📞

Giáo viên thời số hóa...

Tuấn Kiệt 11:05 | 22/11/2023
Xã hội phát triển, vai trò, vị trí của giáo viên sẽ thay đổi theo xu thế. Điều cốt lõi là họ phải luôn biết tự thay đổi chính mình - thay đổi để hoàn thiện, để phù hợp và thích ứng với thời đại.
Thời đại số đòi hỏi giáo viên phải cập nhật kiến thức không ngừng. (Ảnh: Phạm Thị Thanh Thủy)

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Thế giới biến đổi từng giây, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, mô hình bậc thầy uyên bác biết 10 dạy 1 không còn phù hợp. Thay vào đó, nhà giáo phải nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng, dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn. Trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn, phức tạp hơn. Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, việc tự đổi mới của nhà giáo có ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục...

Có thể nói, giáo dục là lĩnh vực chịu nhiều sự tác động từ cuộc CMCN 4.0, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội... Vì vậy, giáo dục trong thời đại số hóa cũng cần "chuyển mình" và tạo ra sự đổi mới. Giáo viên phải giúp học sinh, sinh viên cơ hội phát triển năng lực theo hướng tự do.

Muốn vậy, cần xác định lại mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh. Khác với các lớp học truyền thống, giáo viên thực hiện vai trò truyền đạt kiến thức từ cơ bản tới nâng cao, hiện nay trình tự này đã được thay đổi. Học sinh có thể tìm kiếm kiến thức thông qua Internet. Trên lớp sẽ là những giờ thuyết trình, tranh luận và giải quyết các vấn đề được đặt ra, vai trò của giáo viên là dẫn dắt.

Nghĩa là, thời số hóa, vai trò của giáo viên đã thay đổi từ người dạy sang người thiết kế các chương trình học phù hợp và tạo ra môi trường học tập sôi động, chất lượng. Nhà giáo phải có đầu óc mở, giúp học sinh điều chỉnh nguồn thông tin và kiến thức mới. Nói cách khác, học sinh trong thế giới số có đầy đủ năng lực, phương tiện để tiếp nhận thông tin, có thể tự học, tự nghiên cứu và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau. Người thầy giỏi phải là người chịu thay đổi và làm mới mình trong từng tiết dạy ở trên lớp.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với rất nhiều cái mới, nhiều yêu cầu phải thay đổi so với trước đây. Vì thế, người thầy nếu không chịu thay đổi, không làm mới mình sẽ tụt hậu. Nói cách khác, xã hội phát triển, vai trò, vị trí của người thầy sẽ thay đổi theo xu thế. Điều cốt lõi là họ phải luôn biết tự thay đổi chính mình - thay đổi để hoàn thiện, để phù hợp và thích ứng với thời đại.

Giáo viên thời số hóa phải tự thay đổi chính mình. (Ảnh: Kim Ngân)

Giáo dục trong thời đại 4.0 tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh, sinh viên làm việc trong môi trường đào tạo có chiều sâu. Giáo sư Tony Wagner (Đại học Harvard) từng nói: “Thế giới ngày nay không quan tâm kiến thức của sinh viên là gì, mà quan trọng là sinh viên làm được gì với kiến thức đó”. Vì thế, vai trò của giáo viên thời 4.0 không đơn giản là truyền đạt kiến thức, mà còn giúp học trò trang bị các kỹ năng để hội nhập toàn cầu. Người học cần có năng lực học tập suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức và tri thức mới để theo kịp sự đòi hỏi công việc vốn liên tục thay đổi.

Ngày nay, với nền giáo dục hiện đại, người học buộc phải tăng tính chủ động, khả năng tự định hướng kiến thức mà mình cần và xây dựng lộ trình học tập riêng. Nhờ Internet, các lớp học có thể diễn ra ở bất cứ đâu, thời điểm nào. Các trường học trực tuyến phát triển, người học trở thành những học viên 4.0.

Thời đại số đòi hỏi người thầy ngoài kinh nghiệm thì cần phải có nhiều phương pháp, cách thức tiếp cận kiến thức phù hợp, có chọn lọc. Đặc biệt, họ phải giỏi công nghệ, thường xuyên tiếp cận với cái mới nhằm giúp cho bài giảng của mình trở nên phong phú hơn, tạo hứng thú cho học trò.

Nếu như trước đây, Internet chưa phát triển, kiến thức sách vở và kiến thức của người thầy được xem là chuẩn mực trong dạy học, lúc đó người thầy là trung tâm của các hoạt động giáo dục trên lớp. Tuy nhiên, giáo dục hiện nay đã có nhiều thay đổi khi lấy người học làm trung tâm nhằm phát huy phẩm chất của người học thì người thầy đã chuyển vai sang người dẫn dắt, định hướng cho học trò của mình.

Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã viết: "Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục, rèn luyện các em là nhiệm vụ chung của nhà trường - gia đình và xã hội. Một quốc gia muốn phát triển phải có nền giáo dục chất lượng cao và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững. Tôi mong các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý".

Tại Lễ tuyên dương các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng xác định, đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của giáo dục và đào tạo. Vì thế, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và về chất. Đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo. Sự đổi mới của các thầy cô đạt được đến đâu, sự đổi mới của ngành giáo dục cũng sẽ đạt được đến đó.

Cũng phải nói thêm rằng, sự kỳ vọng của toàn xã hội đã vô tình tạo nên những thách thức cho chính những người thầy. Giáo dục là một trong những nền tảng quan trọng nhất để định hình và phát triển một quốc gia, dân tộc. Chính bởi vị thế và vai trò đặc biệt ấy, giáo dục luôn đứng trước những kỳ vọng của toàn xã hội. Trong xã hội số hóa, giáo dục phải đối mặt với thách thức không nhỏ về đổi mới phương pháp dạy và học. Do đó, giáo viên cũng phải thay đổi để thích ứng với tốc độ hiện đại hóa. Nếu nhà giáo không chịu làm mới mình sẽ khó theo kịp sự phát triển của xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 (năm 2022), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng, trung tâm đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại. Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

“Hàng năm, ngân sách dành cho giáo dục chiếm 20% ngân sách quốc gia. Việt Nam rất quan tâm đến việc đảm bảo công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục; hiện nay Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, tái cấu trúc mạnh mẽ ngành giáo dục. Trong những năm vừa qua, chất lượng giáo dục của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá học sinh quốc tế như PISA, PASEC và SEA-PLM”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.