TIN LIÊN QUAN | |
Hội ngộ văn hóa trong “ngôi nhà đối ngoại” ngày Xuân | |
Không khí thiền môn |
Tôi gặp nhà văn hóa Hữu Ngọc trong Chương trình ngày hội "Phát huy âm nhạc dân tộc và hội ngộ những người bạn di sản Việt Nam, Xuân Đinh Dậu". Sự nhanh nhẹn, hoạt bát và hóm hỉnh của ông khiến cho người lần đầu gặp gỡ nghĩ có lẽ cụ ông này mới chỉ ngoài 80 tuổi. Có được trò chuyện cùng ông mới càng thêm hiểu tại sao cánh phóng viên khó tiếp cận nhà văn hóa này đến vậy. Không phải bởi ông Hữu Ngọc kiêu kỳ hay ghét bỏ gì báo chí, mà chỉ bởi lịch tiếp khách Đông, Tây và cả ta... của ông - nhà xuất nhập khẩu văn hóa U100 quá dày đặc.
Tranh vẽ nhà văn hóa Hữu Ngọc. (nguồn: Nhân vật cung cấp) |
Văn hóa - “sân chơi tiêu khiển”
Dù đã dành cả cuộc đời mình cho nền văn hóa nước nhà, nhưng ông Hữu Ngọc lại không chịu nhận những gì mình đã làm là “đóng góp”. Ông bảo, “gọi là đóng góp thì to chuyện quá. Thực sự, tôi coi đó là diễn đàn để chơi, để tiêu khiển”. Ấy là cách nói khiêm tốn của Hữu Ngọc nhưng nói đến “cây đại thụ” về văn hóa này, ai cũng biết 70 năm cầm bút của ông đã góp phần không nhỏ để giữ gìn văn hóa Việt Nam, giúp nó ngày một phát triển đúng hướng và lan tỏa đến cộng đồng quốc tế.
Người ta thường gọi Hữu Ngọc là “nhà xuất nhập khẩu văn hóa” là bởi tất cả cuộc đời mình, ông đã xuất nhập khẩu văn hóa trên ba lĩnh vực: thứ nhất là viết sách báo; thứ hai là nói chuyện về văn hóa trong ngoài nước; thứ ba là hoạt động cụ thể về văn hóa; làm chủ tịch hai quỹ Thụy Điển – Việt Nam, Đan Mạch – Việt Nam; cuối cùng là Quỹ từ thiện văn hóa hiện nay. Ông cũng từng là Tổng Biên tập của ba tờ báo đối ngoại: Tia lửa thời chống Pháp (Pháp ngữ), Việt Nam tiến bước (Anh- Pháp) và Nghiên cứu Việt Nam (Anh- Pháp). Đến nay, ông đã viết tổng cộng 32 cuốn sách.
Ông chia sẻ: “Những cuốn tôi tâm đắc nhất chính là Tuyển tập Văn hóa Việt Nam (4 cuốn, song ngữ Anh - Pháp với tổng cộng là 2.000 trang) tôi viết cùng bác sỹ Nguyễn Khắc Viện, hay cuốn Lãng du trong văn hóa Việt Nam (với ba ngôn ngữ Việt, Pháp và Anh, mỗi cuốn khoảng trên 1.000 trang) và 1 cuốn được giải Vàng Sách Việt Nam, 1 cuốn được giải Gadif (Giải của các đại sứ và tổ chức Pháp ngữ ở Việt Nam)cũng bằng tiếng Anh. Tôi không nhớ, cách đây khoảng chục năm…”.
Đấy mới chỉ là liệt kê những cuốn mà ông Hữu Ngọc thấy tâm đắc. Còn hàng loạt những cuốn sách được trao giải thưởng lớn trong và ngoài nước khác thì ông bỏ qua.
Nếu tôi chọn một người để hướng dẫn những khách đến Việt Nam lần đầu tiên, tôi sẽ chọn ông Hữu Ngọc. Nếu tôi phải chọn một cuốn sách cho những người sắp thăm Việt Nam hoặc cho những người không có dịp đến thăm Việt Nam, tôi sẽ chọn cuốn "Viet Nam - Tradition and change" (PV: Việt Nam - Truyền thống và đổi thay - tác phẩm tiếng Anh của Hữu Ngọc, do NXB trường Đại học Ohio, Mỹ xuất bản). Cuốn sách này có thể côi là một chuyến đi vào lịch sử và văn hóa Việt Nam nhẹ nhàng và hấp dẫn với sự hướng dẫn của Hữu Ngọc. NHÀ VĂN MỸ LADY BORTON |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo TG&VN. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“Nhà báo toàn cầu”
Không chỉ viết sách, ông còn cần mẫn viết báo và phụ trách mấy tờ báo nữa. Những tờ báo đó ông vẫn đều đặn đóng góp bài vở, như con chim cần mẫn xây chiếc tổ văn hóa Việt theo cách của mình. Nhiều khi, mệt quá, ông định nghỉ, nhưng các tờ báo đều không chịu vì sau hàng thập kỷ, bạn đọc của các tờ báo đó đã quen tìm đọc bài của Hữu Ngọc ở chính trang đó, mục đó. Ông nghỉ, độc giả hẫng. Các Tổng Biên tập lại thuyết phục, thế là ông lại viết.
Ông cười vui: “Bảo cố mỗi tháng được một bài nhưng có lúc cao hứng, tôi lại viết mỗi chủ nhật một bài. Tôi đang viết chuyên mục “Cảo thơm lần giở” giới thiệu tư duy của gần 200 danh nhân trên thế giới, từ đức Phật, Chúa Jesus, Khổng Tử… cho đến doanh nhân hiện đại”.
“Tờ Thế giới & Việt Nam của các bạn, tôi viết cũng được ba năm nay rồi, mỗi tuần một bài” - nhà văn hóa bách niên nói hóm hỉnh.
Ông nói vậy nhưng tên tuổi của ông ở làng báo trong và ngoài nước ai cũng biết đến. Năm 2006, ông được giải Lời Vàng của báo chí Pháp, năm 2015, ông đã giành giải Nhất giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại. Thế mới biết sức lan tỏa của “thương hiệu” Hữu Ngọc rộng và xa đến chừng nào.
GIÁM ĐỐC NXB THẾ GIỚI TRẦN ĐOÀN LÂM: Đánh giá về nhà văn hóa Hữu Ngọc thật khó bởi đó là con người toàn diện, có thể nói là bảo vật quốc gia. Đã có người nước ngoài gọi ông là như vậy, bởi vì bất kỳ một lĩnh vực nào đó không hiểu cũng thành hiểu khi đến gặp Hữu Ngọc và ông có thể trả lời được bằng cả tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức. Hữu Ngọc đọc nhiều, đi nhiều và rất dẻo dai. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn đi thăm nhiều vùng miền. Những sáng tác của ông không phải trên sách vở mà từ thực tế đời sống. Đi nhiều, ông hiểu sâu sắc về địa lý, về dân tộc, về lịch sử, văn hóa... của vùng đất đó và dùng quỹ văn hóa để đóng góp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ở địa phương,. |
Ngoài viết báo, Hữu Ngọc cũng thường là khách mời cho những cuộc nói chuyện về văn hóa quan trọng. Bên cạnh đông đảo khán giả nước ngoài đại chúng, đối tượng nói chuyện của ông Hữu Ngọc là những nhân vật quan trọng như Vua và Hoàng hậu Thụy Điển, Vua và Công chúa Na Uy, Thống đốc bang Hawaii (Mỹ) hay cựu Thủ tướng Brazil, giáo sư các trường đại học lớn trên thế giới... Có lần, một vị giáo sư Đại học Princeton (Mỹ) đưa sinh viên sang Việt Nam thực tập. Kết thúc chuyến đi, trong bản thu hoạch, đa số sinh viên viết mình thu hoạch được ba cái: Đó là Vịnh Hạ Long, là Kinh đô Huế và thứ ba là nghe ông Hữu Ngọc nói chuyện. Cách đây 2 năm, đến tuổi 97, ông mới từ chối các cuộc nói chuyện như vậy vì sức khỏe không còn đảm bảo. Điều đó thật dễ hiểu bởi số cuộc nói chuyện mỗi năm của ông có thể lên đến con số hàng trăm.
Vừa viết sách, viết báo và nói chuyện văn hóa, ông còn là Chủ tịch của Quỹ văn hóa Thụy Điển - Việt Nam và Quỹ văn hóa Đan Mạch - Việt Nam trong hàng chục năm liền. Trong thời gian đó, ông đi suốt từ Bắc chí Nam để thực hiện hàng nghìn dự án ở địa phương, với tổng số tiền khoảng hơn 1 triệu USD.
Chia tay nhà văn hóa Hữu Ngọc khi vẫn còn nhiều điều mà tôi muốn được chính ông giải đáp. Ông quả là một con người đặc biệt, với sức làm việc dẻo dai kỳ lạ và lòng đam mê dành cho văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa thế giới nói chung đáng ngưỡng mộ vô cùng. Tôi thầm cầu mong cây đại thụ văn hóa đã 100 tuổi ta và 99 tuổi Tây ấy luôn hào sảng để tiếng chuông văn hóa Việt ngày càng lan xa mãi.
CHỦ TỊCH HỘI FRIENDS OF VIETNAM HERITAGE (HỘI NHỮNG NGƯỜI BẠN DI SẢN VIỆT NAM - FVH) JOHN REILY: Tôi biết đến Việt Nam qua nhiều bài viết của nhà văn hóa Hữu Ngọc bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Chúng tôi rất thích những bài viết đó. Sau khi biết ông, chúng tôi đã cùng ông biên soạn một số quyển sách và giới thiệu về Việt Nam. Ông Hữu Ngọc là nhà văn hóa nổi tiếng của thế kỷ XX và mai sau, một bậc thầy về văn hóa. Hội chúng tôi rất may mắn được hợp tác với Quỹ Từ thiện Văn hóa Hà Nội. Khi ông Hữu Ngọc bắt đầu quỹ đó, chúng tôi thấy cần phải giúp đỡ ngay vì quỹ này giúp bảo tồn và phát huy văn hóa Việt. |
Lên Đồng Văn Mèo Vạc Sau hai mươi sáu năm bôn ba hải ngoại, anh Nguyễn Khắc Viện về nước đã đi khắp mọi nơi từ Bắc chí Nam để ... |
Làm ông làm bà ở Việt Nam (tiếp theo và hết) Vị trí và vai trò của “ông bà” như trên là do tính chất của nền văn hóa Việt. Hai nhà nhân ... |
Phải chăng Hồ Xuân Hương đã có thơ về Vịnh Hạ Long? Phải chăng Hồ Xuân Hương, tác giả của những bài thơ Hán thanh tao và bác học về Vịnh Hạ Long cũng chính là cô ... |