TS. Bùi Phương Việt Anh cho rằng, ngành Giáo dục cần khắc phục những bất cập để có thể đáp ứng đổi mới. (Ảnh: NVCC) |
Đó là quan điểm của TS. Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam với Báo Thế giới và Việt Nam xung quanh những tồn tại của ngành Giáo dục Việt Nam thời gian qua.
Là một chuyên gia giáo dục, ông đánh giá thế nào về bức tranh giáo dục Việt Nam trong năm qua?
Trong năm qua với việc chúng ta tổng kết thực hiện 10 năm Nghị quyết TƯ 29 về đổi mới giáo dục đã phác hoạ bức tranh giáo dục của chúng ta khá sắc nét với 7 thành tựu và 8 vấn đề cần giải quyết. Đó là những điều chúng ta kỳ vọng.
Tuy nhiên, ở góc nhìn quản trị thì Nghị quyết 29 vẫn chưa thực sự đi vào thực tế hiệu quả như kỳ vọng. Việc chúng ta tạo ra một hệ sinh thái giáo dục còn chưa đồng bộ. Từ đó, bức tranh giáo dục còn nhiều mảng tối và nhiều khoảng cách thực thi cũng như khoảng cách truyền thông.
Theo ông, ngành Giáo dục còn tồn tại những vấn đề gì cần tháo gỡ?
Như tôi nói trên, ngành Giáo dục còn khá nhiều “bất cập” như chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập và cạnh tranh thực chất. Cho nên, trong 8 vấn đề tồn đọng như: việc tạo lập cơ chế và hệ sinh thái không đồng bộ, việc truyền thông chưa thực chất nên không hiệu quả. Vai trò giáo dục rất mờ nhạt trong hệ sinh thái quản trị và vận hành.
Đồng thời, mô hình và hệ thống chưa theo kịp đổi mới và còn nặng hình thức. Chưa cải cách được giá và chính sách giá đối với dịch vụ đặc thù này nên người học chưa được hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng cao với giá thành hợp lý. Thậm chí, các chính sách tạo công bằng như miễn học phí cho người yếu thế hoặc đối tượng mục tiêu các cấp ban đầu.
"Giáo dục có vị thế rất quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia và phát triển quyền lực mềm đất nước. Tuy nhiên, nó cần phải là một nền giáo dục đổi mới và thích ứng thay vì gò ép theo chủ quan". |
Chất lượng và cơ cấu đội ngũ không đảm bảo với mục tiêu đề ra. Chất lượng sản phẩm giáo dục còn yếu, chưa thể hội nhập chủ động và thực chất. Chưa tận dụng hết nguồn lực cho đầu tư giáo dục cũng như tăng ngân sách cho giáo dục để đạt kỳ vọng.
Việc phát triển đội ngũ nhà giáo quan trọng thế nào trong việc tạo ra những con người hạnh phúc, thích ứng và cạnh tranh thành công trong thời đại số hiện nay, theo ông?
Mục tiêu đổi mới và hội nhập cũng như cạnh tranh cần đội ngũ đồng bộ, có chất lượng và thái độ cao, tích cực. Bên cạnh đó, môi trường giáo dục cần tạo niềm tin và hạnh phúc cho cả người học lẫn người làm giáo dục. Bởi vậy, phát triển đội ngũ nhà giáo có thể được coi là vấn đề quan trọng, then chốt cùng với chương trình và chiến lược phát triển của giáo dục. Việc kỳ vọng phát triển đội ngũ trong cạnh tranh và đáp ứng chuyển đổi số trong thời gian ngắn mà chưa thực sự có chiến lược là gượng ép.
Ông có kỳ vọng gì về bức tranh giáo dục của Việt Nam trong năm 2024?
Giáo dục có vị thế rất quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia và phát triển quyền lực mềm đất nước. Tuy nhiên, nó cần phải là một nền giáo dục đổi mới và thích ứng thay vì gò ép theo chủ quan. Nếu làm được điều đó, giáo dục sẽ là một bức tranh sáng cho Việt Nam, đồng thời có thể tăng nguồn thu ngoại tệ nếu giáo dục của chúng ta đáp ứng được nhiệm vụ phát triển của nó.
Để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới, theo ông, ngành Giáo dục Việt Nam cần phải làm gì?
Để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc tái cấu trúc nền kinh tế để xây dựng hệ sinh thái giáo dục tốt, hiệu quả đến việc xác định mục tiêu, triết lý giáo dục. Đặc biệt, thay đổi phương thức đánh giá, có học liệu hiệu quả cho một nền giáo dục thực chất.
Cần thực hiện tự chủ giáo dục gắn với việc thực hiện đào tạo, giáo dục nhiều tầng, bậc. Trong đó, cần đầu tư cho những hạng mục mà Nhà nước nắm giữ cũng như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển giáo dục khai phóng gắn với chuyển đổi số và công nghệ. Từ đó, để hội nhập và phát triển cùng với mục tiêu đưa Việt Nam theo kịp các nước tiên tiến về giáo dục. Ngoài ra, cần phải có cơ chế hợp lý trong sử dụng ngân sách cũng như phát triển đội ngũ giáo viên ngang tầm với nhiệm vụ trong tình hình mới. Bản thân nhà giáo cũng phải cập nhật kiến thức, tìm tòi và sáng tạo không ngừng để theo kịp xu hướng phát triển.
Có kinh nghiệm quốc tế gì mà chúng ta có thể học hỏi?
Khẳng định giáo dục nơi nào trên thế giới cũng có mạnh, yếu tuy nhiên do quản trị và năng lực điều hành mà sự phát triển cũng khác nhau. Nó bắt nguồn từ hệ thống chính trị đến bộ máy và cơ chế, sứ mệnh và tầm nhìn, tạo ra những đột phát trong phát triển kinh tế và đổi mới xã hội. Điều này cũng được Singapore thực hiện khá bài bản và giáo dục thực sự là công cụ để phát triển.
Dưới góc nhìn của tôi, giáo dục cần "mở", liên thông và thực sự chủ động trong xây dựng, đổi mới và thực thi sứ mệnh của nó. Nhân dân và người học cần phải hiểu được nhiệm vụ học tập không chỉ đem lại kiến thức cho người học mà còn cách mạng nền kinh tế. Đây là bài học mà Nhật Bản đã thực hiện nhiều năm trước.
Xin cảm ơn ông!
TS. Bùi Phương Việt Anh hiện là Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam, tác giả của Học thuyết Kinh tế tổng thể và Chuẩn nhân lực quốc tế (EAS IHHRM G23.0). Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Victoria (Australia), nghiên cứu Tiến sĩ Quản trị chiến lược tại Đại học Horizons (Pháp), ông Việt Anh cũng được biết đến như một nhà quản trị thực tế. Là chuyên gia tư vấn và đào tạo lãnh đạo cấp cao quốc tế, ông Bùi Phương Việt Anh mong muốn dẫn dắt giới trẻ đến với giáo dục tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam. |