Ở tuổi 84, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng vẫn miệt mài làm việc. (Ảnh: NVCC) |
Là một người gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học, điều gì khiến ông mãn nguyện nhất cho đến bây giờ?
Tôi rất vui khi thấy các lớp sinh viên mà tôi góp phần đào tạo nói chung đều thành đạt. Rất nhiều bạn trở thành Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ và có mặt trên mọi lĩnh vực khoa học, kinh tế của đất nước.
Hai con của tôi đều trưởng thành và có đóng góp xứng đáng với xã hội. Các cháu nội ngoại đều chăm học, ngoan ngoãn và khỏe mạnh.
Tôi đã viết được hơn 40 cuốn sách, trong đó có bộ giáo trình (biên soạn cùng các đồng nghiệp) được sử dụng chung cho các trường đại học. Tôi và vợ tôi đều trải qua căn bệnh ung thư hiểm nghèo, nhưng nhờ tiến bộ của nền y học nước nhà nên đều vượt qua tai họa để có lại sức khỏe bình thường.
Tôi đã 84 tuổi rồi, cố gắng hiện nay là mong hoàn thành bản thảo cuốn từ điển Công nghệ sinh học Anh - Việt, góp phần cho sự nghiệp phát triển ngành khoa học này ở nước ta.
Ông có thể chia sẻ về quan điểm giáo dục con cháu trong gia đình?
Vợ chồng tôi quan niệm, dạy con vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm. Điều chúng tôi mong mỏi nhất ở hai con là lòng hiếu thảo, nên mới đặt tên hai con như vậy.
Tôi noi gương cha mẹ để giáo dục con cháu. Trước hết, cần làm gương trước con cháu về tư cách, đạo đức và sự lao động của bản thân cha mẹ.
Chúng tôi đều chịu khó tự học ngoại ngữ để có thể tiếp thu kiến thức từ sách báo nước ngoài và thuận lợi cho các đợt bồi dưỡng tại nước ngoài. Chúng tôi thường xuyên tự bồi dưỡng qua sách vở để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Sự gương mẫu của bố mẹ có tác dụng rất lớn với con cái.
"Một hạnh phúc khó quên là lần vợ chồng tôi qua Mỹ dự buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của con gái. Cháu học cùng chuyên ngành với tôi mà luận án của cháu có nhiều chỗ tôi không hiểu nổi. Con tổng hợp được một chất chưa từng có trong tự nhiên. Sau đó, tôi hỏi thầy của con là chất đó dùng để làm gì, thầy bảo, đó lại là nhiệm vụ của một luận án khác. Đúng là con hơn cha là nhà có phúc”. |
Hai là, thực sự quan tâm đến từng bước đi của con cháu, làm bạn, động viên nhắc nhở con cháu về những điều hay lẽ phải, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con cháu về học hành, vui chơi.
Tuyệt đối không đánh con cháu, không mắng, nặng lời, kịp thời động viên trước mỗi thành công dù nhỏ của con cháu. Cố gắng để các con, các cháu có cuộc sống vật chất không quá khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
Chúng tôi mua các sách báo phù hợp để các con tự bồi dưỡng thêm trí thức và tình cảm, quan tâm đến việc chọn bạn của các con. Cả hai con đều có những người bạn rất thân từ thời học tiểu học.
Chúng tôi xây dựng tủ sách gia đình với đủ các sách công cụ như từ điển, sách tra cứu, sách khoa học chuyên ngành, sách văn hóa, nghệ thuật, nữ công, gia chánh. Các tường trong nhà đều là giá sách và đó là tài sản rất có ích cho mọi thành viên của gia đình.
Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở các cháu về lòng kính trọng thầy cô và thường xuyên giữ mối quan hệ với thầy cô. Con cháu là niềm vui lớn nhất trong cuộc sống. Không gì hạnh phúc bằng việc con cháu khỏe mạnh, trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng bên cháu gái. (Ảnh: FB Nguyễn Lân Hiếu) |
Là một gia đình có truyền thống hiếu học, các con của Giáo sư đều thành đạt, giỏi giang, có kỷ niệm nào mà GS nhớ mãi trong giáo dục con?
Tôi rất vui khi thấy hai con và bốn cháu nội ngoại đều học tốt. Con trai là PGS.TS. Đại biểu Quốc hội, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội; con gái là TS, Giảng viên ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Bốn cháu đều đang đi học và có kết quả học tập tốt, cháu nội mới đỗ vào Đại học Harvard.
Nhớ lại, hồi vợ tôi mang thai Lân Hiếu khi mới 1 tháng mà đã xung phong đi chiến trường Quảng Trị. Trước đó, tôi đã có dịp trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào nên thấu hiểu thế nào là chiến trường.
Tôi rất lo lắng cho vợ và đứa con trong bụng mẹ. Thật may mắn là mọi nguy hiểm đã qua, Lân Hiếu ra đời khỏe mạnh. Gần đây, vợ tôi được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
"Tôi noi gương cha mẹ để giáo dục con cháu. Trước hết, cần làm gương trước con cháu về tư cách, đạo đức và sự lao động của bản thân cha mẹ. Chúng tôi đều chịu khó tự học ngoại ngữ để có thể tiếp thu kiến thức từ sách báo nước ngoài; thường xuyên tự bồi dưỡng qua sách vở để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Sự gương mẫu của bố mẹ có tác dụng rất lớn với con cái". |
Một hạnh phúc khó quên là lần vợ chồng tôi qua Mỹ dự buổi bảo vệ luận án Tiến sĩ của con gái. Con học cùng chuyên ngành với tôi mà luận án của con có nhiều chỗ tôi không hiểu nổi.
Con tổng hợp được một chất chưa từng có trong tự nhiên. Sau đó, tôi hỏi thầy của con là chất đó dùng để làm gì, thầy bảo, đó lại là nhiệm vụ của một luận án khác. Đúng là “con hơn cha là nhà có phúc”.
Có khi nào GS định hướng con đường sự nghiệp, hay chọn nghề cho con cháu?
Vợ chồng tôi đều tôn trọng việc lựa chọn nghề của các con. Tôi nhớ Lân Hiếu đã thi đỗ cả ba trường đại học, con tự chọn ngành y vì thấy bà nội, bà ngoại đều rất đau đớn bởi các căn bệnh hiểm nghèo.
Nữ Thảo theo ngành Sinh học của bố vì nhiều lần đến thăm phòng thí nghiệm của bố thấy việc nghiên cứu vi sinh vật học cũng rất thú vị. Tôi tôn trọng quyết định của các con và không can thiệp. Tất nhiên, con trai theo ngành của mẹ, con gái theo ngành của bố cũng rất thuận lợi cho việc học tập của các con.
"Chọn nghề là quyết định quan trọng của cả cuộc đời, không thể chỉ nghe theo cha mẹ để sau này dễ xin việc làm do ảnh hưởng của cha mẹ. Cha mẹ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành của các con, nhưng cần tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của con cái". |
Thảo học Tiến sĩ ở Mỹ và sau này đi thực tập tại Nhật. Khi học phổ thông, Thảo từng có huy chương của một cuộc thi Olympic Quốc tế.
Lân Hiếu hai lần đi thực tập về tim mạch tại Pháp và sau này còn đi làm việc tại nhiều nước khác. Hiếu là học sinh khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm, cùng lớp với Ngô Bảo Châu.
Tám anh chị em chúng tôi cũng tự định hướng nghề nghiệp, cha mẹ tôi trước đây đã không hề can thiệp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cha mẹ nên chúng tôi đều chọn nghề làm thầy, thầy giáo và thầy thuốc.
Hiện nay, được biết GS vẫn tham gia nói chuyện với học sinh ở các trường, GS nhận định như thế nào về lớp trẻ hiện nay?
Trước khi phải giãn cách để phòng chống dịch, hầu như tuần nào tôi cũng được mời đi nói chuyện cho học sinh các trường phổ thông. Tôi nói về một chuyên đề khá khó là khởi nghiệp trong thời đại cách mạng Công nghiệp 4.0.
Vậy mà, tôi và các thầy cô đều rất ngạc nhiên khi thấy các em học sinh chăm chú lắng nghe trong suốt mấy giờ liền, kể cả khi trời nắng gắt hay có mưa nhỏ.
Thế hệ trẻ hiện nay thật đáng yêu, các em biết giữ kỷ luật và có lòng ham thích khoa học. Ngoài chuyên đề này, tôi còn chuẩn bị chuyên đề Học tập gương sáng về đạo đức của Bác Hồ để mong sau khi hết giãn cách có thể tiếp tục đi nói chuyện cho cả học sinh trung học cơ sở.
Phụ huynh vẫn còn lúng túng trong việc hướng nghiệp cho con, ông có lời khuyên gì từ kinh nghiệm trong gia đình mình?
Các vị phụ huynh hãy tôn trọng quyết định của con em mình. Chúng sẽ tự chịu trách nhiệm về việc chọn nghề. Tất nhiên, cần có những lời khuyên nhưng đừng quyết định thay cho con cái. Sau này, khi thấy không thích hợp, chúng sẽ oán trách bố mẹ.
Chọn nghề là quyết định quan trọng của cả cuộc đời, không thể chỉ nghe theo cha mẹ để sau này dễ xin việc làm do ảnh hưởng của cha mẹ. Cha mẹ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành của các con, nhưng cần tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của con cái.
Xin cảm ơn GS!