Triển lãm Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu do Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace tổ chức từ 11/3 - 16/4 tới. Qua phần giám tuyển của họa sĩ Vũ Đỗ tại không gian sảnh triển lãm Viện Pháp tại Hà Nội, công chúng yêu nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm có giá trị cả về nghệ thuật lẫn lịch sử và tham gia một số sự kiện song hành với triển lãm đặc sắc.
Triển lãm sẽ giới thiệu một chuỗi di sản nghệ thuật của cố nghệ sĩ Phan Kế An, bao gồm các tác phẩm hội họa đa chất liệu, các tác phẩm học tập và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Liên Xô cũ) và những ký họa văn nghệ sĩ, danh nhân nửa cuối thế kỉ 20.
Một tác phẩm được giới thiệu của cố họa sĩ Phan Kế An. (Nguồn: BTC) |
Cụ thể, có 3 bức tranh sơn mài, 1 bức tranh sơn dầu, 1 bức tranh lụa và một loạt tranh ký họa đặc sắc của nghệ sĩ. Tất cả đều được gia đình bảo quản, lưu giữ cẩn trọng qua nhiều năm tháng tới tận ngày nay. Những bức tranh được ví như “kho tàng ẩn giấu” này sẽ hé lộ nhiều điều bất ngờ về hành trình sáng tác và cuộc sống nghệ thuật những năm 1945-1960.
Chia sẻ về sự kiện nghệ thuật này, họa sĩ Vũ Đỗ cho biết: “Điểm đặc biệt của triển lãm lần này là những tác phẩm được trưng bày tại đây chưa từng được công bố, ẩn giấu trong những tài liệu được tìm thấy ở tư gia của nghệ sĩ. Đây cũng là những tác phẩm dang dở, chưa hoàn thiện, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị. Bản thân chúng là nhân chứng của lịch sử, chứa đựng câu chuyện, kỷ niệm riêng của người họa sĩ".
Những bức tranh này phản ánh quá trình làm việc, những trăn trở, suy nghĩ, thậm chí là sự thất vọng trong hành trình sáng tác gian khổ của một người nghệ sĩ, đồng thời hé lộ nhiều manh mối, câu chuyện về cuộc đời sáng tác của ông. Đặc biệt, tất cả đều có giá trị về mặt nghệ thuật với sức rung cảm và gây ấn tượng mạnh mẽ, cho thấy sự sáng tạo và thể nghiệm không ngừng của một cây đa, cây đề trong giới hội họa”.
Trong khi đó, bà Phan Mai Thanh Thúy - con gái cố họa sĩ Phan Kế An, bày tỏ sự xúc động: “Từ xưa đến nay, bố tôi hầu như không có triển lãm riêng, trừ hồi đi kháng chiến. Thực tế là vì hầu hết tranh của ông đều được bán hết ngay, có bức chưa ráo mực đã có người mua rồi.
Một vài lần triển lãm chung ở 16 Ngô Quyền, bố tôi phải đi mượn lại tranh đã bán để trưng bày. Đó là lý do tôi ao ước thực hiện một buổi triển lãm riêng cho ông, nhưng chưa làm được vì điều kiện chưa cho phép.
Chính vì vậy, ngay khi Vũ Đỗ đề đạt, tôi rất mừng, bởi tôi tin tưởng rằng, họa sĩ trẻ này là một người có tâm, được đào tạo bài bản và Viện Pháp tại Hà Nội cũng tạo điều kiện rất nhiều và là một đơn vị uy tín. Đây là cơ hội để đưa các tác phẩm của ông đến với công chúng”.
Song hành với triển lãm là tọa đàm cùng tên được tổ chức tại Hội trường Viện Pháp Hà Nội từ 9-11h ngày 13/3, với mong muốn giới thiệu cho công chúng một góc nhìn mới về bảo tồn và kế thừa di sản nghệ thuật.
Thuộc thế hệ các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, Phan Kế An (1923 –2018) còn được biết đến với bút danh Phan Kích - được đánh giá là một họa sĩ đa tài, một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Ông từng là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương - École des Beaux-Arts de l'Indochine (1944-1945) và là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ thành công ở thể loại tranh sơn mài, sơn dầu, nổi tiếng nhất là bức Nhớ một chiều Tây Bắc (1950), bức tranh đã gợi cho hoạ sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc cho ca khúc Nhớ một chiều Tây Bắc. Ông cũng chính là họa sĩ đầu tiên được vẽ ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc với khoảng 20 tác phẩm. Vì những đóng góp của mình cho nền nghệ thuật Việt Nam, Phan Kế An đã được trao Giải thưởng Quốc gia về Văn học và Mỹ thuật (2001). |
| Thú vị triển lãm về Tết Việt xưa tại Australia Để gợi lại phần nào không khí Tết Việt xưa, vào cuối tuần qua, Vietnam Centre của những người Việt trẻ tại Australia đã bắt ... |
| Cuộc triển lãm tranh có một không hai... Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch không giấu niềm tự hào khi gọi triển lãm tranh của các họa sĩ Ukraine về ... |