📞

Giá trị văn hóa tốt đẹp được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ những khi đất nước khó khăn

Quang Phong 17:15 | 24/11/2021
'Những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, lại càng tỏa sáng'.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những lúc đất nước khó khăn, các giá trị văn hóa tốt đẹp được phát huy mạnh mẽ.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra sáng nay (24/11).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn.

Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

"Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động", ông Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển, theo ông Hùng, lĩnh vực văn hóa còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, đã xuất hiện các hiện tượng văn hóa tầm thường, dễ dãi, mang tính thị trường; các biểu hiện "lệch chuẩn" trong hưởng thụ văn hóa. Môi trường văn hóa, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng chưa được xây dựng theo hướng văn hóa…

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc; chưa quan tâm đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Đầu tư cho văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ở cả trung ương và địa phương chưa tương xứng với vai trò, vị trí của ngành trong điều kiện phát triển chung của đất nước.

Theo ông Hùng, trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

"Nhưng khó khăn, thách thức của ngày hôm nay cũng chính là động lực thúc đẩy tìm ra sự kết nối logic giữa nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào với quyết tâm chính trị cao, lựa chọn các giải pháp mang tính chiến lược, khả thi nhằm biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước", ông Hùng nhấn mạnh.

Ý thức được trách nhiệm của ngành văn hóa, ông Hùng cho biết, sẽ làm tốt vai trò tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền để văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Xác định nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn.

Triển khai thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 với 3 trụ cột tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam.

Tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm mọi thành viên của cộng đồng được phát triển các năng lực sáng tạo. Tập trung ưu tiên xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, văn hóa doanh nghiệp và mỗi gia đình là những đơn vị văn hóa thực chất.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, khi nhiệm vụ xây dựng văn hóa trở thành thường trực, nền tảng văn hóa được hình thành tự nhiên, tự nguyện trong mỗi cộng đồng, trong mỗi người thì khả năng chọn lọc cái tinh tế, tốt đẹp, định vị bản thân, giá trị, bản sắc dân tộc gắn với khát vọng hội nhập, cống hiến sẽ trở thành lá chắn mềm loại trừ cái phản cảm, phi văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, sự hoàn thiện con người cần và chỉ có thể thực hiện được trong văn hóa và bằng văn hóa. Do đó, cần xác định và thực hành hệ giá trị con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp yêu cầu của thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Ông Hùng cho rằng, văn hóa giữ vai trò điều tiết xã hội bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển của xã hội bằng mục đích nhân văn của mình và cột mốc văn hóa trong tâm trí con người luôn là cột mốc vững chắc nhất.

Do vậy, đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài để hướng tới tương lai. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị, Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

(theo Dân trí)