📞

Gỡ "bom nhân khẩu học" bằng robot?

12:25 | 31/05/2017
Robot có thể giúp ngăn chặn những tác động tiêu cực do già hóa dân số ở Nhật Bản, Đức.

Nhật Bản và Đức có thể đang “ngồi” trên “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học”, do tỷ lệ dân số già bắt đầu kéo chậm lại sự tăng trưởng kinh tế. May thay hai quốc gia này cũng đang dẫn đầu trong cuộc cách mạng robot.

Theo công ty dự báo đầu tư Moody’s, việc tăng tính tự động hóa và sử dụng công nghệ robot trong các nhà máy sản xuất có thể giúp giảm bớt tác động của sự tăng dân số.

Robot Humanoid làm việc trong dây chuyền lắp ráp tại một nhà máy của Glory Ltd., ở Kazo, phía Bắc Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters)

Các nhà phân tích của Moody’s đã viết trong bản báo cáo tháng này rằng: "Trong các hoạt động đòi hỏi sức lao động mà robot có thể thực hiện, chúng sẽ bù đắp cho những tác động tiêu cực mà sự tăng trưởng chậm hơn trong lực lượng lao động (do tỷ lệ dân số già cao) có thể gây ra”.

Theo Moody’s, tỷ lệ dân số sống phụ thuộc (những người trên 65 tuổi) trong tổng dân số dự kiến sẽ ​​tăng lên ở cả Đức và Nhật Bản. Đây cũng là hai nền sản xuất hàng xuất khẩu lớn của thế giới.

Hiện nay, khoảng 3/4 doanh số toàn cầu về robot công nghiệp được tập trung ở 5 quốc gia Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Các robot làm việc chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất ô tô và hàng điện tử.

Trong số 5 nước này, ba nước châu Á đã mua lại một nửa số robot công nghiệp toàn cầu từ năm 2013, với Trung Quốc là nước mua nhiều robot nhất, theo Moody’s.

Vào thời điểm một số chính trị gia đang lên tiếng lo ngại rằng toàn cầu hóa đang làm giảm việc làm trong nước, thì việc sử dụng robot có thể dẫn đến sự “trở lại” của một số công việc đã từng được thuê bên ngoài để hạ thấp chi phí lao động. Tuy nhiên, số lượng việc làm được phục hồi sẽ ít hơn so với số công việc đã mất đi trước đó, Moody's cho biết.

Công ty này cũng dự báo, các quốc gia đang phát triển có thể là những người thua cuộc. Các nước như Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia, nơi xuất khẩu hàng sản xuất công nghệ cao chiếm hơn 50% GDP có thể gặp nguy cơ. Các quốc gia có mức lương thấp như Ấn Độ và Indonesia cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

(theo Bloomberg)