Giá tiêu hôm nay 19/2 không tăng so với hôm qua, giao dịch ở 34.500 Rupee/tạ (thấp nhất) và 34.800 Rupee/tạ (cao nhất. (Nguồn: Season with Spice) |
Cập nhật giá tiêu thế giới
Giá tiêu thế giới hôm nay 19/2 không tăng so với hôm qua, ghi nhận lúc 0h15 ngày 19/2 (giờ Việt Nam), giá hồ tiêu thế giới giao ngay trên sàn trực tuyến NCDEX Kochi (Ấn Độ) giao dịch ở 34.500 Rupee/tạ (thấp nhất) và 34.800 Rupee/tạ (cao nhất).
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng Rupee Ấn Độ (INR) ngày 18/2 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 317,03 VND/INR.
Theo bài viết mới đây trên tờ The Hindu Business Line, bà Hoàng Thị Liên, Giám đốc điều hành, International Pepper Community cho biết: Năng suất hồ tiêu trung bình ở các nước sản xuất trong giai đoạn 2010-2020 có sự biến động.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2012, năng suất trồng có xu hướng gia tăng trong khi 2 năm sau đó lại giảm. Tuy nhiên, trong năm 2017 và 2018, năng suất bình quân lại tăng lên, với mức tăng lần lượt là 20% và 19%.
Trong 11 năm ở giai đoạn này, Campuchia đạt năng suất cao nhất với 3.740 kg/ha vào năm 2012. Năm 2020, năng suất bình quân ở các nước sản xuất ước tính đạt 1.594 kg/ha, tăng 30% so với năm 2010.
Về xuất khẩu hồ tiêu của các nước sản xuất, giai đoạn 2010-2020, mức tăng trung bình hằng năm là 6% và mức tăng cao nhất được báo cáo vào năm 2017 với 19%.
Năm 2020, Việt Nam đóng góp 59% thị phần xuất khẩu hạt tiêu toàn cầu vào với 285.292 tấn, tiếp theo là Brazil với 18% (89.756 tấn), Indonesia là 11% (51.718 tấn) và Ấn Độ xuất khẩu 15.924 tấn.
Giá tiêu trong nước
Giá tiêu tại thị trường trong nước tăng nhẹ so với một ngày trước đó, ghi nhận ở mức từ 51.000-53.500/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 51.000đ/kg, Đồng Nai (51.500đ/kg). Các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (52.000đ/kg); Bình Phước (52.500đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn ở ngưỡng cao nhất là 53.500 đồng/kg.
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và sức ép cạnh tranh lớn thì việc Việt Nam ký kết thành công Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy xuất khẩu tiêu sang khối này. Thực tế cũng cho thấy xuất khẩu hồ tiêu ghi nhận giảm mạnh ở hầu khắp thị trường thì lại có những tín hiệu khả quan tại khối EU.
Nếu như trước đây nhiều sản phẩm chế biến của Việt Nam phải chịu mức thuế từ 5-9% tại EU thì Hiệp định EVFTA quy định sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 09.04). Bên cạnh đó, nếu như hồ tiêu Việt Nam từng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn riêng lẻ của từng nước EU thì nay chỉ cần đáp ứng một tiêu chuẩn chung toàn khối. Đây là những đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp hồ tiêu Việt Nam tăng cường xuất khẩu sang thị trường EU.
Cơ hội lớn là vậy nhưng để tận dụng được triệt để, Việt Nam cần phải thay đổi mạnh mẽ, có phương án dài hạn, bền vững cho một số vấn đề còn tồn đọng. Tiêu biểu như vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hồ tiêu, dù Ủy ban châu Âu đã điều chỉnh yêu cầu dư lượng Metalaxyl từ 0.1ppm xuống còn 0.05ppm nhưng đến năm 2018, mới chỉ có 46% hồ tiêu Việt Nam đạt chuẩn.
Hiện tại Việt Nam mới chỉ có 14 nhà máy hồ tiêu đạt tiêu chuẩn quốc tế ESA và ASTA. Để vượt qua được hàng rào kỹ thuật khắt khe tại thị trường EU, doanh nghiệp và nông dân cần chung tay phát triển, mở rộng diện tích các đồn điền tiêu hữu cơ nhằm đảm bảo hạt tiêu Việt Nam đủ sức cạnh tranh chất lượng với Brazil và Indonesia.