Quý III/2021, GDP Trung Quốc đạt là 4,9%, giảm từ 7,9% trong quý II và 18,3% trong quý đầu tiên của năm. (Nguồn: AFP) |
Theo SCMP, Tân Hoa xã vừa phát hành một bài bình luận, trong đó vạch ra 10 cách mà chính phủ Trung Quốc áp dụng để quản lý rủi ro kinh tế.
Bài báo, dựa trên các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia, đề cập các vấn đề hiện nay của nền kinh tế lớn nhất châu Á, như thiếu điện, tình hình thương mại và thắt chặt quy định trong sản xuất cũng như phòng dịch Covid-19.
Mở rộng tiêu dùng nội địa
Theo bài báo, chiến dịch nhằm “kiềm chế sự mở rộng vốn một cách vô trật tự” trên một số lĩnh vực của nền kinh tế có vẻ như đang được kìm hãm khi chính phủ chuyển hướng, tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng.
Bài báo của Tân Hoa Xã, được các tờ báo lớn như Securities Times và People’s Daily đăng lại, đã chỉ ra cách chính phủ đang đối phó với 10 thách thức cấp bách nhất mà nền kinh tế số 2 thế giới phải đối mặt.
Nó cũng đưa ra gợi ý về định hướng chính sách của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc trước một loạt cuộc họp cấp cao, bao gồm phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương khóa 19 vào đầu tháng tới và Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương.
Bài bình luận được đưa ra dựa trên sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) yếu hơn dự kiến trong quý III/2021 với 4,9%, giảm từ 7,9% trong quý II và 18,3% trong quý đầu tiên của năm.
Tốc độ tăng trưởng GDP quý III thấp hơn dự kiến có thể được giải thích một phần là do hiệu ứng từ kinh tế toàn cầu đang gặp khó, nhưng dù sao vẫn là con số mơ ước của nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Tân Hoa xã cho biết, việc thúc đẩy tiêu dùng cá nhân và đầu tư nằm trong chương trình nghị sự kinh tế mới của Bắc Kinh. Nhưng chính quyền trung ương sẽ không quay lại “kịch bản cũ” về chi tiêu tiền tệ và tài khóa.
Báo cáo dựa trên các cuộc phỏng vấn với các bộ phận liên quan và các chuyên gia, cho biết chính phủ sẽ đưa nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào bất động sản và nợ công.
Phương cách của chính phủ cũng tập trung tăng cường giám sát các lĩnh vực công nghiệp dễ bị sản xuất quá mức và gây phát thải nhiên liệu hóa thạch.
Trong số 10 vấn đề chính mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt, có những thách thức ngắn hạn như tình trạng thiếu điện và bom nợ Evergrande, cũng có những vấn đề mang tính dài hạn như “thịnh vượng chung”.
Tân Hoa xã cho rằng nền kinh tế đang vận hành "trong một phạm vi hợp lý" trong 9 tháng đầu năm, khi tốc độ tăng trưởng là 9,8%, cao hơn mục tiêu cả năm là "trên 6%".
Bài bình luận cho biết: “Xem xét môi trường bên ngoài đang thay đổi ở hiện tại và khả năng tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong tương lai, điều quan trọng hơn là phải ổn định và mở rộng nhu cầu trong nước”.
“Tiêu dùng và đầu tư là ‘hai động lực’ để đạt được việc thúc đẩy nhu cầu nội địa”.
Theo bài báo, chính phủ sẽ sớm thực hiện một loạt chính sách nhằm thúc đẩy tiêu dùng cá nhân ở các thành phố lớn như Thượng Hải và Bắc Kinh, ở các vùng nông thôn và trong lĩnh vực ăn uống.
Theo thống kê, doanh số bán lẻ năm 2021 dự kiến sẽ đạt 44 nghìn tỷ Nhân dân tệ (6,8 nghìn tỷ USD), mức tăng danh nghĩa 12,2% so với năm ngoái.
Ngoài ra, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng sẽ được hỗ trợ.
Tuần trước, ông Yao Jingyuan, thành viên nghiên cứu đặc biệt tại Văn phòng Cố vấn của Hội đồng Nhà nước, cho biết, đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc “ổn định tăng trưởng trong quý IV và năm tới”.
Củng cố động lực tăng trưởng
Các nhà phân tích lo ngại tốc độ phục hồi trong tiêu dùng cá nhân, đặc biệt là ở tầng lớp trung lưu, có thể bị suy yếu bởi các đợt lây nhiễm đại dịch Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại.
Theo Tân Hoa xã, cuộc khủng hoảng bom nợ từ công ty bất động sản Evergrande đã được hạn chế vì đây là “trường hợp rủi ro đơn lẻ”. (Nguồn: Tico Trader) |
Vào đầu tháng 10 này, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã công bố một cuộc khảo sát cho thấy, trong quý III/2021, tỷ lệ người dân có xu hướng tiết kiệm đã tăng 1,4 điểm phần trăm so với quý II, lên 50,8%, trong khi tỷ lệ người tiêu dùng nhiều hơn giảm 1 điểm phần trăm xuống 24,1%.
Tuần trước, Lu Ting, nhà kinh tế trưởng tại Nomura, nhận định: “Chính sách ‘zero-Covid’ của Trung Quốc cũng có thể làm chậm tốc độ phục hồi của doanh số bán lẻ”.
Hiện nay, các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất do chủng Delta của virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc đã lan rộng đến 11 tỉnh. Các biện pháp phòng dịch, bao gồm phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc đã được áp dụng, ảnh hưởng tới đi lại, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống, công việc của người dân.
Báo cáo của Tân Hoa xã đã dự đoán sự suy giảm trong thương mại của Trung Quốc, nhưng khẳng định, các nhà chức trách tin tưởng rằng các đơn hàng xuất khẩu vẫn sẽ tăng trong nửa đầu năm tới.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát sẽ được thắt chặt đối với các lĩnh vực như thép, nhôm, xi măng, kính tấm và lọc dầu, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng và thải ra một lượng lớn khí thải carbon.
Theo bài báo, “các nhà phân tích cảnh báo rằng khi đại dịch ở nước ngoài dần được kiểm soát và các nền kinh tế lớn bắt đầu phục hồi, cần phải cảnh giác với sự trở lại của tình trạng dư thừa sau khi xuất khẩu giảm sút”.
Do đó, Trung Quốc cũng sẽ tập trung vào một chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu, và mở rộng thị trường nội địa hơn nữa.
Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ "tăng cường điều chỉnh" trong việc thu thuế để tăng thu ngân sách và cải thiện việc phân phối nguồn tiền này. Tuy nhiên, việc này sẽ được thực hiện một cách có mục tiêu, như một phần của nỗ lực để đạt được mục tiêu “thịnh vượng chung” lâu dài.
Bài báo cũng khẳng định, cuộc khủng hoảng bom nợ từ công ty bất động sản Evergrande đã được hạn chế vì đây là “trường hợp rủi ro đơn lẻ”.
Theo bài bình luận: “Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề phức tạp theo từng giai đoạn, cấu trúc và chu kỳ, nhưng chính quyền có các phương tiện và khả năng để duy trì sự phục hồi, duy trì trọng tâm chiến lược và không ngừng củng cố động lực tăng trưởng nội sinh.
Trước áp lực, sự tự tin quý hơn vàng”.