GS. Nguyễn Thanh Liêm nêu quan điểm, nhận thức của cộng đồng về trầm cảm ở trẻ còn khá hạn chế vì vậy việc nhận biết, hỗ trợ và phòng ngừa các hậu quả đáng tiếc xảy ra vẫn còn nhiều bất cập. |
Hiện nay, thực trạng trẻ bị trầm cảm khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng. Ông có cảnh báo gì về thực trạng này?
Trầm cảm là vấn đề nghiêm trọng trong sức khỏe tâm thần toàn cầu. Theo nhiều nghiên cứu, tỉ lệ trầm cảm ở trẻ em và trẻ tuổi vị thành niên từ 2,6–19,4%. Trong số này có khoảng từ 15–25% có ý nghĩ tự tử và 1,3% đến 3,8% đã có hành vi tự tử.
Ở Việt Nam, chúng ta chưa có nhiều nghiên cứu về trầm cảm ở trẻ em và tuổi học sinh. Nhưng với xã hội đang phát triển gần với mô hình các nước phát triển, có lẽ tỉ lệ trầm cảm ở Việt Nam cũng không khác nhiều.
Đặc biệt, một số nghiên cứu cho thấy, trong thời gian bị cách ly do Covid-19, tỉ lệ trầm cảm ở trẻ em tuổi học đường đã tăng lên đáng kể.
"Nhiều gia đình ăn cơm xong là con về phòng riêng, đóng cửa cách biệt với bên ngoài. Mọi sinh hoạt của trẻ chỉ bó hẹp trong căn phòng. Giao tiếp trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình giảm dần". |
Trầm cảm gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến kết quả học tập, thậm chí nhiều trẻ không còn khả năng học tập, mất tương tác xã hội, lạm dụng thuốc, có ý nghĩ tự sát, có hành vi tự tử hoặc thậm chí đã tự tử.
Rất tiếc, nhận thức của cộng đồng còn khá hạn chế, vì vậy việc nhận biết, hỗ trợ và phòng ngừa các hậu quả đáng tiếc xảy ra vẫn còn nhiều bất cập.
Gần đây, nhiều trẻ em tự tử do có các áp lực khác nhau. Tuy nhiên, dường như các bậc phụ huynh vẫn không nhận biết được các rối loạn sức khỏe tâm thần của con. Ông có lời khuyên gì về vấn đề này?
Có nhiều lý do khiến các bậc phụ huynh không nhận biết sớm các biểu hiện trầm cảm của con. Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh khiến bố mẹ dành ít thời gian hơn cho con cái. Mô hình và kiểu sống thay đổi khiến bố mẹ ít có thời gian hơn để truyện trò, trao đổi, tâm sự với con cái.
Nhiều gia đình ăn cơm xong là con về phòng riêng, đóng cửa cách biệt với bên ngoài. Mọi sinh hoạt của trẻ chỉ bó hẹp trong căn phòng. Giao tiếp giữa trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình giảm dần.
Để ngăn ngừa các hậu quả đáng tiếc, các bậc phụ huynh cần học cách phát hiện các biểu hiện sớm nhất của tự kỷ. Biểu hiện của trầm cảm khá đa dạng:
Cảm giác buồn chán, trống rỗng hoặc tuyệt vọng. Không thích tiếp xúc tương tác với bạn bè, người thân. Có các cơn cáu giận bột phát, bứt rứt, bồn chồn đôi khi chỉ vì những việc nhỏ nhặt.
"Mô hình bệnh tật ở nước ta đang thay đổi, tiến dần đến mô hình bệnh tật của các nước đã phát triển. Chúng ta từ tập trung vào các bệnh nhiễm trùng sang các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, trong các bệnh không lây nhiễm, chúng ta mới chỉ chú ý đến ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch... mà chưa chú ý đúng mức đến lĩnh vực sức khỏe tâm thần". |
Mất hết hứng thú với những hoạt động hàng ngày như âm nhạc, thể thao, phim ảnh...
Rối loạn giấc ngủ: ngủ quá nhiều hoặc khó ngủ;
Mệt mỏi, thiếu năng lượng, không muốn hoạt động, không muốn làm việc;
Không có cảm giác thèm ăn dẫn đến sút cân hoặc ngược lại ăn quá nhiều dẫn đến tăng cân;
Lo âu, bứt rứt, suy nghĩ, nói năng hoặc vận động chậm chạp; cảm giác bất lực, vô dụng, xấu hổ gắn với những thất bại trong quá khứ;
Rối loạn về suy nghĩ, tập trung, ra quyết định hoặc trí nhớ;
Thường xuyên ám ảnh bởi ý nghĩ tự tử hoặc đã có hành vi tự tử; Có những vấn đề về sức khỏe nhưng không giải thích được như đau đầu, đau lưng.
Để phát hiện sớm, hàng ngày bố mẹ cần dành nhiều thời gian với con hơn, quan sát theo dõi diễn biến tâm lý của trẻ. Nếu thấy con có một vài biểu hiện trên cần tư vấn các chuyên gia tâm lý hoặc các bác sĩ tâm thần ngay để được tư vấn hoặc dùng thuốc nếu cần.
Để phát hiện sớm những dấu hiệu trầm cảm ở con, cha mẹ cần dành nhiều thời gian với con hơn, quan sát theo dõi diễn biến tâm lý của trẻ. (Ảnh minh họa) |
Tâm lý lâm sàng và đào tạo các chuyên gia tâm lý lâm sàng đang là một khoảng trống lớn ở Việt Nam. Vậy theo ông cần lấp đầy khoảng trống này thế nào?
Mô hình bệnh tật ở nước ta đang thay đổi, tiến dần đến mô hình bệnh tật của các nước đã phát triển. Chúng ta từ tập trung vào các bệnh nhiễm trùng sang các bệnh không lây nhiễm. Tuy nhiên, trong các bệnh không lây nhiễm, chúng ta mới chỉ chú ý đến ung thư, tiểu đường, các bệnh tim mạch... mà chưa chú ý đúng mức đến lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Chính vì vậy, việc đào tạo các chuyên gia cho lĩnh vực này chưa được chú trọng, nhất là đào tạo các chuyên gia tâm lý lâm sàng chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Ở các nước phát triển, đào tạo chuyên gia tâm lý lâm sàng rất công phu. Ở Australia đào tạo kéo dài ít nhất 8 năm: 4 năm đại học, 2-3 năm sau đại học và 1-2 năm thực hành.
Ở Mỹ, để có được giấy phép hành nghề tâm lý lâm sàng cần phải học từ 8-12 năm: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, thực hành dưới sự giám sát trước khi thi lấy giấy phép hành nghề.
Để có thể đào tạo nên các chuyên gia tâm lý theo chuẩn quốc tế, Bộ GD&ĐT cần tham khảo chương trình đào tạo của các nước phát triển để xây dựng chương trình phù hợp.
Những năm đầu nên mời các chuyên gia quốc tế sang giảng dạy hoặc đưa các giảng viên sang học tập dài hạn ở các nước phát triển để có thể mang mô hình đào tạo của họ về Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn GS!