Nhỏ Bình thường Lớn

Giải mã tranh luận Harris - Trump

Tối ngày 10/9 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris lần đầu tranh luận trực tiếp tại bang Pennsylvania. Sự kiện thu hút quan tâm lớn từ công chúng và các phương tiện truyền thông, bộc lộ những khác biệt rõ ràng trong chiều hướng chính sách của hai ứng viên Tổng thống.
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần tranh luận trực tiếp đầu tiên. (Nguồn: Getty Image)
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần tranh luận trực tiếp đầu tiên. (Nguồn: Getty Image)

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh bà Harris ngày càng có thêm nhiều lợi thế và ủng hộ của cử tri sau gần một tháng được đề cử làm ứng viên đảng Dân chủ thay thế Tổng thống Biden. Cựu Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn đang tìm kiếm chiến lược phù hợp để đối phó. Vì vậy, đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả hai ứng viên, cũng là cơ hội để hai bên giới thiệu định hướng chính sách đối nội và đối ngoại của mình.

“Mổ xẻ” vấn đề trong nước

Vấn đề kinh tế được cử tri quan tâm nhất hiện nay được hai phía đưa ra có phần khác biệt.

Phó Tổng thống Harris tập trung làm nổi bật định hướng chính sách có lợi cho tầng lớp trung lưu. Bà đề cập kế hoạch xây dựng “nền kinh tế cơ hội”, bao gồm các đề xuất nhằm giúp ổn định thị trường nhà đất và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, mở rộng khoản tín dụng thuế dành cho các gia đình có trẻ em. Bà chỉ trích các đề xuất của cựu Tổng thống, đặc biệt là cắt giảm thuế cho các tập đoàn, cho rằng sẽ gây tổn hại đến các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ở Mỹ và chỉ đem lại lợi ích cho giới siêu giàu và tập đoàn lớn.

Cựu Tổng thống Trump tập trung bảo vệ thành tích của mình, tuyên bố rằng ông đã xây dựng “một trong những nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ” và đổ lỗi cho chính quyền ông Joe Biden về các vấn đề kinh tế hiện tại, đặc biệt là việc xử lý lạm phát. Ông cho rằng lạm phát “là thảm họa đối với người dân, đối với tầng lớp trung lưu, đối với mọi tầng lớp”. Đáp lại kế hoạch của bà Harris, ông Trump chỉ nhắc lại tuyên bố áp thuế với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc.

Về vấn đề quyền phá thai, Phó Tổng thống Harris có quan điểm rõ ràng và nhất quán ủng hộ quyền lựa chọn của phụ nữ. Bà tập trung vào tác động thực tế của các lệnh cấm phá thai và coi đây là vấn đề quyền của phụ nữ và tự do cá nhân. Bà hứa sẽ ký một dự luật hợp pháp hóa phán quyết của vụ kiện Roe v. Wade nếu được bầu làm Tổng thống. Trong khi đó, ông Trump ca ngợi việc lật ngược Roe v. Wade, cho rằng vấn đề phá thai nên để các bang quyết định và phủ nhận ý định ký lệnh cấm phá thai toàn quốc.

Về vấn đề nhập cư và an ninh biên giới, bà Harris nêu bật kinh nghiệm trong việc truy tố các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và nhấn mạnh ủng hộ một dự luật lưỡng đảng về an ninh biên giới từng bị ông Trump cản trở. Bà chỉ trích việc lợi dụng vấn đề nhập cư cho mục đích chính trị, thay vì tìm kiếm giải pháp thực sự.

Cựu Tổng thống Trump khẳng định tiếp tục kế hoạch trục xuất hàng loạt người di cư, coi đây là biện pháp cần thiết để khôi phục trật tự và loại bỏ tội phạm khỏi đất nước. Truyền thông cho rằng, ông dựa nhiều vào bằng chứng truyền miệng và những tuyên bố được cho là chưa xác thực, trong đó có việc người nhập cư ăn thịt thú cưng ở Springfield, Ohio.

Về an ninh nước Mỹ, cuộc bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021 được bà Harris nhấn mạnh như một ví dụ cho thấy sự nguy hiểm của ông Trump. Bà cáo buộc ông kích động đám đông tấn công và liên kết sự kiện này với lịch sử kích động bạo lực của ông, bao gồm cả các phát ngôn sau vụ việc ở Chalottesville và về nhóm Proud Boys.

Ông Trump phủ nhận trách nhiệm đối với cuộc bạo loạn, nhấn mạnh rằng ông kêu gọi người ủng hộ hành động “hòa bình và yêu nước”. Ông đổ lỗi cho Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thị trưởng Washington D.C. về những thất bại an ninh, cho rằng họ đã không chuẩn bị đầy đủ để đối phó với cuộc tấn công.

Quan điểm về xung đột

Nhắc tới xung đột tại Dải Gaza, Phó Tổng thống đưa ra phản ứng có chừng mực, ủng hộ quyền tự vệ của Israel đồng thời kêu gọi ngừng bắn, trao trả con tin và giải pháp hai nhà nước. Bà nhấn mạnh “có quá nhiều người Palestine vô tội đã thiệt mạng”. Giới quan sát cho rằng ông Trump tập trung tấn công bà Harris hơn là vạch ra chính sách riêng, cho rằng bà Harris “ghét Israel” mà không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Tiếp đó, bà Harris ca ngợi phản ứng của chính quyền Tổng thống Biden đối với tình hình Ukraine, nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Bà chỉ trích ông Trump vì sự ngưỡng mộ đối với Tổng thống Putin, cho rằng ông Trump sẽ để Nga kiểm soát Ukraine nếu nắm quyền.

Ông Trump khẳng định có thể ngăn chặn cuộc xung đột và tự hào về mối quan hệ tốt đẹp với cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Vladimir Putin. Ông chỉ trích Mỹ chi quá nhiều tiền cho xung đột này, cho rằng các quốc gia châu Âu nên đóng góp nhiều hơn. Nhân chủ đề này, ông cáo buộc chính quyền đương nhiệm xử lý việc rút quân khỏi Afghanistan góp phần thúc đẩy sự khởi đầu của chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Do đặc thù của cuộc tranh luận tổng thống, hàm lượng các vấn đề đối ngoại thường ít hơn đối nội. Chuyên gia Malcolm Davis nhận định hai ứng cử viên Tổng thống không nhắc nhiều tới Trung Quốc ngoài việc áp thuế thương mại. Các vấn đề Đài Loan, kiểm soát vũ khí hạt nhân tại Triều Tiên, xử lý quan hệ với Iran đều không được đề cập.

Cuộc tranh luận đầu tiên cho thấy những khác biệt sâu sắc giữa hai ứng viên về tầm nhìn và chính sách. Sự thay đổi trong quan điểm của cử tri sau tranh luận là một trong những yếu tố quan trọng quyết định kết quả bầu cử.

Rõ ràng, bầu cử năm 2024 không chỉ là cuộc chiến về chính sách, mà còn là về giá trị và tầm nhìn cho tương lai nước Mỹ.

Bầu cử Mỹ 2024: Hai đối thủ lần đầu giáp mặt, bà Harris công kích bằng từ 'bi kịch', ông Trump lảng tránh một câu hỏi về Ukraine và Palestine

Bầu cử Mỹ 2024: Hai đối thủ lần đầu giáp mặt, bà Harris công kích bằng từ 'bi kịch', ông Trump lảng tránh một câu hỏi về Ukraine và Palestine

Sáng 11/9 (giờ Việt Nam, tối 10/9 theo giờ Mỹ), ứng cử viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và ứng viên ...

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump chơi lớn, đối mặt với điểm yếu của chính mình? Bà Harris tiếp đà tiến

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump chơi lớn, đối mặt với điểm yếu của chính mình? Bà Harris tiếp đà tiến

Ngày 29/8, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ miễn phí dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nếu đắc cử trong cuộc ...

Quan điểm về Triều Tiên: Ông Donald Trump muốn hòa hợp, bà Kamala Harris lại chẳng tính sẽ 'làm thân' với Chủ tịch Kim Jong-un

Quan điểm về Triều Tiên: Ông Donald Trump muốn hòa hợp, bà Kamala Harris lại chẳng tính sẽ 'làm thân' với Chủ tịch Kim Jong-un

Các ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa và Dân chủ có những quan điểm trái ngược về mối quan hệ với ...

Ứng viên Kamala Harris đề nghị ông Donald Trump bật micro trong suốt cuộc tranh luận

Ứng viên Kamala Harris đề nghị ông Donald Trump bật micro trong suốt cuộc tranh luận

Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, ngày 31/8 đã ...

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump nói bà Harris có nhiều khiếm khuyết, ứng cử viên của đảng Dân chủ yêu cầu một việc

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump nói bà Harris có nhiều khiếm khuyết, ứng cử viên của đảng Dân chủ yêu cầu một việc

Ngày 31/8, Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nói rằng, nhóm của ...