TIN LIÊN QUAN | |
Năm vấn đề bức xúc, nổi cộm của ngành giáo dục | |
Cựu Đại sứ Mỹ Ted Osius: Sẽ mang đến thay đổi tích cực cho giáo dục đại học tại Việt Nam |
Có thể nói, 2018 là một năm "khủng hoảng" của ngành Giáo dục. Giáo sư có cho là như vậy không?
Tôi không nghĩ đến mức như thế. Chúng ta mắc những sai sót trong kỳ thi THPT quốc gia nhưng đã cố gắng làm rõ và mang lại công bằng cho học sinh. Công luận đánh giá cao việc quyết tâm khắc phục khuyết điểm và có những biện pháp để không lặp lại các sự việc đáng tiếc tương tự.
Chúng ta không thể thờ ơ với tình trạng thiếu đạo đức của một số giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay, cả nước có khoảng 1,24 triệu giáo viên. Đa số họ vẫn yêu nghề, yêu trẻ, đang ngày đêm lo lắng chuyện “trồng người”.
Đúng là “con sâu làm rầu nồi canh”, không nên vì những khuyết điểm của một số cá nhân mà đánh giá sai cả đội ngũ giáo viên. Bởi thực tế, có rất nhiều thầy cô tuy điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nhưng vẫn bám lớp, bám trường, tất cả vì thế hệ trẻ của nước nhà.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng. |
Dường như những câu chuyện buồn trong ngành Giáo dục, đặc biệt là bạo lực học đường liên tiếp diễn ra và vẫn chưa có giải pháp triệt để?
Câu chuyện giáo viên tát học sinh, giáo viên phải quỳ trước phụ huynh, cô giáo bắt học sinh uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng, thầy Hiệu trưởng dâm ô với chính học sinh trong trường… đều là những chuyện đau lòng đến xót xa. Nhưng ngành Giáo dục đã nghiêm khắc xử lý, công luận mạnh mẽ lên tiếng và hy vọng những chuyện xấu tương tự không thể tái diễn.
Trước thực trạng đó, làm sao để nâng cao vị thế người thầy?
Hiếu học và “tôn sư trọng đạo” là một truyền thống tốt đẹp của dân ta. Khi chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường, rõ ràng thầy cô giáo có mức lương thấp hơn nhiều thành phần khác trong xã hội. Điều này dẫn đến những hiện tượng tiêu cực tại một số cơ sở giáo dục như lạm thu, dạy thêm tràn lan…
Những điều không lành mạnh trong giáo dục đã làm hình ảnh người thầy bị tổn thương và rõ ràng cần khắc phục. Để nâng cao vị thế - trước hết người thầy phải là tấm gương trong sáng cho học sinh của mình. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm? Làm sao để giữ chân được những giáo viên giàu tâm huyết? Theo tôi, nâng lương và tạo môi trường xã hội sẽ giúp họ có thể yên tâm, tự hào gắn bó với nghề.
Theo ông, nước ta đã thực sự có triết lý giáo dục chưa và có phù hợp với tình hình hiện tại?
Theo tôi, nước ta luôn có triết lý giáo dục nhưng chưa đúc kết thành văn bản chính thức mà thôi. Để đáp ứng đường lối xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, ngành Giáo dục phải có nhiệm vụ đào tạo ra một thế hệ trẻ phát triển toàn diện: có đạo đức trong sáng, có lòng hiếu thảo. Đặc biệt, họ phải có kiến thức phù hợp với yêu cầu của từng bậc học, có tinh thần tự học, nhất là trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 với rất nhiều phương tiện hỗ trợ việc tự học…
Nói cách khác, họ phải phát triển đồng đều cả bốn mặt: “Đức, Trí, Thể, Mỹ”, phấn đấu để có trình độ toàn diện tương đương với phần lớn học sinh cùng lứa tuổi ở các nước. Các triết lý này cũng không hề mâu thuẫn với các mục tiêu như UNESCO đã đề ra, đó là học để biết, để làm, để tự khẳng định, để tự kiếm sống.
Vậy lúc này, ngành Giáo dục phải thay đổi gì, làm mới mình ra sao và cần có những dự báo gì, thưa GS?
Chuyện thay đổi chương trình và sách giáo khoa cũng đang có những sự chuẩn bị tích cực, theo định hướng chuyển từ truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học.
Các chương trình môn học và hoạt động đều hướng tới việc học sinh thực hành, vận dụng được kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế. Các môn học, hoạt động cũng chú trọng phát triển các kỹ năng, phẩm chất cần thiết để học sinh có nền tảng cơ bản ở giai đoạn từ tiểu học đến THCS và tăng tính định hướng nghề nghiệp, mềm dẻo hơn trong lựa chọn môn học ở bậc THPT. Tất nhiên, còn phải trải qua thử nghiệm chúng ta mới có thể hoàn thiện chương trình này.
Cùng với đó, việc có nhiều bộ sách giáo khoa như chủ trương của Quốc hội cho đến nay vẫn chưa thấy có sự chuẩn bị tốt. Thiết nghĩ, muốn có nhiều bộ sách hay nhiều cuốn sách khác nhau cho từng môn học phải có tính dân chủ, bình đẳng. Có nghĩa là, không có bộ sách nào được bao cấp, tốt hay xấu, phát hành nhiều hay ít, tất cả phải do thị trường quyết định.
Tôi nghĩ, cũng không nên đề ra các tiêu chuẩn cho người viết. Thầy cô nào viết cũng được, chỉ cần không sai với chương trình đã được công bố chính thức, không sai về khoa học và đường lối chính trị của đất nước.
Nhìn lại một năm qua, có vấn đề gì về giáo dục khiến ông trăn trở?
Tôi trăn trở nhất là về kỷ luật học đường và trách nhiệm bồi dưỡng kỹ năng sống đối với thế hệ trẻ. Bên cạnh việc học, trẻ cần được giao lưu, chia sẻ, biết xây dựng mục tiêu cho đời mình, biết sống thế nào để đạt tới những thành công mà mình mong muốn. Đặc biệt, trẻ cần biết làm sao để có được một cuộc sống hạnh phúc và được mọi người quý trọng, yêu mến. Tôi hy vọng sẽ có nhiều thầy cô giáo, nhiều nhà văn hóa cùng đồng hành trong việc này.
Xin cảm ơn GS!
Những vấn đề giáo dục nổi bật năm 2018 - Bất thường trong điểm thi THPT quốc gia ở một số địa phương - Nhiều vụ bạo lực thể chất, tinh thần học sinh - Sách đánh vần lớp 1 gây tranh cãi - Luật Giáo dục đại học sửa đổi được thông qua - TP. Hồ Chí Minh giảm học phí Trung học cơ sở từ năm 2019 - Việt Nam giành 38 huy chương Olympic khu vực và quốc tế… |
Trường học, trường đời chưa cùng một thước đo Cha mẹ nào chẳng mong con cái xếp thứ hạng cao, đứng tốp đầu về thành tích học tập. Nhưng thực tại cho thấy người ... |
Thận trọng hơn trong bỏ biên chế giáo viên Ngay sau khi Bộ trưởng GD&ĐT cho biết đề xuất chuyển dần giáo viên từ công chức, viên chức sang hợp đồng lao động, nhiều ... |
Cơ hội để ngành giáo dục đổi mới hệ thống Khảo sát tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng ngành giáo dục và đào tạo đang có ... |