📞

Gita Gopinath: Bóng hồng quyền lực ở IMF

Minh Anh 19:45 | 08/03/2021
TGVN. Cô ấy là fan hâm mộ của hai diễn viên hàng đầu Ấn Độ Shahrukh Khan và Deepika Padukone. Sở thích của cô là mua sắm, đi du lịch, thích các món ăn Italy. Và điều đặc biệt là vô cùng xinh đẹp và tài năng.

Thế nhưng cô ấy lại là nữ Kinh tế trưởng đầu tiên trong lịch sử tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với các nhận định sắc bén về kinh tế và những lời cảnh báo đanh thép cho các chính phủ trong xây dựng các chiến lược quốc gia.

Gita Gopinath cũng được vinh danh là một trong 25 nhà kinh tế hàng đầu dưới 45 tuổi của IMF vào năm 2014 và được chọn là Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011.

Gita Gopinath là nữ Kinh tế trưởng đầu tiên trong lịch sử tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. (Nguồn: Bloomberg)

"Làn gió mới" về tư duy kinh tế của IMF

Trong thông báo bổ nhiệm Gita Gopinath vào vị trí Nhà Kinh tế trưởng của một trong những định chế tài chính quan trọng nhất thế giới, Cựu Giám đốc IMF Christine Lagarde giới thiệu “Gopinath là một trong những nhà kinh tế học xuất chúng nhất thế giới với học vấn cao, kinh nghiệm lãnh đạo và làm việc trong môi trường quốc tế ấn tượng”.

Năm 2018, Gita Gopinath trở thành người phụ nữ đầu tiên được IMF bộ nhiệm vào vị trí quyền lực và danh giá của tổ chức, thay thế cho chuyên gia kỳ cựu Maurice Obstfeld sau khi ông nghỉ hưu.

Gita Gopinath trở thành Trưởng bộ phận nghiên cứu quan trọng nhất của IMF - nơi nghiên cứu và phát hành các ấn phẩm hàng đầu của IMF về Triển vọng Kinh tế thế giới và là một trong những tài liệu được đọc nhiều nhất do các tổ chức đa phương phát hành. Cô không chỉ là người chịu trách nhiệm chính về các phân tích và nhận định của IMF về sự phát triển và triển vọng kinh tế toàn cầu, mà cả các chủ đề đặc biệt có tầm ảnh hưởng sâu rộng với thế giới.

Vai trò của Gita Gopinath ở IMF hứa hẹn góp phần định hướng tốt nhất cho các vấn đề kinh tế vĩ mô và tài chính ở các nền kinh tế nói riêng và kinh tế thế giới nói chung.

Hiện tại, IMF đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới và tác động của công nghệ tới việc làm. Gopinath được đánh giá có tiềm năng mang lại tư duy năng động mới cho IMF.

Sự tham gia của Gita Gopinath vào nhóm các giám đốc IMF đưa đến nhiều lợi ích nhờ việc đa dạng hóa tư tuy. Bởi không chỉ là một trong số ít các nữ giáo sư được đào tạo ở Harvard, Gita Gopinath còn nổi bật khi mang đến tư duy mới mẻ và khôn ngoan cho những thách thức kinh tế mới… Và các ý tưởng này ngày càng được ủng hộ.

Trong nghiên cứu gần đây, chuyên gia Gopinath đã tập trung vào sự thống trị liên tục của USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Cô nhấn mạnh rằng, 40% thương mại thế giới sử dụng USD trong trao đổi, một khoản tiền cao gấp 4 lần so với tỷ lệ thương mại thế giới của Mỹ.

Nghiên cứu đã giúp giải thích làm thế nào USD tăng cao tạo ra nhiều ảnh hưởng tồi tệ đối với các quốc gia khác. Gopinath đi theo tư duy chính thống trong kết luận cho rằng, thương mại không phải là nguyên nhân chính của bất bình đẳng kinh tế, các thị trường mới nổi đủ khôn ngoan để tránh xa các khoản nợ bằng USD và việc điều phối tài chính toàn cầu là điều cần thiết.

Theo Eswar Prasad, một thành viên cao cấp của Viện Brookings chia sẻ, Gita là một nhà kinh tế tận tâm và giàu kinh nghiệm với các đam mê đủ lớn để thúc đẩy công việc phân tích phức tạp và khó khăn của IMF, theo những hướng đi mới mẻ và thú vị. "Cô ấy là một người kế vị xứng đáng của một loạt các nhà kinh tế học nổi tiếng đã lãnh đạo bộ phận nghiên cứu của IMF", chuyên gia của Brookings nhận xét. "Năng lực của bà ấy sẽ giúp IMF dẫn hướng tốt hơn cho các quốc gia thành viên, đặc biệt là các nước đang phát triển, để xử lý những thách thức kinh tế và xã hội phức tạp hình thành do toàn cầu hóa".

Niềm đam mê với tài chính, kinh tế quốc tế

Gita Gopinath sinh ra và lớn lên ở Kolkata, Ấn Độ năm 1971. Hiện tại cô là công dân Mỹ gốc Ấn.

Kinh tế trưởng Gopinath từng học tại Trường Kinh tế Delhi và Cao đẳng Nữ sinh Sriram của New Delhi trước khi chuyển ra nước ngoài học tập. "Khi tôi đang theo học chương trình cử nhân tại Đại học Delhi, Ấn Độ trải qua cuộc khủng hoảng tiền tệ và tài chính quốc tế đầu tiên trong giai đoạn 1990-1991. Điều này đã truyền cảm hứng cho tôi theo đuổi công việc nghiên cứu về kinh tế sau khi kết thúc chương trình đại học. Đó cũng là nền tảng cho đam mê của tôi đối với tài chính quốc tế", Gopinath nói về tham vọng của bà trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế học.

Gita Gopinath theo học bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Princeton năm 2001. Sau đó, Gopinath làm việc tại Đại học Chicago với tư cách là trợ lý giáo sư, trước khi đến Harvard vào năm 2005 và sau đó trở thành giáo sư nghiên cứu quốc tế và kinh tế tại đây.

Có một thời gian Gita Gopinath làm việc với tư cách là cố vấn kinh tế cho Thủ hiến bang Kerala, Ấn Độ. Bà cũng là chuyên viên tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trụ sở Boston, đồng thời là thành viên của ban cố vấn kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trụ sở New York; cùng lúc là thành viên của Nhóm Cố vấn cao cấp G20 cho Bộ Tài chính Ấn Độ.

Cô là đồng biên tập của tạp chí kinh tế American Economic Review, đồng Giám đốc của Chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế Vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER); đồng biên tập Sổ tay Kinh tế Quốc tế (Handbook of International Economics) cùng với cựu kinh tế trưởng IMF Kenneth Rogoff.

Với hơn 40 bài báo nghiên cứu về nhiều chủ đề như tỷ giá hối đoái, thương mại và đầu tư, khủng hoảng tài chính quốc tế, chính sách tiền tệ, nợ và khủng hoảng tại các thị trường mới nổi, nữ Kinh tế trưởng của IMF tìm lời giải đáp cho những câu hỏi và thách thức hàng đầu mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.

Gita Gopinath có niềm đam mê với tài chính và kinh tế quốc tế. (Nguồn: Fb)
Gita Gopinath và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Twitter)
Cô là người chịu trách nhiệm chính về các phân tích của IMF về sự phát triển và triển vọng nền kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Orissapost)
Nghiên cứu về sự thống trị liên tục của USD của Gita Gopinath đã giúp giải thích làm thế nào USD tăng cao tạo ra nhiều ảnh hưởng tồi tệ đối với các quốc gia khác. (Nguồn: Youtube)
(theo Bloomberg, IMF)