TIN LIÊN QUAN | |
Ấn Độ - Nepal tranh cãi về tuyến đường xây dựng gần biên giới | |
Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương: Cục diện đang dịch chuyển và sự đối lập trong chi tiêu quốc phòng |
Vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc một lần nữa "dậy sóng", gây lo ngại cho quan hệ song phương. (Ảnh minh họa) |
Nhiều nguồn tin cho biết 4 binh sỹ Ấn Độ và khoảng 6-7 binh sỹ Trung Quốc đã bị thương trong vụ đụng độ có sự tham gia của 150 người tại khu vực Naku La, gần đèo Muguthang có độ cao 5.000m so với mực nước biển. Đây là địa điểm khá nhạy cảm vì gần Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) giữa hai nước.
Hãng tin ANI (Ấn Độ) ngày 10/5 dẫn nguồn tin từ quân đội Ấn Độ cho biết binh sỹ hai bên chỉ bị thương nhẹ và cuộc xung đột đã được giải quyết sau một số đối thoại cấp địa phương. Theo ANI, các nguồn tin quân sự cho biết các cuộc xung đột tương tự vẫn thường xuyên xảy ra do vấn đề biên giới chưa được giải quyết.
Tờ Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đưa tin ngắn gọn về vụ việc. Trong khi đó, giới phân tích Trung Quốc nhận định các diễn biến liên quan cho thấy hiệu quả của cơ chế truyền thông song phương được thiết lập sau vụ xung đột Doklam năm 2017.
Tuy nhiên, các chuyên gia nói thêm rằng sự kiện này cũng nhắc nhở cả hai nước cần tìm kiếm một giải pháp tối ưu cho các vấn đề biên giới càng sớm càng tốt.
Bình luận về các diễn biến liên quan, báo Financial Express cho rằng những hành động tương tự của Trung Quốc nhằm vào Ấn Độ trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn đang có chiều hướng phức tạp phản ánh rõ nét thái độ cứng rắn của Bắc Kinh và có nguy cơ gây tổn hại cho mối quan hệ song phương.
Tiến sỹ Raj Kumar Sharma, làm việc tại Khoa Nghiên cứu Chính trị, Đại học Mở Quốc gia Indira Gandhi (IGNOU), New Delhi, bình luận: “Trung Quốc phô trương sức mạnh không chỉ với Ấn Độ mà còn với Mỹ và cả những quốc gia khác phản đối các tuyên bố của Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông.
Đúng như lo ngại của Ấn Độ, Trung Quốc thường kích động một cuộc đụng độ tại biên giới với Ấn Độ mỗi khi quan hệ của New Delhi với Washington và các đối tác khác trong nhóm Bộ Tứ bắt đầu gần gũi hơn”.
Nhà nghiên cứu này cho rằng tâm lý bài Trung trên thế giới đang ở mức cao chưa từng có bởi Trung Quốc không minh bạch về quy mô và bản chất dịch Covid-19 tại Vũ Hán. Ấn Độ không phải ngoại lệ, "người dân Ấn Độ muốn chính phủ phải thận trọng với Trung Quốc.
Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc các cách thức để giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế. Chính phủ cũng đã điều chỉnh chính sách FDI và cảnh giác hơn với Trung Quốc”.
Trong khi đó, Giáo sư Rajesh Rajagopalan, Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), nhận định: “Vẫn còn quá sớm để cho rằng những vụ việc kiểu này sẽ diễn ra thường xuyên hoặc leo thang nghiêm trọng hơn.
Các vụ đụng độ vẫn luôn diễn ra ở nhiều khu vực dọc biên giới, và đó là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi hai bên vẫn còn mâu thuẫn về đường biên giới. Binh sỹ Ấn Độ tuần tra tại khu vực Ấn Độ tuyên bố chủ quyền trong khi quân đội Trung Quốc cũng làm tương tự ở nơi họ cho là của mình…
Điều đó đồng nghĩa với việc hai bên hoàn toàn có thể va chạm và đụng độ nổ ra… song mọi việc thường không vượt quá (giới hạn). Đụng độ thường được giải quyết ở cấp địa phương và hiếm khi leo thang đến mức cần sự can thiệp của chính quyền trung ương”.
Ông Rajagopalan cho rằng việc Trung Quốc gần đây có thái độ đặc biệt hung hăng với nhiều quốc gia láng giềng khiến nhiều người lo ngại nguy cơ diễn biến này sẽ leo thang nghiêm trọng hơn, bởi vậy “chúng ta cần tiếp tục theo sát tình hình để xem chuyện gì sẽ xảy ra”.
Tin liên quan |
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cơn bão xung đột Mỹ-Trung sắp 'gõ cửa' |
Nhà báo Ranjit Kumar, một nhà quan sát các vấn đề Trung Quốc, bình luận: “Nhờ rất nhiều các biện pháp xây dựng lòng tin giữa Ấn Độ và Trung Quốc dọc khu vực LAC dài 4.000km từ Arunachal Pradesh ở phía Đông cho tới Aksai Chin ở phía Tây, vụ đụng độ mới nhất ở vùng Nakula, phía Bắc Sikkim, đã được giải quyết mà không xảy ra đối đầu nghiêm trọng...
Tuy nhiên, các biện pháp xây dựng lòng tin này không nên được xem như bức tường lửa trường tồn để ngăn các diễn biến tương tự leo thang.
Vụ đụng độ gần đây nhất diễn ra ở Sikkim là vào năm 1967 và hai bên không hề dùng đến súng đạn. Điều đó cho thấy cả 2 phía đều đang kiềm chế các tranh chấp về biên giới một cách hòa bình”.
Nhà báo Kumar cho rằng sau những căng thẳng tại Doklam hồi tháng 6/2017 và vụ việc mới xảy ra ở Sikkim, Ấn Độ và Trung Quốc cần ngã ngũ vấn đề biên giới để tránh làm nảy sinh những tính toán sai lầm.
Ông nhấn mạnh: “Hai cường quốc hạt nhân này không nên để các tranh cãi bùng lên thành một cuộc chiến không rõ hồi kết. Hai nền kinh tế hàng đầu và hai quốc gia đông dân nhất thế giới cần thể hiện sự trưởng thành của mình để tiến tới hoàn tất các mâu thuẫn về vấn đề biên giới, từ đó bước vào một giai đoạn hợp tác và xây dựng lòng tin.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn-Trung, lãnh đạo hai nước cần có động thái nghiêm túc nhằm hoàn tất các cuộc thảo luận kéo dài suốt 3 thập kỷ về vấn đề biên giới, mở ra thời đại mới cho quan hệ song phương”.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia phân tích Tiền Phong, thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Thái Hòa và là Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Viện Chiến lược Quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa, bình luận trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng vấn đề biên giới Trung-Ấn là “di sản” của quá khứ và cả hai bên đều có những nhận thức khác nhau về vấn đề này, song lãnh đạo hai nước và các cơ quan có liên quan đều đã thiết lập các cơ chế liên lạc.
Chuyên gia Tiền Phong khẳng định Ấn Độ và Trung Quốc “cần tìm cơ hội để đưa ra giải pháp công bằng và hợp lý đối với vấn đề biên giới càng sớm càng tốt".
Vụ đụng độ năm 2017 tại Doklam giữa Ấn Độ và Trung Quốc kéo dài suốt 72 ngày, gây nên nhiều lo ngại. Hai nước đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm tránh xảy ra các diễn biến tương tự.
Lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc từ đó đến nay đã xúc tiến 2 cuộc gặp không chính thức, nhất trí tiếp tục duy trì hòa bình ở khu vực biên giới, đồng thời thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin bổ sung thông qua tham vấn.
| Chủ tịch Trung Quốc: Sẵn sàng nâng quan hệ với Ấn Độ lên tầm cao mới TGVN. Ngày 1/4, trong bức thư gửi Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ... |
| Ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, Trung Quốc có thể bị Ấn Độ lấp chỗ trống thị trường xuất khẩu TGVN. Ngày 1/3, Liên hiệp các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (Assocham) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang ... |
| Đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ cương quyết hướng về phía Đông TGVN. Trung Quốc ngày càng mở rộng quan hệ với các nước láng giềng sát vách Ấn Độ khiến nước này sẽ phải gia tăng ... |