📞

Giao lưu nghệ thuật 'Dấu son ngời' kỷ niệm 77 năm ngày ký hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp

19:27 | 05/03/2023
Kỷ niệm 77 năm ngày ký hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp (6/3/1946 – 6/3/2023), ngày 5/3/2023, Cung Thiếu Nhi Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Dấu son ngời".
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh và Phó Giám đốc phụ trách Cung thiếu nhi Hà Nội Võ Thị Thanh Diệp tặng hoa các đại biểu tham dự giao lưu. (Nguồn: TTXVN)

Vào hồi 16h30, ngày 6/3/1946, bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một bên là Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp.

Theo Hiệp định Sơ bộ, Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có Chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng trưng cầu ý dân. Chính phủ Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào thay quân Tưởng. Quân Pháp phải rút khỏi Việt Nam sau 5 năm, mỗi năm rút một phần năm. Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí. Hai bên sẽ mở cuộc đàm phán tại một trong ba nơi: Hà Nội, Sài Gòn hoặc Paris.

Kỷ niệm 77 năm ngày ký hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp (6/3/1946 – 6/3/2023), với mong muốn để thế hệ trẻ ngày nay được tìm hiểu những mốc son lưu dấu trong lịch sử cách mạng Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, ngày 5/3/2023, Cung Thiếu Nhi Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật "Dấu son ngời".

Đây là một chương trình có ý nghĩa, thể hiện tình cảm tri ân của thế hệ trẻ ngày nay đối với những đóng góp, hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc của những thế hệ đi trước.

Chương trình được xây dựng kết hợp giữa các phần giao lưu khách mời và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, do các em đang theo học tại Đoàn nghệ thuật măng non, Cung Thiếu nhi Hà Nội biểu diễn.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình “Dấu son ngời”. (Nguồn: TTXVN)

Các khách mời tham dự chương trình là các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhân chứng lịch sử, các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sỹ, cựu đội viên đã sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, như: PGS. TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam; Đại sứ Hoàng Vĩnh Thành – nguyên Đại sứ Việt Nam tại Australia, nguyên Chánh Văn phòng Bộ ngoại giao, con trai Cố Bộ trưởng Hoàng Minh Giám – người trợ lý cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sự kiện ngày 6/3/1946; Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nguyên Đại biểu quốc hội khóa XI; NSƯT Hồng Kỳ; Nhà văn Lê Phương Liên - nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam.

Chương trình còn có sự tham dự của các đồng chí nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và cán bộ Cung Thiếu nhi Hà Nội các thời kỳ, sinh viên và học sinh Thủ đô.

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh nhấn mạnh: 77 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) mãi còn nguyên giá trị và được các thế hệ thanh niên Việt Nam đã tiếp nối nhau viết nên trang sử vẻ vang của các thế hệ đi trước.

Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với Đảng, gắn bó chặt chẽ với lợi ích dân tộc, với nhân dân và chế độ XHCN; truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, sẵn sàng đón nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; truyền thống hiếu học, cần cù, sáng tạo; truyền thống đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn và các thế hệ thanh niên Việt Nam, trong những năm qua tuổi trẻ Thủ đô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên, thanh thiếu nhi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh phát biểu tại sự kiện. (Nguồn: TTXVN)

Triển khai đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Nhớ về Bác - Lòng ta trong sáng hơn”; thường xuyên đăng tải, chia sẻ các bài viết về tấm gương thanh niên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên trang thông tin điện tử và fanpage của tổ chức Đoàn các cấp. Đa dạng hóa các giải pháp giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc cho thanh thiếu nhi, tổ chức “Hành trình đến các địa chỉ đỏ”, “Hành trình đến các bảo tàng”; tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; tập trung chăm sóc, tôn tạo, giới thiệu, quảng bá các khu di tích lịch sử, di tích văn hóa; xây dựng các đội tuyên truyền viên trẻ tại các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của quốc gia, Thủ đô; ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng bản đồ số, số hóa các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ; tổ chức các hội thi, liên hoan, tuyên truyền ca khúc cách mạng, tìm hiểu lịch sử Việt Nam trong các cấp bộ đoàn, hội, đội...

(theo TTXVN)