Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 3/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Thưa Đại sứ, có nhiều lý do để nói rằng Hội nghị ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các Hội nghị liên quan từ ngày 2-5/8 tại Phnom Penh, Campuchia có ý nghĩa đặc biệt, với cá nhân Đại sứ thì sao?
Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng kỳ hội nghị AMM-55 này có ý nghĩa rất quan trọng, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm thành lập ASEAN và là lần đầu tiên ASEAN họp trực tiếp sau đại dịch Covid-19. Do đó, AMM-55 và các hội nghị liên quan được kỳ vọng sẽ định hướng hợp tác cho ASEAN, tranh thủ thời cơ để phục hồi, định hướng tương lai tới năm 2025 và sau năm 2025.
Đại sứ Phạm Quang Vinh. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhưng có lẽ, chưa bao giờ ASEAN phải đứng trước một bối cảnh đan xen nhiều phức tạp trong khu vực và thế giới chưa từng có như hiện nay.
Cụ thể, hơn 2 năm đại dịch Covid-19 đã làm đình trệ không chỉ ngoại giao, đối ngoại mà cả phát triển kinh tế và hợp tác giữa các nước. Các nước đang đứng trước nhiều đòi hỏi cấp bách về mở cửa, hội nhập. Bên cạnh đó, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tình trạng lạm phát, khủng hoảng lương thực, năng lượng diễn ra phổ biến, tác động sâu rộng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đặc biệt, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng và có biểu hiện phức tạp hơn rất nhiều, so với những năm gần đây cũng đã có những chuyển biến rất khác, đi cùng với đó là những vấn đề khủng hoảng và phức tạp nảy sinh như vấn đề Myanmar, xung đột Nga-Ukraine, vấn đề Eo biển Đài Loan…
Trong bối cảnh đó, với một loạt hội nghị được tổ chức thành công, có thể thấy rằng ASEAN đã phát huy được vai trò của mình trong định hướng dẫn dắt và đặc biệt đã thể hiện được giá trị chiến lược - tiếp tục hướng vào những nguyên tắc về đối thoại, giải quyết hòa bình các tranh chấp, kết nối với đối tác để chung tay vì lợi ích chung cũng như giải quyết các thách thức cùng phải đối mặt.
Có một số điểm nổi bật có thể nhận thấy từ kỳ họp AMM-55 lần này.
Một là, trong các cuộc họp không chỉ của ASEAN mà cả ASEAN với các đối tác đều hướng vào những trọng tâm chung của ASEAN và khu vực như xây dựng Cộng đồng ASEAN, tiếp tục phát triển ASEAN trên tất cả các lĩnh vực; gắn kết với các đối tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Những trọng tâm ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN vẫn được tiếp tục.
Hai là, tồn tại nhiều thách thức phức tạp song rõ ràng ASEAN đã định hướng được các nguyên tắc để các bên, kể cả các nước lớn vốn cạnh tranh với nhau và có nhiều khác biệt, cũng phải đồng thuận với cách làm của ASEAN để ứng xử với các vấn đề phức tạp, trong đó có cả xung đột Ukraine, tình hình Eo biển Đài Loan… ASEAN đã thực sự thể hiện được vai trò dẫn dắt ở khu vực, các nước đều chia sẻ những đánh giá, cách làm và nguyên tắc của ASEAN.
Ba là, có những câu chuyện phức tạp nảy sinh nhưng rõ ràng nếu như trước đây ASEAN còn chần chừ thì lần này ASEAN đã trao đổi một cách thẳng thắn, trên tinh thần trách nhiệm, chủ động và xây dựng, chia sẻ với các nước, kể các các nước có khác biệt nhau về quan điểm.
"Có thể thấy rất rõ nỗ lực phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong một bối cảnh mới rất phức tạp, qua đó thấy được sự chủ động của ASEAN về các nguyên tắc đối thoại, xây dựng lòng tin". |
Như vậy, có thể thấy rất rõ nỗ lực phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong một bối cảnh mới rất phức tạp, qua đó thấy được sự chủ động của ASEAN về các nguyên tắc đối thoại, xây dựng lòng tin. Đây cũng chính là giá trị chiến lược của ASEAN, thích ứng với bối cảnh mới phức tạp và thể hiện được trách nhiệm của Hiệp hội.
Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) lần thứ 29 có sự tham dự của ngoại trưởng các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngày 5/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Những kết quả đạt được của kỳ hội nghị trong một bối cảnh đầy khó khăn như vậy đã thể hiện được vai trò, vị thế của ASEAN ra sao và gửi tới thông điệp gì với bên ngoài, thưa Đại sứ?
Kết quả của các hội nghị lần này, trong một bối cảnh phức tạp như vậy, đã thể hiện được một ASEAN đoàn kết, kết nối các đối tác và cùng nhau hành động vì lợi ích chung của khu vực, đúng với khẩu hiệu, chủ đề ASEAN 2022 là “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”.
Đầu tiên, có thể nói rằng, ASEAN họp trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đâu đó, nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra phức tạp, các nước lớn, đều là các đối tác quan trọng của ASEAN, có những cạnh tranh gay gắt nhưng vẫn nhận lời tới dự hội nghị với ASEAN. Điều đó cho thấy các đối tác coi trọng vai trò của ASEAN, coi trọng chương trình nghị sự mà ASEAN đưa ra cũng như coi trọng khu vực này và lấy ASEAN là vị trí trung tâm để cùng kết nối, hợp tác, ứng phó với các thách thức.
Thứ hai, ASEAN tập trung vào các vấn đề lớn của ASEAN và khu vực, kết nối được các đối tác hợp tác vì các mục đích chung, trong đó có việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tới năm 2025 và sau năm 2025; đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực trong đó có liên kết kinh tế, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, phục hồi và phát triển, phục hồi chuỗi cung ứng, chuyển đối số, kinh tế số, phát triển hạ tầng xanh, năng lượng sạch…
Với 20 cuộc họp, 30 văn kiện được thông qua và chấp thuận trong các cuộc họp đã thể hiện đúng tinh thần của kỳ họp là hướng vào những trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực, kết nối với các đối tác và trở thành chương trình hành động của ASEAN với đối tác vì mục tiêu chung.
"ASEAN đã thể hiện giá trị chiến lược của mình bằng việc chủ động đề xuất các nguyên tắc xử lý các vấn đề phức tạp, từ đó tạo cho ASEAN và các diễn đàn của ASEAN một môi trường thuận lợi cho các nước dù khác biệt nhau có thể hợp tác được". |
Thứ ba, có thể thấy rất rõ lần này, ASEAN đã thể hiện giá trị chiến lược của mình bằng việc chủ động đề xuất các nguyên tắc xử lý các vấn đề phức tạp, từ đó tạo cho ASEAN và các diễn đàn của ASEAN một môi trường thuận lợi cho các nước dù khác biệt nhau có thể hợp tác được.
Các nước cùng gắn kết với ASEAN, được thể hiện thông qua Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, kiềm chế, xây dựng lòng tin và giải quyết hòa bình các tranh chấp… Chính điều này đã giúp ASEAN trở thành môi trường chiến lược, gắn kết các đối tác dù khác biệt, có thể đối thoại, hợp tác, tìm cách tháo gỡ các vấn đề còn khúc mắc.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Đại sứ đánh giá như thế nào về sự đóng góp của Việt Nam vào thành công và nỗ lực chung trong kỳ hội nghị lần này?
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ AMM-55 và các hội nghị liên quan. Tinh thần, chủ trương chính sách đối ngoại của Việt Nam trong nhiều năm qua là luôn coi trọng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Trong bối cảnh rất mới, các nước lớn cạnh tranh gay gắt và có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, Việt Nam nỗ lực cùng với ASEAN vẫn có thể hợp tác một cách tin cậy với các nước, không để bị “kẹt” giữa cạnh tranh nước lớn. Việt Nam cũng đã tham gia vào những định hướng lớn, trọng tâm ưu tiên của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác.
Bên cạnh đó, trước các vấn đề phức tạp của khu vực và thế giới, Việt Nam cũng đã chia sẻ những nguyên tắc của mình vào trong từng những nguyên tắc của ASEAN bao gồm về tình hình Myanmar để làm sao thúc đẩy được Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar, về tình hình Ukraine và Eo biển Đài Loan…
Đối với Biển Đông, chúng ta cũng nhấn mạnh những nguyên tắc của mình, song trùng với nguyên tắc của ASEAN, đó là hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, nhấn mạnh luật pháp quốc tế, kiềm chế, xây dựng lòng tin, xử lý hòa bình các tranh chấp, thực hiện hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng một môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, thúc đẩy xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Cách dẫn dắt, sự chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 tiếp tục là đà để Việt Nam đóng góp tích cực hơn nữa cho ASEAN. Có nhiều sáng kiến của Việt Nam trong năm 2020 vẫn tiếp tục được ASEAN phát huy tiếp như kho dự trữ y tế, khung phục hồi, quỹ cộng đồng, liên kết kinh tế ASEAN…
Việt Nam, với vai trò là điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc nhân dịp này đã cùng các thành viên ASEAN và Hàn Quốc xây dựng chương trình hành động hợp tác ASEAN-Hàn Quốc, trong bối cảnh Hàn Quốc ngày càng coi trọng ASEAN với Chính sách hướng Nam.
Bên lề AMM-55, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng có nhiều cuộc gặp song phương với các đối tác quan trọng, chủ chốt. Điều đó cho thấy một mặt Việt Nam coi trọng ASEAN, ủng hộ ASEAN có thể kiên định nguyên tắc và phát huy vai trò của mình, vừa thúc đẩy chương trình nghị sự chung, vừa chủ động ứng phó có trách nhiệm với các vấn đề phức tạp nảy sinh trong khu vực, tạo ra một môi trường chiến lược thuận lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển.
Mặt khác, Việt Nam phát huy những chủ trương đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, kết hợp với những thành quả mà chúng ta đã hợp tác trong ASEAN, đặc biệt kể từ năm Chủ tịch ASEAN 2020. Việt Nam cũng kiên trì các nguyên tắc để xử lý các vấn đề trong đó có đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
ASEAN đã tròn “55 tuổi”, nếu được khái quát về hành trình ấy bằng những cụm từ/cụm động từ, với Đại sứ đó sẽ là?
ASEAN đã trải qua một chặng đường khá dài - 55 năm. Trên hành trình đó có cả những khúc quanh co, có cả những “làn gió ngược”… Thế nhưng ASEAN đã từng bước vượt qua để thể được được vai trò và vị trí chiến lược của mình trong hợp tác chung khu vực và gắn kết với các đối tác.
ASEAN ra đời năm 1967 nhưng khi ASEAN có sự tham gia của cả 10 nước Đông Nam Á thì thực sự ASEAN đã khép lại một chương Đông Nam Á phân cực, không tin cậy để trở thành một gia đình, cộng đồng đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở khu vực. Khi có 10 nước thành viên, ASEAN đã tạo ra một sức mạnh tập thể, cộng hưởng.
55 năm qua, ASEAN đã mở rộng mạng lưới của mình với các đối tác, thúc đẩy hợp tác một cách thực chất và hiệu quả, không chỉ trong quan hệ song phương giữa ASEAN với từng đối tác mà còn tạo thành mạng lưới kết nối các đối tác với nhau để cùng ASEAN ứng xử, giải quyết, phục vụ các mục đích ưu tiên ở khu vực. Dù các đối tác có khác biệt với nhau nhưng họ vẫn ủng hộ ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN.
Thực sự, những nỗ lực của ASEAN trong thời gian vừa qua, trong ứng phó với các thách thức đã đạt được kết quả rất lớn. Chặng đường tới đây, rõ ràng còn nhiều phức tạp, tuy vậy, kỳ họp AMM-55 lần này sẽ tạo một đà mới cho ASEAN, đặc biệt là vai trò của ASEAN trong việc tạo ra một môi trường chiến lược, định ra những nguyên tắc giải quyết trách nhiệm các vấn đề nảy sinh trên tinh thần xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và TAC.
Tựu trung, có thể khái quát chặng đường đã qua của ASEAN bằng những cụm động từ: Vượt qua thách thức, kiên định nguyên tắc, phát huy giá trị chiến lược của mình để thúc đẩy hợp tác.
Xin cảm ơn Đại sứ!