Người dân làng văn hóa Thượng Điện, TP Hải Phòng đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, tháng 11/2017. (Nguồn: TTXVN) |
Ông có thể chia sẻ một kỷ niệm hay ấn tượng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Tôi có một vài kỷ niệm. Tôi chỉ kể một kỷ niệm đó là đầu Xuân 1987, tôi viết một bài gửi Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản. Sau đó, tôi được mời ra trụ sở Tạp chí để trao đổi ý kiến về nội dung bài viết. Người tiếp tôi là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lúc này đang là Trưởng Ban Xây dựng Đảng (tương đương Vụ trưởng). Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau.
Trước đó, cũng vài lần chúng tôi có dịp bàn bạc về bản thảo bài đăng Tạp chí. Lần này, tôi thấy có ấn tượng hơn. Ngồi đối diện với tôi trong phòng khách tuềnh toàng, giản dị của Tạp chí là một con người vừa mới bảo vệ luận án Phó tiến sĩ ở nước ngoài về, thái độ chân thành, thân mật, không có bất cứ một lời nói, cử chỉ nào tỏ ra kênh kiệu. Hai chúng tôi đều là những người từ làng quê ra chốn thị thành, có lẽ vì thế mà dễ đồng cảm về vấn đề nông dân trong bài viết.
Chúng tôi thống nhất với nhau nhiều điều và còn một số nội dung cần cân nhắc thêm, một số khía cạnh cần sửa chữa, nhất là thấy rằng, chớ có sa vào kiểu kinh viện khi đánh giá tính hai mặt của nông dân Việt Nam: mặt tích cực cách mạng và mặt tiêu cực do tính tư hữu đưa lại. Ở phương Tây thì như thế thật, như các ông tổ kinh điển Mác - Lênin đã viết nhưng ở Việt Nam thì khác. Tìm trong di sản Bác Hồ thì hầu như Bác không đề cập mặt tiêu cực tư hữu của nông dân Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc đến một đoạn ngay cả trong Di chúc, Bác còn viết những dòng đầy tâm huyết tôn vinh nông dân, xin trích nguyên văn: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nhiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Có lẽ, Bác Hồ đã tiếp nối được nguồn mạch của nhiều ông vua anh minh trong lịch sử dân tộc về khoan thư sức dân sau chiến tranh để làm kế rễ sâu gốc bền. Tư duy của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là thế, chứ không như một số người cho rằng đồng chí có phần bảo thủ.
GS. Mạch Quang Thắng cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người giản dị, chân thành. (Ảnh: NVCC) |
Góc nhìn của ông về con người, sự nghiệp của Tổng Bí thư?
Với tôi, đó là một con người có cuộc sống khá vất vả. Những tấm ảnh được công bố cho thấy, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phải làm việc cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, không được nghỉ ngơi với thân thể già yếu, bệnh tật. Vất vả nhưng quang vinh, vì cả cuộc đời của đồng chí ấy hiến dâng tất cả cho dân, cho nước, cho sự tiến bộ của nhân loại.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không nằm trong thế hệ lãnh đạo tiến hành chống giặc ngoại xâm để giải phóng bảo vệ Tổ quốc, nhưng những điều khốc liệt của chống “giặc nội xâm” đã làm cho ông bị hao tâm tổn sức. Và ông đã trưởng thành lên qua những trận chiến đấu ác liệt ấy. Cán bộ, đảng viên, đồng bào, đồng chí trong nước cũng như nhiều người có lương tri ở ngoài nước hết sức thương kính ông khi ông từ trần là vì thế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức coi trọng vai trò và vị trí của công tác đối ngoại. Đồng chí khẳng định đối nội và đối ngoại luôn là hai vấn đề cơ bản của các nước và “đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc”. Ông đánh giá như thế nào về tư tưởng và những di sản mà Tổng Bí thư?
Đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, bao giờ cũng vậy, từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông, công tác đối ngoại là cực kỳ quan trọng. Nhưng đối với giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam – Đảng lãnh đạo, cầm quyền đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội nước ta thì lại càng quan trọng hơn. Bởi vì, đất nước ở vào xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đất nước mở cửa thì càng phải mở rộng quan hệ quốc tế, càng cần sự hợp tác, hữu nghị, cùng phát triển.
Sức mạnh dân tộc Việt Nam cần được kết hợp với sức mạnh thời đại. Nội lực và ngoại lực cần được kết hợp với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Nội lực có tính quyết định, ngoại lực là quan trọng. Nhưng trong nhiều trường hợp cụ thể, không thể phân biệt được đâu là nội lực và đâu là ngoại lực vì chúng chuyển hóa cho nhau. Chỉ riêng nội lực không thôi thì đất nước ta không thể phát triển nhanh và bền vững được. Chính vì thế, tôi rất tâm đắc quan điểm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng: “đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc”.
Về "Văn hóa liêm chính” trong con người Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì sao, thưa ông?
Tôi cho rằng, văn hóa liêm chính là một đặc tính rất đáng trân quý và là một trong những “điểm trội” trong con người của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận cả Khổng giáo khi nói đến chữ “Liêm Chính”: “Người không Liêm thì không bằng con vật”; rồi Người còn nói rằng, “Chính là thẳng thắn, là không tà, là việc đúng dù nhỏ cũng gắng làm, việc xấu dù nhỏ cũng cố tránh”; rằng, “muốn cho người ta Chính thì mình phải Chính trước”; rằng “một dân tộc Liêm Chính thì đó là một dân tộc giàu có”.
Là học trò của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng có những quan điểm dạng như thế khi nói: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng không chỉ nói điều ấy một lần, mà qua theo dõi trên các media, tôi thấy đồng chí ấy nói rất nhiều lần. Đáng khâm phục nhất, đáng trân trọng nhất là đồng chí đã sống đúng như lời nói đó cho đến tận giờ phút từ biệt thế giới này. Đó là “Giá trị văn hóa Nguyễn Phú Trọng”.
Thật ý nghĩa khi Tổng Bí thư chọn hình ảnh cây tre để nói về trường phái đối ngoại và ngoại giao của dân tộc ta, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam", "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển"; thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường. Tầm quan trọng của việc ứng dụng hình ảnh cây tre trong việc xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao hiện nay thế nào?
Trường phái đối ngoại, ngoại giao cây tre mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu trên một số diễn đàn và ngay trong cả sách của đồng chí đã được xuất bản gần đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta giai đoạn hiện nay và sắp tới. Cây tre là một biểu trưng của đất nước Việt Nam. Dùng hình ảnh để khái quát, định hướng cho tư duy và hành động của tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị là hình ảnh rất “đắt”.
Mọi người dân Việt Nam yêu nước có thể nghe thấy, đọc thấy là hiểu được ngay ý nghĩa của cụm từ đó. Nhất là cán bộ chuyên trách làm công tác đối ngoại, ngoại giao, cứ làm theo điều đó là có kết quả tốt, không cần phải phân tích, giải thích nhiều. Đó phải chăng là một ưu thế trong cách ví von dân giã (folklore) được vận dụng vào hoạt động chính trị, cần được lưu dùng và phát triển?
Với nhân dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế, Tổng Bí thư đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt. Theo ông, dấu ấn sâu đậm nhất là gì?
Thật khó trả lời cho câu hỏi này vì mỗi người tiếp cận từ mỗi góc khác nhau. Tôi thấy đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một con người giản dị, chân thành, dễ gần, ăn nói có duyên, ghét điều xấu, yêu điều thiện.
Còn đối với nhân dân Việt Nam, nếu tìm ra cái điều sâu đậm nhất ở con người đồng chí Nguyễn Phú Trọng thì là, nói dân giã như nhiều người đã nói, đó là “người đốt lò vĩ đại”. Đối với bạn bè quốc tế thì đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người lịch lãm, chân thành...
Xin trân trọng cảm ơn ông!
* NGƯT. GS. Mạch Quang Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
| Tình cảm sâu nặng của kiều bào dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhiều kiều bào dù sống xa Tổ quốc nhưng vẫn một lòng hướng về quê ... |
| Hai ngày qua (19-20/7), truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết điểm lại những thành tựu của Việt Nam, đặc biệt là về ... |
| Nguyên Phó Thủ tướng Lào: 'Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần là sự mất mát to lớn' Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần không chỉ là sự mất mát to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ... |
| Nhà lãnh đạo chiếm trọn sự kính trọng của quốc tế Trong điện, thư, thông điệp chia buồn, các nhà lãnh đạo ca ngợi uy tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo ... |
| Những hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các kỳ Hội nghị Ngoại giao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác đối ngoại ... |
| Chia sẻ với TG&VN, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhớ lại những câu chuyện đi vào lòng ... |