📞

Giá xăng tăng vọt, lộ lý do ‘cách mạng dầu đá phiến’ không cứu thị trường năng lượng Mỹ?

Minh Anh 14:49 | 16/06/2022
Điều tưởng như phi lý đã xảy ra - chính sự bùng nổ từng củng cố nền độc lập về năng lượng của Mỹ - "cách mạng dầu đá phiến" lại đang làm cho vấn đề thiếu nguồn cung và giá xăng dầu tăng vọt tại quốc gia này trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.
Giá xăng tăng vọt, lộ lý do ‘cách mạng dầu đá phiến’ không cứu thị trường năng lượng Mỹ? (Nguồn: AP)

Sức mạnh "cách mạng dầu đá phiến" Mỹ tưởng sẽ sớm góp phần khiến bữa tiệc lớn nhất của ngành năng lượng thế giới thêm rôm rả. Nhưng không, nó hiện trở thành “cơn nôn nao khó chịu” trong chính thị trường lớn nhất hành tinh.

"Đỉnh cao và vực sâu"

Trong phần lớn thập niên qua, dầu đá phiến đã mang lại cho ngành năng lượng Mỹ một thời kỳ “đỉnh cao”. Trong cuộc cách mạng đá phiến, các cánh đồng ở New Mexico, North Dakota và Texas đã trở thành những khu vực bùng nổ tiếp theo của các mặt hàng năng lượng.

Chỉ trong vài năm, Mỹ đã vượt qua Nga và Saudi Arabia để trở thành nhà sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Tổng sản lượng dầu thô trong nước đã tăng từ 5,4 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2010 lên mức kỷ lục 13 triệu vào cuối năm 2019, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).

Nhưng những gì xảy ra gần đây đang giống như một điều phi lý, chính những lợi ích mà các nhà đầu tư có được trong thời kỳ “hoàng kim” lại đang thành trở ngại lớn nhất của ngành sản xuất dầu Mỹ, vào đúng thời điểm tồi tệ nhất của thị trường.

Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành tại Ukraine vào ngày 24/2 đã nhanh chóng đẩy giá năng lượng trên khắp thế giới tăng vọt, khi các nhà đầu tư đều chuẩn bị tinh thần cho sự sụt giảm mạnh về nguồn cung.

Bước sang tháng 3, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đánh vào các công ty năng lượng Nga đã một lần nữa nâng giá năng lượng tăng thêm một bậc.

Nguồn cung giảm mạnh càng gây thêm áp lực lên nền kinh tế Mỹ - nước xuất khẩu dầu và khí đốt - buộc phải gia tăng sản lượng. Nhưng điều đó đã không thể xảy ra.

Các biện pháp hỗ trợ, bao gồm cả các gói khẩn cấp, đã góp phần làm giảm nhẹ xu hướng tăng giá trong suốt tháng 4, nhưng với nhu cầu thị trường tăng mạnh, giá năng lượng trên thị trường Mỹ nhanh chóng phục hồi.

Giá trung bình mỗi gallon xăng ở Mỹ đạt mức kỷ lục trên dưới 5 USD trong thời gian gần đây. Con số này thậm chí còn cao hơn ở các bang đông dân nhất, chẳng hạn người dân California buộc phải trả trung bình 6,39 USD/gallon.

Giá năng lượng vọt tăng phi mã, trái ngược hẳn với sự sụt giảm thê thảm trong suốt thập niên qua. Sự bùng nổ khai thác mỏ ở Mỹ đã kéo giá năng lượng xuống thấp hơn trong phần lớn những năm 2010 do cung vượt quá cầu. Tuy nhiên, những dấu hiệu đầu tiên cho thấy việc gia tăng sản lượng chững lại đã xuất hiện vào năm 2019.

Đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện và hoành hành từ đầu năm 2020, khiến nhu cầu càng bị đe dọa, động lực thị trường giảm dần và nhanh chóng biến thành mỏ neo, neo giữ mức sản lượng vốn đã sụt giảm thê thảm vào thời điểm cần thiết.

Cuộc cách mạng dầu đá phiến của thập niên trước nhanh chóng chuyển sang giai đoạn cuối, các công ty đã bắt đầu lo lắng đến tăng trưởng bền vững hơn là lợi nhuận. Cho đến gần cuối những năm 2010, các công ty có dấu hiệu thoái lui do đầu tư chậm lại.

Những người khổng lồ trong ngành thông báo với những người đã bỏ tiền đầu tư sản xuất dầu đá phiến vào năm 2019 rằng, họ đang phải xem xét thu hẹp sản xuất. Nhìn nhận ra vấn đề, các cổ đông đã yêu cầu các công ty ưu tiên lợi nhuận ổn định hơn là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, như trong những năm trước.

Hoạt động khoan ở lòng chảo Permi đầy tiềm năng "sẽ chậm lại đáng kể trong vài năm tới", Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất năng lượng Pioneer Natural Resources, thông báo với các nhà đầu tư vào tháng 11/2019.

“Tôi không nghĩ, về dài hạn, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) phải lo lắng nhiều về tăng trưởng đá phiến của Mỹ”, đồng thời cho biết công ty “sẽ thận trọng hơn” với quyết định phát triển sản xuất cho đến năm 2025.

Tất cả đều xảy ra trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Nhu cầu năng lượng giảm mạnh từ đầu năm 2020, do nước Mỹ bắt đầu triển khai các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, mọi người có xu hướng cắt giảm việc lái xe và đi lại.

Giá dầu kỳ hạn thậm chí còn tăng âm vào tháng 4/2020, khi các nhà giao dịch bán tống bán tháo các hợp đồng đã thanh toán. Các nhà sản xuất đang chuẩn bị cho các dự án khoan mới đột nhiên tuyên bố ngừng hoạt động.

Lý do các nhà sản xuất Mỹ chưa thể bơm thêm dầu?

Vấn đề ở đây là việc tái khởi động các dự án vốn đã “đắp chiếu” suốt hai năm qua không hề đơn giản.

Nhu cầu về năng lượng vẫn yếu cho đến mùa Xuân năm 2021, khi việc triển khai vaccine Covid-19 cho thấy những tia hy vọng, tình hình “sáng dần”, xã hội Mỹ bắt đầu thúc đẩy sự gia tăng chi tiêu và du lịch.

Đúng lúc này, nguồn cung đã không thể đáp ứng được nhu cầu. Sản lượng dầu thô của Mỹ đạt gần 11,7 triệu thùng/ngày trong tháng 3, giảm hơn 1 triệu thùng so với mức đỉnh năm 2019.

Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn khá gập ghềnh. Như những “chú chim sợ cành cây cong”, các nhà sản xuất đều sớm cảnh giác để không lặp lại nhịp độ tăng trưởng của những năm 2010. Các nhà đầu tư dè dặt, tiếp tục đẩy mạnh bảo vệ lợi nhuận, cố gắng bơm dầu nhanh hơn, với lý do các công ty đều cần phải trả các khoản nợ từ thời kỳ bùng nổ trước đó.

Nhờ giá dầu khí tăng nhanh, dòng tiền của các nhà sản xuất tăng vọt. Tuy nhiên, một dấu hiệu cho thấy rằng, ngành công nghiệp này đang “giữ lại tiền trong ngăn bàn”, chưa mặn mà trong giai đoạn cần đẩy nhanh đầu tư.

Hơn nữa, các vấn đề về chuỗi cung ứng cũng đã góp phần khiến ngành sản xuất dầu Mỹ chưa thể sớm đẩy mạnh sản xuất.

Một loại cát đặc biệt quan trọng được sử dụng trong quá trình sản xuất dầu đá phiến hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng và giá của loại cát này đã tăng gần gấp ba lần so với chỉ một năm trước. Thực tế này đã trở thành “hòn đá tảng” ngăn đường tái phát triển ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ - yếu tố quan trọng trong lúc này, để sớm khớp cung với nhu cầu bất thường của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Chúng tôi không thể kiếm đủ cát. Chúng tôi đang sản xuất ít hơn khả năng mỗi ngày, vì chúng tôi đã hết sạch cát", Michael Oestmann, Giám đốc điều hành của Tall City Exploration nói với phóng viên của Reuters.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã cố gắng gây nhiều áp lực hơn để các nhà sản xuất tăng cường hoạt động, nhưng hiện không có chút cải thiện nào.

Hồi cuối tháng 3 năm nay, Nhà Trắng cũng đã kêu gọi Quốc hội thông qua các khoản phí nêu rõ điều kiện "sử dụng hoặc là mất trắng" đối với các giếng khoan không sử dụng của các công ty sản xuất dầu mỏ, với kỳ vọng một chính sách như vậy sẽ sớm tái khởi động các dự án dở dang.

Nhưng đến nay, các biện pháp như vậy vẫn chưa thành hiện thực và các bên đều tự bằng lòng bằng việc đổ lỗi, rằng việc giá xăng cao ngất trời là do “phía bên kia”.

Như vậy, một giải pháp để đẩy mạnh sản xuất khó có thể sớm đạt được. Hiện phần lớn lĩnh vực năng lượng Mỹ nằm trong tay các cổ đông, trong khi nỗi đau từ quá khứ chưa đủ xa, vẫn khiến họ cảnh giác. Các nhà đầu tư vẫn đang cố thủ trong chế độ "chạy marathon" sau giai đoạn nước rút tăng trưởng của những năm 2010.

Nhưng khi du lịch mùa Hè bắt đầu, nhu cầu năng lượng đã trở lại với nền kinh tế lớn nhất thế giới, giá xăng dầu thì tăng cao ngất, mà sản lượng bơm dầu vẫn ở dưới mức trước đại dịch, người tiêu dùng Mỹ không thể không sốt ruột.

(theo Business Insider)