Ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng, Cục Lãnh sự phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng, Cục Lãnh sự cho biết Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và có thể thực hiện ngay, do các thủ tục hành chính có liên quan đã được quy định cụ thể trong Luật mới này. Ông Tùng khẳng định, đây là văn bản tạo điều kiện hơn nữa và tăng cường hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Vị Phó Cục trưởng cũng cho biết, Cục Lãnh sự đã gửi văn bản giới thiệu Luật và những điểm mới của Luật đến các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam.
Tại Hội nghị, đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã giới thiệu Luật và những điểm mới của Luật so với Pháp lệnh trước đây. Cụ thể, Luật gồm 9 chương, 55 điều với bố cục rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu, áp dụng.
Về các nội dung mới của Luật so với các quy định trước đây, đại diện Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho biết, người nước ngoài có nhiều hộ chiếu chỉ được sử dụng một hộ chiếu để nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam. Tại chương II, Luật quy định không được chuyển đổi mục đích thị thực; Thị thực được xác định bằng ký hiệu cụ thể, rõ ràng cho từng mục đích nhập cảnh như có 20 loại ký hiệu thị thực so với chỉ 10 loại trước đây; thời hạn thị thực có thể được cấp tới 5 năm cho nhà đầu tư so với tối đa 12 tháng trước đây.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Minh Châu/TGVN |
Luật cũng quy định thời hạn thẻ tạm trú của Việt Nam tối đa lên tới 5 năm so với tối đa 3 năm của quy định cũ; các thị thực đã được cấp không được phép chuyển đổi mục đích, nếu có lý do và yêu cầu thì phải xuất cảnh để xin thị thực với mục đích mới; thị thực và thời hạn tạm trú cấp cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài về Việt Nam thăm thân nâng lên tối đa 6 tháng so với 3 tháng quy định cũ; miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân của họ sẽ được xem xét cấp giấy miễn thị thực; người nước ngoài được miễn thị thực theo diện Việt Nam đơn phương áp dụng sẽ được nhập cảnh không giới hạn số lượng nhưng thời gian cách nhau giữa 2 lần nhập cảnh ít nhất 30 ngày; mở rộng thêm diện cấp thị thực tại cửa khẩu; thời gian làm thủ tục xin thường trú được rút ngắn và thời hạn thẻ thường trú sau 10 năm mới phải cấp đổi, trước đây là 3 năm…
Cũng tại Hội thảo, Cục Lãnh sự và Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng đã giải đáp một số câu hỏi của đại diện các cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam về việc thực hiện và áp dụng Luật.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam đón hơn 7 triệu lượt người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh với các mục đích khác nhau như thương mại, đầu tư, thăm thân, du lịch, học tập…. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia các hiệp định miễn thị thực song phương với gần 80 nước cho công dân mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ; miễn thị thực đơn phương cho công dân mang hộ chiếu phổ thông của 7 nước là Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga với thời gian lưu trú tối đa 15 ngày; miễn thị thực song phương cho công dân mang hộ chiếu phổ thông với các nước trong khối ASEAN với thời gian lưu trú 30 ngày (trừ Brunei 14 ngày và Philipines 21 ngày).
Anh Sơn