Nông dân Mỹ đang lâm vào tình cảnh khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 lẫn căng thẳng thương mại với Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Bà Danielle Bauer, Giám đốc điều hành Hội đồng Đậu tương Delaware và Maryland nhận xét, tương lai là không chắc chắn và những người nông dân đang phải đối mặt với một năm khó khăn nữa.
Đầu năm 2020, khi chính quyền của Tổng thống Trump đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh cam kết tăng mua nông sản của Washington đã mang đến nhiều hy vọng cho nông dân Mỹ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến mọi hy vọng đều tiêu tan khi giao thông và các hoạt động kinh tế bình thường bị gián đoạn, nhu cầu hàng hóa sụt giảm.
Bên cạnh đó, nông dân Mỹ cũng không thể trông chờ vào việc gieo trồng các loại cây dùng để sản xuất ethanol và nhiên liệu sinh học do giá dầu mỏ toàn cầu thấp kỷ lục.
Do nguồn cung nông sản dư thừa, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo giá ngô và đậu tương có khả năng sụt giảm mạnh trong vụ tới. Một nghiên cứu của trường Đại học Illinois và Đại học bang Ohio hồi đầu tháng 5 cảnh báo, cho dù được Chính phủ Mỹ hỗ trợ, nông dân trồng ngô và đậu tương vẫn có thể bị thua lỗ tổng cộng từ 8,5-10,2 tỷ USD trong đại dịch Covid-19.
Trong 2 năm 2018-2019, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã chi 28 tỷ USD để giúp đỡ những nông dân bị ảnh hưởng do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và cam kết chi thêm 16 tỷ USD trong năm 2020 để bù đắp cho những biến động thị trường.
Trung Quốc đã trả đũa những hành động thương mại đơn phương của Mỹ bằng việc tăng mạnh thuế đối với mặt hàng đậu tương và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2018 của Mỹ giảm xuống 9,2 tỷ USD, chưa bằng nửa mức năm 2017. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 tăng lên gần 14 tỷ USD.
Trong thỏa thuận giai đoạn 1 đạt được hồi tháng 1, Bắc Kinh đã đồng ý mua lượng nông sản Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Nhưng tranh cãi gần đây giữa hai nước liên quan tới cuộc chiến chống Covid-19 khiến dư luận lo ngại rằng thỏa thuận trên có thể trở thành nạn nhân của những căng thẳng song phương mới.
Liên quan căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, ngày 25/5, Bắc Kinh đã phản đối tất cả hạn chế của Mỹ áp đặt với các hãng hàng không của nước này trước một thông tin cho biết, Bộ Giao thông Mỹ đề nghị các hãng hàng không Trung Quốc tới ngày 27/5 phải cung cấp lịch trình cũng như các thông tin chi tiết khác về các chuyến bay của họ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho hay, những hạn chế bay mà Bắc Kinh áp đặt với tất cả hãng hàng không đều bình đẳng và do những nỗ lực nhằm ngăn chặn những rủi ro liên quan tới dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 22/5, Washington đã cáo buộc Bắc Kinh không cho các hãng hàng không Mỹ khôi phục lại hoạt động tại Trung Quốc.