📞

Góp ý xây dựng danh mục nhân vật tiêu biểu trong lĩnh vực báo chí, truyền thông

Ngọc Anh 12:15 | 11/06/2020
TGVN. Ngày 10/6, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng danh mục nhân vật truyền thông”.
Toàn cảnh Hội thảo ngày 10/6. (Ảnh: Sơn Hải)

Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).

“Hội Nhà báo Việt Nam là ngôi nhà chung của báo giới Việt Nam và qua 70 năm hoạt động đã có một đội ngũ đông đảo để giới thiệu đưa vào Quốc chí. Thông qua Hội thảo, các nhà báo, các nhà khoa học trao đổi, giới thiệu những nhân vật - nhà báo có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực báo chí - truyền thông của cả nước, phục vụ việc lập danh sách xây dựng mục nhân vật truyền thông cho Bộ Quốc chí và cơ sở dữ liệu quốc gia lĩnh vực truyền thông”, ông Hồ Quang Lợi khẳng định.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận kỹ các tiêu chí, điều kiện và có sự thẩm định thận trọng, nghiêm túc, khoa học, đảm bảo tính Đảng, tính lịch sử, chân thực, khách quan, phản ánh đúng sự đóng góp của các nhà báo được giới thiệu với báo chí Việt Nam, phù hợp với các tiêu chí xây dựng Bộ Quốc chí và cơ sở dữ liệu Quốc gia.

Tiêu chí lựa chọn nhân vật báo chí truyền thông tiêu biểu các giai đoạn: 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-1986… đã được các nhà báo, các nhà khoa học nêu ra tại hội thảo, đồng thời đề xuất danh mục các nhân vật báo chí, truyền thông tiêu biểu theo từng giai đoạn.

Ở giai đoạn 1930-1945, TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, để lựa chọn các nhân vật báo chí, truyền thông tiêu biểu giai đoạn này cần đa dạng trong các khuynh hướng báo chí và dựa trên các tiêu chí cụ thể như là các nhà báo sáng lập các tờ báo tiêu biểu, ghi dấu ấn trong lịch sử báo chí, truyền thông Việt Nam; là các nhà báo có các tác phẩm báo chí tiêu biểu và là các nhà báo, nhà truyền thông có uy tín nghề nghiệp, được khẳng định bởi độc giả và những người cùng giới, không chỉ là các nhà báo mà cả nhà in, chủ nhiệm báo, các nhóm báo tiêu biểu…

Với giai đoạn 1945-1954, TS. Nguyễn Cẩm Ngọc (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) cho biết, các nhân vật báo chí, truyền thông tiêu biểu giai đoạn này cần đạt được những thành tựu xuất sắc, nổi trội và để lại dấu ấn cá nhân sâu đậm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Bên cạnh đó, phải nắm giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong hệ thống báo chí hoặc vị trí chuyên gia hàng đầu, tiên phong lĩnh vực chuyên ngành. Đồng thời được vinh danh bằng các hình thức như: tác phẩm báo chí giảng dạy trong nhà trường, được đặt tên cho các đường phố, được trao tặng các giải thưởng lớn, các huân huy chương cao quý của Đảng và Nhà nước hoặc các tổ chưc nghề nghiệp uy tín trong nước và quốc tế.

Ở giai đoạn 1954-1975, PGS.TS Phạm Thị Thanh Tịnh đề xuất, để có thể lựa chọn các nhân vật báo chí cho giai đoạn này cần dựa trên các tiêu chí về những đóng góp của họ trong các giai đoạn phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo đó, nhân vật tiêu biểu phải là người có đóng góp cho báo chí cách mạng hoạt động trong điều kiện mới; có những đóng góp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng thời phải có những đóng góp quan trọng trong việc thành lập cơ quan báo chí, loại hình báo chí mới cho đến nay vẫn phát triển mạnh mẽ.

Ở giai đoạn 1975-1986, TS. Nguyễn Thùy Vân Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, tiêu chí để lựa chọn và đánh giá nhà báo tiêu biểu, ngoài các tiêu chí chung về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thành tích nghề nghiệp còn phải là những nhà báo tiêu biểu thực hiện vai trò của báo chí, tài năng và cống hiến trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Tại Hội thảo, các nhà báo, các nhà khoa học cũng đã trao đổi, giới thiệu những nhân vật-nhà báo có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực báo chí - truyền thông của cả nước, phục vụ trong việc lập danh sách và xây dựng mục nhân vật truyền thông cho Bộ Quốc chí và cơ sở dữ liệu quốc gia lĩnh vực truyền thông.

Những đề xuất, đóng góp của các đại biểu đã được Ban biên soạn tổng hợp, ghi nhận để lựa chọn những nhân vật cho Bộ Địa chí quốc gia về lĩnh vực truyền thông.