GS. TS. Huỳnh Văn Sơn nêu quan điểm, Bình đẳng giới nên được nhìn nhận phù hợp với tình hình mới. (Ảnh: NVCC) |
Khoảng cách giới vẫn tồn tại
Những năm gần đây, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Góc nhìn của ông về vấn đề này?
Trước hết, chúng ta cần ghi nhận rằng, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Việt Nam sau 12 năm thực hiện đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, khoảng cách giới tại Việt Nam vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế...
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ cao hơn so với lao động nam. Những việc trong gia đình phát sinh nhiều hơn và phụ nữ vẫn là lực lượng chính thực hiện các công việc này nhưng chưa được ghi nhận thỏa đáng. Vấn đề giới trong bối cảnh Covid-19 dù đã được quan tâm song chưa đáp ứng hết các nhu cầu…
Thế nhưng, ở góc nhìn tổng thể, việc thực hiện bình đẳng giới có những bước tiến đáng kể. Vai trò của phụ nữ được ghi nhận và tôn trọng. Số cán bộ lãnh đạo nữ các cấp đều đảm bảo và khẳng định được qua những thành tựu nhất định. Giới nữ tạo ra hiệu ứng và hình ảnh mang đến cảm hứng tích cực trong cuộc sống.
Theo ông, chúng ta cần chú trọng lồng ghép bình đẳng giới vào các chính sách an sinh xã hội thế nào?
Năm 2022-2023, thế giới và Việt Nam bước sang giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tác động mạnh mẽ đến đời sống nhân dân, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ em. Với quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, an sinh xã hội, quyền của phụ nữ và bình đẳng giới có những bước tiến nổi bật.
Trong các giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời người dân, doanh nghiệp và người lao động đã được ban hành và triển khai kịp thời, vấn đề bình đẳng giới, trẻ em đã được lồng ghép một cách thiết thực như: hỗ trợ thêm đối với người lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19; các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em... góp phần ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, rút ngắn khoảng cách về giới.
Nhìn chung, bình đẳng giới đã được lồng ghép vào các chính sách an sinh xã hội một cách đa dạng, phong phú và có nhiều cải tiến đáng kể.
Nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới là gì?
Nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới là những thành tựu đáng ghi nhận mà nước ta đã đạt được. Đơn cử như tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%, cao hơn khóa XIV 3,46% và cao nhất từ Quốc hội Khóa V trở lại đây (hiện xếp hạng thứ 62/190 quốc gia); tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương là 48,3%.
Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9/58 nước; xếp thứ 2/6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé tham dự vòng chung kết Word Cup nữ 2023. Phụ nữ lực lượng vũ trang Việt Nam tham gia hiệu quả, trách nhiệm trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn hiện nay, thích nghi với bối cảnh mới, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục xác định việc thực hiện bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ và đảm bảo sự cân bằng giới tính hợp lý là một mục tiêu trong định hướng phát triển của đất nước.
Nhìn tổng thể, theo tôi, để thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới có liên quan đến: mục tiêu về chính trị, mục tiêu về kinh tế lao động, mục tiêu trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, mục tiêu trong lĩnh vực y tế, mục tiêu trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mục tiêu trong lĩnh vực thông tin, truyền thông vẫn cần dựa trên nền tảng của nhận thức phải được quán triệt, sự phấn đấu không ngừng từ thực tiễn của các gương sáng về nữ giới; việc có nhiều hơn các cơ hội để bình đẳng giới thực sự phát triển một cách đúng nghĩa…
Bình đẳng giới không phải là ngang bằng
Đấu tranh cho nữ quyền đang trở thành một trào lưu, nhưng sự bình đẳng nên được nhìn nhận ra sao cho phù hợp với tình hình mới?
Hiện nay, người phụ nữ sẽ khó được sự tôn trọng từ các thành viên trong gia đình và xã hội nếu có trình độ thấp, không có việc làm hay thu nhập ổn định cũng như thiếu sự tự tin, nhu cầu khẳng định chính mình và sự nỗ lực hoàn thiện bản thân theo định hướng hạnh phúc. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trao quyền cho phụ nữ cũng như nhu cầu khẳng định về quyền của mình và khai thác quyền một cách đích thực.
Chính vì vậy, cần đảm bảo vấn đề bình đẳng giới trong việc làm và thu nhập, tạo điều kiện tối đa cho phụ nữ phát triển kinh tế, xã hội. Trong bản Hiến pháp năm 1946 quy định phụ nữ ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử.
Bên cạnh đó, Luật Bình đẳng giới năm 2006 đặt mục tiêu: “Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Như vậy, đấu tranh cho nữ quyền dù đang trở thành một trào lưu, nhưng sự bình đẳng nên được nhìn nhận phù hợp với tình hình mới bằng những luận điểm.
Cụ thể, phụ nữ có nhu cầu bình đẳng giới và nhu cầu này là chính đáng. Bình đẳng giới không phải là ngang bằng hiểu giản đơn, cơ học, mà là sự điều chỉnh để được tôn trọng, được đánh giá đúng, được ứng xử văn minh trên tinh thần thừa nhận và tôn vinh.
Đồng thời, bình đẳng giới dựa trên nền tảng khai thác thế mạnh của giới, ghi nhận những ưu điểm và sở trường của từng giới và đặc trưng giới. Bình đẳng giới không xóa nhòa ranh giới mà xem xét các đặc điểm xã hội trên quan điểm tích cực, hiện đại.
Bình đẳng giới không phải là ngang bằng hiểu giản đơn, mà là sự điều chỉnh để được tôn trọng, được đánh giá đúng, được ứng xử văn minh trên tinh thần thừa nhận và tôn vinh. (Ảnh: Internet) |
Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Những thành tựu về thu hẹp khoảng cách giới ở nước ta là gì? Có những rào cản gì, theo ông?
Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng.
Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%. Ngoài ra, những bằng chứng cho thấy giới nữ đã khẳng định mình thông qua những thành tựu đáng trân quý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, các quy mô khác nhau.
Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trước các nguy cơ cũng như cần có thêm nhiều hơn nữa các cơ hội bình đẳng. Cụ thể, vấn đề định kiến giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn còn nhiều nhức nhối, tỷ lệ phụ nữ bị xâm hại, bạo lực còn ở mức rất cao.
Một trong những nguyên nhân khiến định kiến giới, bất bình đẳng giới dẫn tới bạo lực trên cơ sở giới xuất phát từ suy nghĩ, quan niệm chấp nhận của phụ nữ. Nhiều phụ nữ có quan niệm sai lầm rằng, chồng, bạn trai có quyền được đưa ra quyết định, có quyền được đánh vợ, hoặc đùn đẩy việc nhà cho phụ nữ. Những con số thống kê cho thấy, vẫn còn nhiều rào cản và thách thức trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và xóa bỏ định kiến giới.
Việt Nam đã nỗ lực cố gắng tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi thái độ và tư tưởng về giới vốn là định kiến trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm.
Các rào cản này nhìn nhận một cách đa chiều vẫn một phần xuất phát từ tư duy giới của chính một bộ phận giới nữ chưa thật sự tích cực về bình đẳng giới đúng nghĩa. Đồng thời, quan niệm của một số đàn ông vẫn còn khá nặng nề và thiếu tích cực về bình đẳng giới. Do đó, các gánh nặng về văn hóa vẫn là những thách thức cần tiếp tục thay đổi, điều chỉnh.
Phụ nữ cần xây dựng hình ảnh cá nhân
Trong thời đại số, theo ông, phụ nữ Việt cần làm gì để không bị lỗi nhịp trước sự chuyển biến nhanh chóng của thời cuộc, cần xây dựng hình ảnh cá nhân của mình ra sao?
Trong thời đại số hiện nay, phụ nữ hiện đại rất cần xây dựng hình ảnh cá nhân của mình mọi lúc, mọi nơi. Bởi vì, thông qua hình ảnh cá nhân, họ có thêm nhiều cơ hội trong công việc, cuộc sống, các mối quan hệ… Hình ảnh cá nhân đó không chỉ đến từ cử chỉ, ngôn ngữ, trang phục mà còn là cách giao tiếp, ứng xử. Phụ nữ cũng cần phải quan sát nhiều, tự học, làm cho mình chuyên nghiệp hơn, duyên dáng hơn.
Có thể nói, không chỉ dừng lại ở sự đảm đang, phụ nữ Việt Nam ngày càng hiện đại, giỏi giang và tự chủ. Họ thông minh, cá tính, độc lập và ngày càng khẳng định được tiếng nói cũng như củng cố được chỗ đứng của mình.
Phụ nữ sẽ không lỗi nhịp khi bản thân tư duy tích cực, yêu quý bản thân mình, mạnh dạn thay đổi để bản thân hài lòng hơn và hạnh phúc hơn. Ngoài ra, phụ nữ cần mạnh dạn nghĩ suy về việc nuôi dưỡng và thúc đẩy bản thân hướng đến hạnh phúc và thành công.
Tích cực từng chút một để hình ảnh mình phát triển theo hướng hoàn thiện hơn, toàn diện hơn và điều chỉnh hình ảnh đúng bối cảnh, đúng vai… Hành trình này khá dài, khá phức tạp nhưng đòi hỏi mỗi người có nhu cầu xây dựng hình ảnh, khai thác hình ảnh sao cho phù hợp, thích nghi và gây hiệu ứng tích cực.
Xin cảm ơn ông!