Bạo lực gia đình dù dưới dạng thể chất, tinh thần, kinh tế với bất kỳ thành viên nào đều để lại hậu quả nặng nề về mặt thể xác và tâm lý. (Nguồn: Global Giving) |
Vừa qua, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, một số ý kiến của đại biểu được dư luận quan tâm như “chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, hoặc hay khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi ‘giận cá chém thớt’, giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi làm cho đối tượng bị tác động tâm lý”.
Xét về hậu quả, những hành vi này dù là của nam hay nữ, dù cố ý hay không đều có thể gây tổn thương về tâm lý đối với những thành viên còn lại. Đối chiếu với một số định nghĩa có liên quan thì đây chính là những hành vi bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, dường như các đại biểu đang đề cập nhiều đến bạo lực gia đình trên cơ sở giới mà ít nói đến bạo lực gia đình đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật...
Số liệu trích từ Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020 cho thấy cứ ba phụ nữ thì có gần hai người từng bị ít nhất một hình thức bạo lực hay kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong đời.
Tuy nhiên, con số này chưa chắc đã chính xác, mà trên thực tế có thể cao hơn vì vẫn còn nhiều người cho rằng chỉ những hành vi đánh đập gây tổn hại về mặt thể chất mới là bạo lực.
Có thể nói, bạo lực gia đình dù dưới dạng thể chất, tinh thần, kinh tế với bất kỳ thành viên nào đều để lại hậu quả nặng nề về mặt thể xác và tâm lý. Đau đớn về mặt thể xác có thể điều trị và chữa khỏi trong thời gian ngắn nhưng đau đớn về mặt tinh thần có thể kéo dài đến suốt cuộc đời.
Bên cạnh đó, bạo lực gia đình còn có thể dẫn đến giảm năng suất lao động hay thiệt hại về kinh tế ở cả cấp độ cá nhân, gia đình hay quốc gia. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly thân, ly hôn và con cái không được quan tâm đúng mức.
Nhiều khi, một câu so sánh theo kiểu “con nhà người ta” hay “chồng, vợ nhà người ta” nhưng làm cho người bị so sánh cảm thấy tự ti hay bị tổn thương lâu dài. Hành vi bạo lực kiểu này làm cho nạn nhân cảm thấy mất đi lòng tự trọng hoặc thấy bản thân vô giá trị.
Theo tôi, nguyên nhân gốc rễ của bạo lực gia đình là mất cân bằng về mặt quyền lực giữa các thành viên gia đình và tư tưởng áp đặt của thành viên lên những thành viên khác.
Nhiều khi, một thành viên gia đình có thể sử dụng hành vi bạo lực hay sự áp đặt để thể hiện quyền lực dù biết những lời nói, thái độ hay hành vi bạo lực của mình gây hại cho những người còn lại.
Ở Việt Nam, dù đã có nhiều chính sách, quy định về bình đẳng giới và có nhiều thay đổi về khuôn mẫu, định kiến giới nhờ công tác truyền thông do nhiều bên thực hiện. Tuy nhiên, các phong trào, đề án hay sản phẩm truyền thông vẫn cần được điều chỉnh, vì chúng đã và đang củng cố khuôn mẫu, định kiến về giới.
| Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Xu hướng đổ lỗi khiến nạn nhân bị 'bạo lực kép' Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) cho rằng, xu hướng đổ lỗi ... |
| Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được sửa đổi theo hướng chú trọng nạn nhân Ngày 2/6, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố phía Nam Việt Nam chia sẻ suy nghĩ, đóng góp ý kiến về Luật Phòng, ... |