GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng. (Ảnh: NVCC) |
Thưa GS. Nguyễn Lân Dũng, cuộc CMCN 4.0 mở ra những cơ hội nhưng cũng mang đến thách thức gì cho thế hệ trẻ Việt Nam?
Cuộc CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho mọi người, nhất là với thế hệ trẻ. Điện toán đám mây, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn... tưởng xa lạ nhưng thật ra liên quan trực tiếp đến từng bạn trẻ, chẳng hạn, gửi ảnh chụp từ điện thoại thông minh, danh bạ điện thoại… đều được ghi nhớ trên đám mây.
Nhà nước đang phấn đấu có Chính phủ điện tử; nhiều doanh nghiệp đang phấn đấu có trang trại thông minh, phân xưởng thông minh; ngành bưu chính viễn thông đang phấn đấu phủ sóng 5G; các bệnh viện đang phấn đấu khám bệnh trực tuyến giúp các bệnh viện tuyến dưới; những chiếc máy in 3D đầu tiên đã dần dần xuất hiện…
Tất cả đang từng bước tiếp cận với cuộc CMCN 4.0. Thanh niên là thế hệ nhạy cảm nhất, trẻ trung nhất của xã hội nên không thể đứng ngoài cuộc cách mạng quan trọng này. Mọi thanh niên phải phấn đấu trong học tập ngoại ngữ, học tập chuyên môn, nghiệp vụ để không trở thành những người xa lạ với CMCN 4.0.
Trong tương lai, khi robot thay thế công việc của con người, nhiều lao động ở một số ngành nghề có thể đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Vậy các bạn trẻ cần phải trang bị cho mình những kỹ năng gì, thưa Giáo sư?
Thanh niên nông thôn nhiều địa phương đang tìm thấy lối thoát khỏi sự nghèo khổ sau lũy tre làng bằng việc lập nghiệp tại các công ty, phần lớn là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp đó ở Việt Nam đang hoạt động trong các lĩnh vực nào? Có lẽ 3 lĩnh vực thu hút nhiều công nhân nhất là may mặc, giày da và lắp ráp điện tử. Đáng tiếc cả 3 lĩnh vực này đều dễ dàng thay thế lao động bằng robot.
Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp may mặc đã nhập robot về và họ đang dần giảm số lượng công nhân lao động. Với hàng mỹ nghệ cũng đã có xí nghiệp thay thế công nhân bằng robot. Xu thế này ngày càng tăng lên, đồng nghĩa với việc thay thế sức lao động của công nhân.
Ngoài ra, việc nhiều công nhân ở độ tuổi 35-40 bị doanh nghiệp sa thải nhằm tránh việc trả lương cao và tránh đóng các khoản phí bảo hiểm nhiều hơn so với lao động trẻ tuyển mới đang gây bức xúc dư luận.
Bởi sau tuổi này tìm việc vô cùng khó nếu không có một tay nghề đủ thuyết phục. Ngoài ra, còn có trên 200 nghìn sinh viên đã ra trường hiện còn đang loay hoay vì không tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Vậy theo ông, thanh niên của thời đại 4.0 muốn không bị robot thay thế cần phải thay đổi ra sao để có thể “cất cánh”?
Không phải ngành nghề nào cũng dễ bị robot thay thế. Người ta nói tương lai không có nghề lái xe vì xe tự hành không cần đào tạo người lái. Chuyện ấy đã xảy ra ở vài thành phố trên thế giới nhưng với tình trạng đường xá và giao thông như ở nước ta thì còn là viễn cảnh xa xôi.
Còn rất nhiều ngành nghề đang cần lao động trẻ. Nhưng ở thời đại 4.0, doanh nghiệp nào cũng muốn lựa chọn những lao động dễ tiếp thu với các đổi mới công nghệ. Do vậy, đòi hỏi thanh niên trước hết phải có văn hóa, tối thiểu phải tốt nghiệp trung học phổ thông, có sức khỏe, tốt nhất là biết một ngoại ngữ.
Tôi nghĩ, con đường lập nghiệp với các bạn trẻ có nghị lực có lẽ thích hợp nhất là tự khởi nghiệp. Có rất nhiều tấm gương tự khởi nghiệp thành công ở mọi địa phương trong cả nước.
Chàng trai Đường Anh Dũng chính là một tấm gương của ý chí vượt qua mọi trở ngại. |
Trở thành một doanh nhân thành đạt ở tuổi 25, chàng trai Đường Anh Dũng chính là một tấm gương của ý chí vượt qua mọi trở ngại, là minh chứng cho sức trẻ luôn thôi thúc tiến về phía trước sẵn sàng chinh phục những nấc thang cao nhất.
Hiện tại, với nỗ lực bản thân và cố gắng của cả tập thể nhân viên Đường Gia Group, Anh Dũng đang dẫn dắt đội nhóm nhân viên với 20 người, tạo ra thu nhập gần 120 triệu đồng/tháng. Anh cũng đang là Giám đốc dự án Alibaba English Nghệ An.
Trên các trang mạng xã hội những điển hình thành đạt như vậy hầu như nơi nào cũng có. Trên trận địa nông nghiệp cũng đã xuất hiện không ít ông "Vua", nào là "Vua nấm", "Vua bơ", "Vua cá giòn", "Vua vịt trời", "Vua yến sào"… Họ đã trở thành tỷ phú ngay trên mảnh đất quê hương. Họ không chỉ trở nên giàu có mà còn lôi kéo nhiều bạn trẻ khác cùng làm giàu theo họ.
Trịnh Xuân Mười ở Đăk Lăk là một ví dụ. Là con thứ 10 của một gia đình bần nông ở Diễn Châu, Nghệ An, Mười đã tìm đường lập nghiệp tại Đăk Lăk từ sau khi học xong lớp 6. Mười là người đã dày công nghiên cứu về cây bơ và có sáng kiến dùng cây bơ để che bóng cho cà phê thay cho cây muồng. Mười đã gây tạo được nhiều giống bơ quý và chính tôi là người đã đưa Mười sang Australia để du nhập về giống bơ Australia đủ phẩm chất để xuất khẩu.
Và giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các bạn trẻ hội nhập quốc tế thành công, trở thành công dân toàn cầu?
Một hướng đi mới đang mở ra tương lai cho các bạn trẻ muốn lập nghiệp trong thời đại CMCN 4.0 là phấn đấu trở thành công dân toàn cầu. Chính phủ ta đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do quan trọng. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Những hiệp định này cho thấy thanh niên Việt Nam có thể tham gia lao động, học nghề hay làm việc trên một không gian rộng lớn của thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tuyển chọn và đưa vào đào tạo tiếng Nhật cho 8 khóa điều dưỡng, hộ lý với tổng số 1.670 ứng viên. Trong đó, có 1.340 ứng viên của 7 khóa đã được đưa sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản.
Qua các đợt thi chứng chỉ điều dưỡng quốc gia Nhật Bản, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các điều dưỡng viên, hộ lý của các nước khác, với tỉ lệ thi đạt chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản rất cao (37% với ứng viên điều dưỡng và 91% cho ứng viên hộ lý), trong khi ứng viên các nước khác chỉ đạt khoảng hơn 10% đối với điều dưỡng và trên 30% đối với hộ lý.
Vậy muốn trở thành công dân toàn cầu để không chỉ có việc làm, có thu nhập cao mà còn là cơ hội để nâng cao tay nghề, nâng cao văn hóa, ngoại ngữ thì ít nhất phải khỏe mạnh, có ý thức làm việc nghiêm túc.
Nếu bạn trẻ biết ngoại ngữ, biết thêm công nghệ thông tin thì càng thuận lợi. Con số không dừng lại hàng nghìn người mà có thể là hàng vạn người hay nhiều hơn nữa, vì môi trường hợp tác rất rộng lớn.
Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ từ chính thực tế giáo dục trong gia đình mình?
Thanh niên chính là những chủ nhân của đất nước, tôi mong các em tiếp cận công nghệ mới và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Kinh nghiệm của bản thân tôi là muốn con cái thành đạt điều quan trọng nhất là ngay từ nhỏ phải bồi dưỡng động lực cho các con. Bản thân cha mẹ, ông bà phải là tấm gương về đạo đức và nghị lực cho các con, cháu mình.
Hai con tôi - cháu Hiếu và cháu Thảo đều tự chọn ngành nghề, tự phấn đấu để có học bổng đi đào tạo ở nước ngoài và có tinh thần học hỏi không ngừng để có sự nghiệp cho riêng mình. Hiện cháu Hiếu là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, cháu Thảo là giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!