📞

Giáo dục tuần qua: 'Tâm thư' của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khi ngồi 'ghế nóng', Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền qua đời

Phi Khanh 12:36 | 12/04/2021
Giáo dục tuần qua nổi bật 'tâm thư' của tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi tới các thầy cô giáo; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gỡ khó chuyện dạy văn hóa trong các trường nghề; học viên trường Múa 'kêu cứu'; Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Lưu Văn An qua đời trong chuyến công tác...
Giáo dục tuần qua nổi bật tâm thư Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi tới nhà giáo cả nước.

Trăn trở của tân Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khi ngồi "ghế nóng"

Tuần qua, ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đây là "ghế nóng" luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và kỳ vọng của dư luận.

Tư lệnh ngành giáo dục đã gửi thư cho nhà giáo cả nước. Trong thư, ông chia sẻ những trăn trở đầu tiên của ông khi nhận nhiệm vụ, về nghề và sự nghiệp của nhà giáo.

"Ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn. Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng và tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng.

Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, mong đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề, nhưng chúng ta có rất nhiều thuận lợi, toàn ngành đã làm được rất nhiều việc lớn trong năm qua. Đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và chỉ hướng đã thật rõ ràng, vấn đề là cách làm...", Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn viết.

Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền qua đời đột ngột tại Yên Bái

Trong chuyến công tác tại Yên Bái, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Lưu Văn An đã bị đột quỵ và qua đời trong đêm 10/4.

Theo thông tin từ lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vào lúc 22h ngày 10/4, PGS.TS Lưu Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bị đột quỵ và qua đời tại tỉnh Yên Bái.

PGS.TS Lưu Văn An (59 tuổi, quê Bắc Ninh), tốt nghiệp đại học ở Đại học Tổng hợp Leningrat, Nga, chuyên ngành dân tộc học năm 1988.

Ông có thời gian làm tiến sĩ tại Đại học Saint Petersburg, Nga, chuyên ngành dân tộc học năm 1992 và thực tập sinh khoa học tại Đại học Saint Petersburg, Nga chuyên ngành dân tộc học năm 1997.

Ông từng công tác tại Viện Dân tộc học, sau đó về Học viện Báo chí và tuyên truyền công tác từ năm 1999 đến nay. Trong thời gian công tác, ông từng là giảng viên Khoa chính trị học, sau đó giữ chức Phó trưởng Khoa chính trị học. Từ năm 2012, ông giữ chức vụ Phó Giám đốc Học viện và được bổ nhiệm làm Quyền Giám đốc từ tháng 10/2020.

Ông Lưu Văn An đã thực hiện 35 đề tài nghiên cứu khoa học, viết rất nhiều sách và giáo trình và giành được nhiều giải nghiên cứu khoa học của Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Trường nghề được tiếp tục dạy chương trình GDTX cấp THPT

Về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo kiến nghị của Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội và Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD&ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo đúng quy định.

Đối với các cơ sở GDNN đã và đang tổ chức dạy chương trình (Giáo dục thường xuyên) GDTX cấp THPT được tiếp tục thực hiện.

Liên quan đến vướng mắc trong đào tạo hệ 9+, tuần qua Văn phòng Chính phủ có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc với nhiều bên liên quan - chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã, đang dạy chương trình GDTX cấp THPT vẫn tiếp tục được thực hiện.

Vụ học viên trường Múa "kêu cứu"

Chiều 6/4, trong cuộc làm việc tại Văn phòng Chính phủ với Bộ Giáo dục và đào tạo (Bộ GD&ĐT), Bộ Lao động, thương binh và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cụ thể về vụ việc hàng trăm học viên trường Múa "trắng tay" bằng cấp.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ GD&ĐT cùng các vụ chức năng sẽ sớm hoàn thiện các văn bản chính thức để thực hiện cấp bằng cho các học viên trường Múa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lắng nghe các bên liên quan trình bày, thảo luận về việc cấp bằng tốt nghiệp THCS hay chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cho học sinh của các trường nghệ thuật như Học viện Múa Việt Nam.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay: Trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh và các học sinh Học viện Múa Việt Nam đã hoàn thành chương trình trung cấp mong muốn được cấp bằng tốt nghiệp THCS, mặc dù trong thực tế ít khi sử dụng, Bộ GD&ĐT đồng ý về nguyên tắc sẽ cấp bằng tốt nghiệp THCS cho những học sinh này.

Các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đã rà soát, kiến nghị phương án cấp bằng cụ thể, đúng theo thời điểm tốt nghiệp thực tế của học sinh.

Giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Mức cao nhất là 245.000 đồng/bộ

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 năm học 2021 - 2022. Trong đó, Bộ sách đắt nhất, giá 245.000 đồng/bộ. Cụ thể, Bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" gồm 13 cuốn có giá 245.000 đồng.

Trước đó, Bộ GD&ĐT ký Quyết định phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 2 và sách lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, theo quy định của Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, UBND các tỉnh, thành phố sẽ tiến hành việc lựa chọn sách giáo khoa.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp bản pdf các sách giáo khoa đã được Bộ trưởng phê duyệt trên website của nhà xuất bản trước ngày 21/02/2021, cấp tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu tập huấn sử dụng SGK qua mạng.

Nhà xuất bản in ấn, phát hành sách giáo khoa đủ số lượng và đảm bảo chất lượng đến các địa phương trước 31/7/2021 để cung cấp kịp thời đến tất cả học sinh, giáo viên cho năm học mới.

Tổ chức kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2021 trên tinh thần cầu thị

Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc rất quan trọng, không chỉ của ngành giáo dục mà của toàn xã hội, bởi vì liên quan đến gần 1 triệu học sinh, trong đó, trên 600.000 em có nguyện vọng vào đại học.

Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ từ nay đến khi tổ chức thi, trên tinh thần cầu thị, tiếp tục rà soát những chi tiết nhỏ nhất để đảm bảo kỳ thi được tổ chức tốt, đặc biệt những gì liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của thí sinh tốt hơn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tổ chức thực hiện tại địa phương, do đó chính quyền và người đứng đầu chính quyền ở địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn như năm vừa rồi là rất tốt.

Năm nay tình hình dịch bệnh vẫn còn rất khó lường. Vì vậy, tùy tình hình dịch, bên cạnh các biện pháp thuần túy về thi, Bộ GD&ĐT cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát để có hướng dẫn chi tiết tới tất cả các tỉnh có dịch bệnh.

(tổng hợp)