thành “thầy giáo 9X” như bây giờ?

Tôi ở Sài Gòn nên được học tiếng Anh từ lớp 1 ở trong trường và liên tục đến khi tốt nghiệp đại học. Trước khi vào lớp 6, tôi cũng đã "chộp" cuốn sách ngữ pháp tiếng Anh mà chú của mình học ngày xưa, tự học như thể một người bắt được cuốn chân kinh và tự luyện võ. Rồi học qua bài hát, rồi phim nữa. Không thể phủ nhận tôi có năng khiếu nên việc học sẽ nhanh và nhạy hơn nhiều bạn khác.

Tôi cũng đã áp dụng nhiều phương pháp học khác nhau để rút ra phương pháp nào tốt, phương pháp nào không. Từ đó mình giúp học sinh có thể chinh phục tiếng Anh một cách dễ dàng hơn mình ngày xưa.

Còn “thầy giáo 9x” mà mạng xã hội xây dựng nên không phải là mẫu người giỏi tiếng Anh, mà là người truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học viên. Để trở thành một người truyền cảm hứng, theo mình cần 2 yếu tố cốt lõi: dạy dễ hiểu và bài giảng phải có tính giải trí.

Một người dạy dễ hiểu có thông thạo nhiều ngoại ngữ hay chỉ chuyên về tiếng Anh? Theo anh, ngoại ngữ quan trọng như thế nào trong cuộc sống hôm nay?

Thế mạnh của tôi là tiếng Anh. Còn những ngôn ngữ khác tôi biết chút vì sở thích khám phá ngôn ngữ của mình. Còn việc ngoại ngữ quan trọng như thế nào chắc chẳng cần nhiều lời vì tôi nghĩ mỗi người đều đã ý thức được điều đó. Chẳng cần nói nhiều về việc ngoại ngữ là cánh cửa tri thức, hay giúp ta tự tin giao tiếp rồi toàn cầu hóa, vân vân, tôi chỉ xin đưa ra 2 ví dụ nhỏ vầy thôi, là các bạn tự hiểu.

Theo thông tin từ một giảng viên tại Đại học Công nghệ thông tin - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, sinh viên IT mới ra trường có thể có mức lương 8 triệu, nhưng nếu có tiếng Anh có thể được trả mức khởi điểm 18 triệu.

Một học trò của mình thu mua dầu dừa của Việt Nam tại nguồn với giá rất rẻ, nhưng bán sang Thái Lan giá cao gấp 10-20 lần. Siêu lợi nhuận. Để làm được điều đó, cần có ngoại ngữ.

Từ đâu anh nghĩ ra việc làm fanpage, tạo các clip với đủ phong cách, từ ca đến kịch như vậy? Rồi từ bao giờ “tiếng lành đồn xa” để Nguyễn Thái Dương trở thành người được nhiều người yêu mến như hiện nay?

Fanpage là một kênh truyền thông có thể nói là không thể thiếu trong thời đại 4.0 cho bất cứ doanh nghiệp nào. Tôi là thầy giáo - cần có học viên để dạy kiếm tiền, khi đó nó cũng là một business (nghề) thì tạo fanpage là việc không có gì dễ hiểu.

Còn đủ phong cách á? Tôi rất thích một câu nói của thầy mình ngày xưa - “những thành tựu vĩ đại nằm ở ranh giới của các lĩnh vực”. Nghĩa là, nếu bạn là một kỹ sư IT giỏi, chưa chắc bạn lỗi lạc, nhưng nếu bạn vừa biết IT vừa giỏi thiết kế thì bạn sẽ có khả năng thành công cao hơn.

Tôi cũng vậy. Nếu tôi chỉ dạy tiếng Anh thì chắc người ta sẽ không biết đến vì giáo viên tiếng Anh có rất nhiều người giỏi. Mục đích tôi là làm cho tiếng Anh trở nên vui và mang tính giải trí, để mọi người tiếp cận nó dễ dàng hơn, vui hơn.

... Và đa năng

Có ai khen anh là người đa năng chưa?

Có nhiều và tôi hay đáp là “đa tài lẻ, thiếu tài chính”…

Nhiều tháng qua, tôi đã xem rất nhiều clip anh làm và cứ tự hỏi, lẽ ra anh phải là chàng trai vàng trong làng nhạc Việt (hoặc làng hài) mới phải. Những tài lẻ đó có phải là điều kiện để giúp thầy Dương thu hút?

Cảm ơn anh rất nhiều, vì anh đã quá khen! Như tôi đã chia sẻ ở trên, những thứ ngoài chuyên môn lại thường là lý do quyết định để người ta lựa chọn. Ví dụ bạn đi mua điện thoại đi, điện thoại nào cũng có chức năng nghe gọi nhắn tin lướt Facebook.

Nhưng hầu hết không ai đi vô tiệm điện thoại để hỏi rằng điện thoại này nghe có tốt không, gọi có tốt không, lướt web mượt không, mà bạn hỏi là chụp hình đẹp không, nghe nhạc hay không trong khi chiếc điện thoại đẻ ra được làm chức năng nghe gọi. Tôi cũng vậy, đôi khi người ta chọn thầy Dương vì thầy “hát hay” chứ chẳng phải vì tiếng Anh của thầy.

Và đó là thiên bẩm hay phải rèn luyện mới có?

Mặc dù nhiều người khen mình đa tài nhưng tôi chẳng dám nhận đó là “tài” đâu. Tôi có thể hát, có thể đóng kịch, có thể pha trò, nhưng so với những người chuyên nghiệp thì không thể nào bằng. Chỉ là so với người giáo viên khác, có thể tôi nhỉnh hơn một chút thôi. Và từ những cái nhỉnh hơn trời phú đó, mình phải đầu tư chất xám sáng tạo để biến nó thành giá trị, thành bài học.

Được biết, anh vừa tham gia ban chấp hành Hội nghiên cứu & giảng dạy tiếng Anh TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo một công ty, khách mời của nhiều chương trình truyền hình, diễn giả truyền cảm hứng sinh viên, giảng viên thỉnh giảng của một trường Đại học… Anh đã sắp xếp thời gian ra sao? Có khi nào anh cảm thấy áp lực khi phải làm tròn vai nhiều việc?

Anh kể thiếu rồi, còn làm bố nữa - việc này cũng quan trọng không kém. Nên thực sự là có những lúc rất stress vì mất cân bằng, tôi cảm thấy mình quá nhiều việc trong khi kỹ năng quản lý thời gian còn kém.

Còn xử lý thế nào, thì mình phải ráng thôi. Học theo những người đi trước, chia việc ra cho đội ngũ giúp đỡ, ưu tiên những công việc quan trọng, từ chối những lời đề nghị không hữu ích lắm cho bản thân hoặc cộng đồng. Nói chung là mình cứ phải học, học nữa, học mãi thôi.

Anh có nhận xét gì về phát âm tiếng Anh của đại đa số người Việt? Theo anh thì học sinh Việt Nam cần học như thế nào để giỏi ngoại ngữ? Chương trình giáo dục ngoại ngữ trong trường học đã đủ để làm cho người học giỏi ngoại ngữ chưa?

Phát âm của người Việt nói riêng và những nước không nói tiếng Anh tất nhiên là không thể hay và chuẩn bằng người bản ngữ. Nhưng để gọi là phát âm để người khác hiểu được thì người Việt mình phát âm còn tốt chán, hơn cả Thái Lan, Nhật hay Hàn Quốc ấy chứ.

Về phương pháp học thì đa dạng, tùy vào sở trường mỗi người sẽ có phương pháp “hiệu quả” khác nhau. Nhưng nhìn chung tiếng Anh là một môn kỹ năng. Đã gọi là kỹ năng thì phải thực hành nhiều mới giỏi. Phần lớn chúng ta thiếu thực hành, và đó cũng là bất cập của chương trình ngoại ngữ trong trường. Thời lượng cho môn tiếng Anh - sinh ngữ - rất ít để có thể học lý thuyết chứ đừng nói đến thực hành.

Vậy, nếu có một lời khuyên dành cho người mất gốc tiếng Anh, anh nói gì?

Đừng sợ! Hãy bắt đầu từ bây giờ, một cách từ từ và liên tục.

Câu hỏi cuối, làm sao để giỏi tiếng Anh như thầy Dương?

Tiếng Anh của thầy Dương ở mức thường thường thôi. Quan trọng các bạn có muốn hay không thôi. Khi đã muốn, bạn sẽ sắp xếp những việc khác để ưu tiên cho việc học. Khi đã muốn học, bạn sẵn sàng hy sinh công việc, bạn sẽ sẵn sàng hy sinh vùng thoải mái của mình để đạt được mục tiêu.

Xin cảm ơn anh!

(thực hiện)