Đến thăm triển lãm "Báu vật khảo cổ học Việt Nam", người xem sẽ được tận mắt chứng kiến chuyến đi xuyên thời gian độc nhất vô nhị về với quá khứ miền nhiệt đới chưa từng được biết đến tại Đức.
Đó là hơn 400 hiện vật từ đồ trang sức bằng ngọc từ thời kì đồ đá, di vật, mũi tên, khuyên tai hình đầu các con thú, tranh thư pháp, ngạn ngữ... là minh chứng cho hơn mười nghìn năm lịch sử vĩ đại, đặc biệt là chiếc gàu sòng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng để tát nước.
Bảo tàng khảo cổ học LWL tại Herne là địa điểm đầu tiên trưng bày báu vật khảo cổ học Việt Nam. (Nguồn: baotanglichsu) |
Việt Nam hiện là nước duy nhất ở Đông Nam Á tổ chức nhiều cuộc khai quật và có nhiều công trình xây dựng bảo tàng trong vài chục năm gần đây. Tám bảo tàng của các địa phương trong cả nước với nhiều bộ sưu tập, 45 tổ hợp di tích và di sản thế giới được UNESCO công nhận cùng nhiều Bảo vật quốc gia được giới thiệu làm cho cuộc triển lãm trở thành điểm nhấn quý giá về khảo cổ học độc nhất vô nhị.
Những hình ảnh, hình chiếu về phong cảnh, phim và sắp đặt sẽ đưa người xem tìm hiểu về một trong những quốc gia hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Triển lãm nhấn mạnh những phát hiện khảo cổ học hấp dẫn trong vòng 60 năm gần đây ở Việt Nam với những phát hiện ít được biết đến ở châu Âu.
Triển lãm còn góp phần tăng cường sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam. Vì vậy, TS. Frank- Walter Steinmeier - Bộ trưởng ngoại giao Đức và TS. Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã nhận bảo trợ cho dự án.
Được biết, triển lãm duy nhất này sẽ được tổ chức tại ba địa điểm tại Đức là Bảo tàng khảo cổ học LWL tại Herne, sau đó là Bảo tàng khảo cổ học quốc gia Chemnitz và cuối cùng là Bảo tàng Reiss-Engelhorn tại Mannheim.