Tác giả trượt tuyết ở Bandai, Kitakata - đường trượt tuyết nổi tiếng nhất vùng Đông Bắc Nhật Bản. |
Từ Thủ đô Tokyo, chỉ mất khoảng một giờ đi tàu cao tốc Shinkansen (300km/h) và thêm sáu mươi phút đi xe buýt là chúng tôi đã có mặt ở thành phố Kitakata thuộc tỉnh Fukushima. Ngài Thị trưởng đã chờ đợi từ lâu nhưng vì xe đến muộn hơn dự kiến do đường ngập tuyết nên ra tiếp chúng tôi có anh Soji, Trưởng phòng Xúc tiến phát triển Du lịch cùng đại diện Ban điều hành dự án “Green Tourism”.
Không ít lần trong bài thuyết trình, anh Soji ngập ngừng xúc động khi nói về những khó khăn của thành phố sau thảm họa động đất, sóng thần và sự cố rò rỉ hạt nhân năm 2011. Quả thực phải đến đây, phải mắt thấy tai nghe, tôi mới nhận thức rõ ràng hơn về thảm họa và những hệ lụy của nó.
Năm năm sau thảm họa, lượng khách lẫn các nhà đầu tư đến Kitakata nói riêng và tỉnh Fukushima nói chung vẫn giảm xuống, dù cho vụ rò rỉ phóng xạ chỉ xảy ra ở một khu vực có bán kính hạn chế tại nơi cách Kitakata gần 200 cây số và được ngăn cách bởi những dãy núi cao. Theo lời anh Soji, phóng xạ không thể lan đến đây.
Đáng buồn là không chỉ các vị khách quốc tế mà nhiều người Nhật Bản gạch tên Fukushima ra khỏi danh sách những địa điểm mà họ sẽ đến tham quan, hợp tác làm ăn. Điều này gây ra những thiệt hại nặng nề cho nguồn thu nhập của tỉnh. Lưu lại Kitakata ba ngày, chúng tôi được hòa vào đời sống bình dị của người dân địa phương, ăn mì Ramen, tắm Onsen (tắm khỏa thân ở suối nước khoáng nóng), trượt tuyết từ đỉnh Bandai. Chúng tôi đã cảm nhận vẻ đẹp tuyệt vời của thành phố có năm con sông chảy xuống từ các đỉnh núi hùng vĩ nhất vùng Tohoku.
Địa danh này còn nổi tiếng với “Green Tourism”, mô hình du lịch xanh với mục đích giáo dục về phát triển bền vững, bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, từ 13.000 khách/năm trước 2011, đến nay, những người làm du lịch ở thành phố này phải cố gắng lắm mới thu hút được khoảng 4.000 người đến trải nghiệm.
Chia tay Kitakata, chúng tôi đến với thành phố láng giềng Aizuwakamatsu. Tại đây, đích thân ngài Phó Thị trưởng Saito Marazu đón chúng tôi tại biểu tượng của thành phố - Thành cổ Tsurugajo, được mệnh danh là bất khả chiến bại trong Chiến tranh Boshin 1868-1869. Aizuwakamatsu được xem là nơi tụ họp của các Samurai từ thời Edo đến thời Meiji – giai đoạn đầy biến động trong lịch sử xứ Hoa anh đào.
Ông Phó Thị trưởng tâm sự: “Một đất nước bị chiến tranh tàn phá như Việt Nam mà ngày nay lại có những thanh niên trẻ trung và giàu sức sống như các bạn. Tôi rất ngưỡng mộ và tin tưởng vào tương lai của Việt Nam”. Được biết, trong năm nay, một phái đoàn của thành phố do ông Thị trưởng dẫn đầu cùng các doanh nghiệp sẽ sang thăm, làm việc và tìm kiếm cơ hội hợp tác với các địa phương của Việt Nam.
Từ trên đỉnh Tsurugajo, ông Phó Thị trưởng hướng mắt nhìn quê hương. Ông cho biết, cũng như Kitakata, hiếm có vị khách du lịch nào chọn đến thăm thú Aizuwakamatsu mặc dù nơi này không chịu bất cứ một ảnh hưởng nào từ các sự cố rò rỉ phóng xạ. Nghe tin đoàn thanh niên Việt Nam đến, các ban ngành của thành phố đều vui mừng và sắp xếp thời gian tiếp. Cuối buổi gặp, họ nhắn nhủ với chúng tôi rằng: "Mong các bạn hãy nói với mọi người rằng vùng đất này vẫn bình yên lắm".
Nếu có dịp đến Nhật, bạn hãy một lần dừng chân ở Kitakata, Aizuwakamatsu và những vùng khác của Fukushima để giúp người dân nơi đây “giải nỗi oan” rò rỉ phóng xạ... Khi đó, bạn sẽ hiểu tâm trạng của tôi khi thay mặt đoàn Việt Nam phát biểu với lãnh đạo thành phố: "Chúng tôi không sợ khi biết sẽ đến thăm Fukushima. Sự quan tâm và tình cảm của chúng tôi dành cho Fukushima cũng giống như dành cho Hiroshima và Nagasaki”.
Fukushima là tỉnh cực Nam vùng Tohoku (Đông Bắc) của Nhật Bản trên đảo HonshU, cách thủ đô Tokyo khoảng 300km về hướng Bắc, từng chịu thiệt hại nặng nề sau thảm họa kép 2011. Nơi này nổi tiếng với nghề trồng lúa lâu đời và sản xuất rượu hảo hạng với nguyên liệu được lấy từ dòng nước trong lành chảy theo dãy núi Liyoto. |
(Tác giả là thành viên Đoàn giao lưu thanh niên Nhật Bản - Đông Á 2015)