📞

Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm: Vấn đề đối ngoại trong Hiến pháp

16:11 | 05/03/2013
Trong chiến tranh, để bảo vệ Tổ quốc, vai trò của lực lượng vũ trang chiến đấu trên chiến trường là quyết định; nhưng luôn cần có sự phối hợp của ngoại giao trong việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Trong hoà bình, ngoại giao cũng góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tế ấy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã kế thừa được những nguyên tắc cơ bản hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm chia sẻ.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khẳng định sự nhất quán về đường lối đối ngoại

Thưa ông, là người nhiều năm công tác trong ngành ngoại giao, ông có nhận xét gì về những quy định đối với công tác đối ngoại trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992?

Nguyên UV BCT, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm: Đối ngoại có ba mục tiêu và cũng là ba chức năng chính, đó là: Góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế và góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Qua nghiên cứu, tôi  cho rằng, phần đối ngoại được nêu tập trung trong Điều 12, Chương I, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thể hiện được tư duy đổi mới, thể chế hóa được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và sửa đổi năm 2011), kế thừa được những nguyên tắc cơ bản hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ghi trong Hiến pháp hiện hành, đó là: Hòa bình, hữu nghị hợp tác với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có bổ sung sửa đổi nào về công tác đối ngoại mà ông đánh giá là quan trọng nhất?

Dự thảo đã có bổ sung, sửa đổi quan trọng: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Nếu Hiến pháp hiện hành chỉ nêu: Thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị thì Dự thảo sửa đổi nói rõ là đường lối đối ngoại, tức là tầm vóc lớn hơn chứ không chỉ là một chính sách, đặc biệt nhấn mạnh tính chất độc lập, tự chủ (đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ) phản ánh tính sáng tạo, sự trưởng thành và thế mạnh của Việt Nam. Về thực hiện, nếu Hiến pháp hiện hành chỉ ghi rất đơn giản là "thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị” thì Dự thảo sửa đổi khẳng định thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, tức là thực hiện một cách nghiêm túc trước sau như một.

Tại Điều 12 còn một sửa đổi quan trọng nữa: Nếu như Hiến pháp hiện hành chỉ ghi đoàn kết hữu nghị và quan hệ hợp tác với một số đối tượng nhất định, thì Dự thảo lần này nhấn mạnh "là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Điều này vừa mang tính tổng kết hoạt động đối ngoại giai đoạn đã qua, vừa định hướng cho hoạt động đối ngoại của những giai đoạn tới; vừa nói lên tính chất của quan hệ hữu nghị, hợp tác; vừa nói lên phạm vi rộng lớn của mối quan hệ đó. Để làm rõ ý nghĩa của mệnh đề này, tôi xin cung cấp một số thông tin thế này: Khi ta bắt đầu công cuộc đổi mới, trong hoạt động đối ngoại đã đề ra yêu cầu: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển để nói lên thiện ý và lòng mong muốn chân thành của ta xây dựng quan hệ với các nước. Sau một thời gian dài mở rộng quan hệ với một loạt nước và ngày càng có nhiều nước hoan nghênh đường lối đối ngoại của ta, muốn có quan hệ với ta, ta đã chuyển từ muốn sang sẵn sàng (Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước...); tiếp đó ta mở rộng và tăng cường quan hệ với ngày càng nhiều nước (đến nay ta đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước, trong tổng số 192 nước thành viên LHQ, quan hệ thương mại với trên 200 nước, quan hệ đầu tư với hơn 80 nước...). Hợp tác không chỉ với các quốc gia mà cả với các vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế (như được nêu ở Điều 55 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nói về phát triển kinh tế đối ngoại). Ta hội nhập khu vực (gia nhập ASEAN), tham gia các tổ chức liên khu vực như APEC, ASEM và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, tức hội kinh tế ở cấp độ toàn cầu, quan hệ hợp tác ngày càng rộng và có hiệu quả, ta lại làm đầy đủ trách nhiệm đối với các tổ chức khu vực và quốc tế mà ta tham gia, được các đối tác đánh giá cao nên đã có thể khẳng định "ta là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Chính điều đó đã làm tăng lòng tin, sự tin cậy của các nước đối với ta, nâng cao uy tín của ta trên quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho ta hòa nhập quốc tế.

Thưa, nói như ông, vậy thì những vấn đề của đối ngoại được nêu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là đã hoàn chỉnh?

- Tuy đánh giá cao những bổ sung, sửa đổi rất quan trọng trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, nhưng để cho đường lối đối ngoại được hoàn hảo hơn, tôi thấy cần phải bổ sung thêm hai điểm: "Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế”, "tích cực và chủ động hội nhập quốc tế”. Tại Điều 12 thêm: "Đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ”. Ngay sau đoạn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và trước chữ hòa bình, hữu nghị... Cụ thể là "...thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển...”. Cần bổ sung điểm này vì hợp tác giữa nước ta với các nước ngày càng nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành; không chỉ đơn thuần là hợp tác về kinh tế thương mại mà cả về văn hóa, xã hội, quân sự, an ninh...; không chỉ hợp tác về ngành, về lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp, giao thông...) mà cả về từng vấn đề trong đó có cả những vấn đề rất lớn mang tính chất toàn cầu như vấn đề biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh lương thực... rất đa dạng, do đó ngày nay hầu như ngành nào, cơ quan nào cũng có hoạt động đối ngoại. Còn đa phương hóa quan hệ là ta sẵn sàng có quan hệ ngoại giao và quan hệ hợp tác với bất cứ nước nào, ở bất kỳ châu lục nào trên quả địa cầu này. Vừa qua, tình hình quan hệ hữu nghị hợp tác giữa ta và bạn bè đã diễn ra như vậy và trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục như vậy.

Một điều nữa cần bổ sung là "tích cực, chủ động hội nhập quốc tế”, điểm này nên  đưa vào ngay trước đoạn "là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm”. Cụ  thể là: "...bình đẳng và các bên cùng có  lợi; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế...”. Trong tình hình quốc tế hiện nay, xu thế toàn cầu hóa đang phát triển, tạo ra xu thế hội nhập. Các nước dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo đều phải hợp tác với nhau, hội nhập với nhau, do đó đều tùy thuộc vào nhau, không nước nào sống biệt lập mà phát triển được. Xu thế này đang tiếp tục phát triển. Nước ta trong những năm 90 của thế kỷ trước và thập kỷ đầu của thế kỷ 21 thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế từ khu vực đến liên khu vực, liên châu lục đến toàn cầu (WTO) đạt nhiều kết quả nên tiếp đó ta chủ trương tích cực và chủ động hội nhập toàn diện (cả chính trị, văn hóa, xã hội). Quá trình này đang tiếp diễn nên cần được hiến định.

Quốc phòng- an ninh-đối ngoại: Ba binh chủng hợp thành để bảo vệ Tổ quốc

Mở đầu cuộc trao đổi, ông có nói đến chức năng của đối ngoại là góp phần thực hiện (hay phục vụ) hai nhiệm vụ chiến lược; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thông qua quan hệ hợp tác góp phần xây dựng đất nước thì đã rõ. Ông có thể cho biết thêm về chức năng bảo vệ Tổ quốc không, thưa ông?

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có hẳn một chương "Bảo vệ Tổ quốc” là rất đúng. Nhưng trong bốn điều của chương này mới chỉ đề cập đến vai trò của quốc phòng và an ninh, không nói gì đến vai trò của đối ngoại. Việc cụ thể hóa vai trò và những việc mà hai lĩnh vực này cần làm, kể cả việc khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân đều rất đúng. Nhưng không nói đến vai trò đối ngoại (bao gồm cả ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhân dân) là một thiếu sót.

Đáng lẽ khi mở đầu Chương "Bảo vệ Tổ quốc” cần phải ghi một câu: Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại để bảo vệ Tổ quốc (hoặc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia) và thêm ít nhất một điều về yêu cầu xây dựng đội ngũ làm công tác đối ngoại.

Trong mọi giai đoạn lịch sử của đất nước đều thể hiện sự phối hợp giữa ba mặt trận: Quân sự, chính trị và đối ngoại, như "binh chủng hợp thành” tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành và giữ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Ở từng giai đoạn đều có một mặt trận giữ vai trò chính, hai mặt trận kia phối hợp.

Chúng ta hãy nhớ lại, ngay sau khi cách mạng thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập còn trong trứng nước, thù trong, giặc ngoài ra sức chống phá, trong lúc lực lượng vũ trang của ta còn non yếu, trang bị còn thô sơ, nền an ninh mới xây dựng, nếu không có phương cách ngoại giao khéo léo của Bác Hồ thì làm sao giữ được độc lập và từng bước ngoại giao tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng, chuẩn bị điều kiện để đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ nền độc lập đã giành được. Cũng bằng biện pháp ngoại giao ta đã đẩy được quân Tưởng Giới Thạch về nước, kéo theo bè lũ tay sai Việt Quốc, Việt Cách, làm thất bại âm mưu "diệt Cộng cầm Hồ” của chúng khi vào Việt Nam tước vũ khí quân Nhật, để tập trung đối phó với một kẻ thù là thực dân Pháp.

Ngay bây giờ đây, khi chủ quyền của chúng ta về Hoàng Sa và Trường Sa bị đe dọa, ta đấu tranh bằng ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế cùng với việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Việc củng cố tăng cường, hiện đại hóa nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là sự phối hợp cần thiết, hỗ trợ thiết thực cho hoạt động ngoại giao, đồng thời đề phòng khi bất trắc.

Ngay trong thời kỳ chiến tranh, để bảo vệ Tổ quốc, chiến đấu trên chiến trường là quyết định, vai trò của quân đội, của lực lượng vũ trang là chính, nhưng luôn có sự phối hợp của ngoại giao trong việc tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, kể cả của nhân dân chính nước đến xâm lược nước ta. Chiến thuật vừa đánh vừa đàm là một sự kết hợp khéo léo giữa chiến trường và bàn đàm phán, giữa quân sự và ngoại giao.

Nếu giữ nguyên nội dung như Dự thảo và không thêm vai trò đối ngoại, thì tốt nhất là đổi mục đề của chương này thành: Bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tức thể chế hóa, hiến định hóa phương hướng thứ tư trong tám phương hướng lớn cần ra sức thực hiện nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, sửa đổi năm 2011). Song, nếu như vậy cũng chưa tốt vì không nêu bật được vấn đề bảo vệ Tổ quốc trong Hiến pháp và trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ thiếu hẳn vai trò của đối ngoại. Do đó, tôi đề nghị bổ sung, sửa đổi như đã trình bày ở trên.

Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Theo Đại đoàn kết