Theo GS. Nguyễn Thanh Liêm, cần có một điều tra dịch tễ học để có con số chính xác, nhằm quyết định có nên tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, nhất là trẻ từ 1-5 tuổi không? |
Theo nhiều chuyên gia, việc cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp thời điểm này là hợp lý. Quan điểm của ông thế nào? Có cần thiết chờ cho học sinh tiêm đủ liều vaccine mới quay trở lại trường học hay không?
Theo tôi, cho học sinh quay trở lại trường vào thời điểm này là cần thiết và hợp lí. Cần thiết vì để giảm bớt các hậu quả về sức khỏe tâm thần cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.
Tôi đã từng biết một học sinh cấp III tự tử vì bị mẹ mắng do chơi điện tử nhiều sau khi học online.
Rất may gia đình phát hiện sớm cứu được nhưng em bị di chứng thần kinh nặng nề do thiếu oxy não.
Học sinh đến trường cũng góp phần giải phóng phụ huynh để họ có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, dịch vụ...
Cho học sinh đến trường vào thời điểm này là hợp lí vì hiện nay ở nước ta, tỉ lệ tiêm vaccine và số người mắc bệnh có lẽ đã đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng với Covid-19.
Tuy nhiên, cần có một điều tra dịch tễ học để có con số chính xác. Điều này không chỉ quan trọng với việc cho học sinh trở lại trường mà còn quan trọng để quyết định có nên tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em nhất là trẻ từ 1-5 tuổi không.
Cho học sinh trở lại trường cũng phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Nhiều nước đã cho học sinh trở lại trường học, một số nước đã gỡ bỏ mọi quy định khắt khe với Covid-19.
Từ 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trở lại trường học trực tiếp. Trong bối cảnh Hà Nội trung bình mỗi ngày vẫn ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm Covid-19, vậy thành phố cần làm gì để việc mở cửa trường học an toàn, không để tình trạng “nay mở, mai đóng”, thưa ông?
Mở cửa trường học tại Hà Nội cũng như cả nước là một chủ trương đúng. Việc đóng cửa trường học buộc học sinh ở nhà một thời gian dài đã gây ra rất nhiều hệ lụy đặc biệt là những rối loạn/sang chấn về sức khỏe tâm thần.
"Sống chung với Covid-19 có nghĩa, chúng ta phải chấp nhận có thể tỉ lệ mắc Covid-19 sẽ tăng lên khi mở cửa để không bị hốt hoảng khi thực tế này xảy ra". |
Một nghiên cứu tại Vũ Hán (Trung Quốc) cho thấy 22,6% số học sinh phải ở nhà dài ngày đã có các biểu hiện trầm cảm, 18,9% số học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu. Một nghiên cứu khác tại Thượng Hải cũng cho thấy tỉ lệ rối loạn lo âu là 24,9%, tỉ lệ trầm cảm là 19,7%. Các nghiên cứu từ châu Âu và Mỹ cũng cho thấy các kết quả rất quan ngại.
Khi tiến hành phỏng vấn học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh của 34 trường tiểu học và trung học tại Ba Lan, các nhà nghiên cứu đã thấy 10% học sinh có các biểu hiện rõ ràng của trầm cảm, 9% thấy buồn chán, 10% cảm thấy cô đơn và 9% luôn muốn khóc. Cảm giác buồn chán, trầm cảm, muốn khóc, cô đơn ở giáo viên và phụ huynh thấp hơn nhưng vẫn là từ 3-6%.
Có nhiều việc phải làm để mở cửa an toàn và không để tình trạng “nay mở, mai đóng”. Trước hết, về mặt tư tưởng chỉ đạo, chúng ta phải chấp nhận bước sang giai đoạn “sống chung với Covid-19”.
"Nếu đã xác định sống chung với Covid-19 thì chúng ta phải chấp nhận sẽ có các trường hợp học sinh mang virus gây bệnh (có biểu hiện hoặc không có biểu hiện bệnh) trong lớp học. Hãy xem Covid-19 như một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lao, sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng...". |
Sống chung với Covid-19 có nghĩa, chúng ta phải chấp nhận có thể tỉ lệ mắc Covid-19 sẽ tăng lên khi mở cửa để không bị hốt hoảng khi thực tế này xảy ra.
Mặt khác, chúng ta cũng cần thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm khi mở cửa.
Học sinh vẫn nên khuyến khích rửa tay/sát trùng tay, đeo khẩu trang khi đến trường... Cần tiêm đủ vaccine cho học sinh trên 12 tuổi và tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi nhưng có bệnh nền, sức đề kháng kém.
Việc học sinh trở lại trường sau dịp Tết sẽ có nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hơn. Vậy nếu trong trường hợp lớp học có F0 thì cần ứng phó thế nào, theo ông?
Nếu đã xác định sống chung với Covid-19 thì chúng ta phải chấp nhận sẽ có các trường hợp học sinh mang virus gây bệnh (có biểu hiện hoặc không có biểu hiện bệnh) trong lớp học. Hãy xem Covid-19 như một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như lao, sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng...
Chúng ta hãy sử dụng các biện pháp đối phó tương tự cho các học sinh mắc Covid-19. Học sinh bị bệnh tạm thời nghỉ học, các học sinh tiếp xúc gần có thể tạm thời nghỉ học theo dõi tại nhà hoặc tiếp tục đi học nhưng phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với các bạn khác.
Về việc điều trị cho học sinh F0 thì nên thực hiện thế nào, thưa ông?
Điều trị cho học sinh bị Covid-19 về nguyên tắc không khác với người lớn. May mắn là một số thống kê cho thấy tỉ lệ trẻ em bị bệnh nặng ít hơn và tỉ lệ tử vong thấp hơn ở người lớn.
"Cho học sinh đến trường vào thời điểm này là hợp lí vì hiện nay ở nước ta, tỉ lệ tiêm vaccine và số người mắc bệnh có lẽ đã đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng với Covid-19. Tuy nhiên, cần có một điều tra dịch tễ học để có con số chính xác, không chỉ quan trọng với việc cho học sinh trở lại trường mà còn để quyết định có nên tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, nhất là trẻ từ 1-5 tuổi không?". |
Bệnh nặng và tử vong chủ yếu xảy ra với trẻ em có bệnh nền, chưa được tiêm vaccine. Vì vậy, với trẻ bị Covid-19 không có biểu hiện nặng tốt nhất là theo dõi tại nhà với sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế.
Song song với việc cho học sinh đi học lại thì cũng cần tăng cường các biện pháp dự phòng thế nào để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19?
Trong khi cần có thêm thời gian để quan sát diễn biến của Covid-19, cộng đồng nói chung và học sinh vẫn nên được khuyến khích thực hiện các biện pháp 5K bất cứ lúc nào có thể, nhất là đeo khẩu trang và sát khuẩn tay.
Xin cảm ơn GS!