Chuyên gia tâm lý, GS.TS Huỳnh Văn Sơn cho rằng, phụ nữ ban đầu có cảm giác dễ chịu khi được khen về nhan sắc, hình dáng. |
Suy nghĩ của ông sau khi xem những phát ngôn bông đùa gần đây của một số nam giới trên sóng truyền hình?
Trước hết, tôi muốn chia sẻ vấn đề này từ góc nhìn khoa học và giới để tránh những đánh giá mang tính cá nhân. Xin được khẳng định cơ sở để những phân tích của chúng tôi thực hiện là: bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau. Họ được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Nếu hiểu đúng khái niệm này, chúng ta không thể bao biện cho bất kỳ hành vi, lời nói hay sự ứng xử nào khi có biểu hiện xem thường giới.
Chúng ta dùng lý lẽ để giải thích, dùng kinh nghiệm tiếp xúc, dùng sự cảm thông để bao biện hay giải thích theo hướng có lợi cho những lời nói, hành vi và thái độ bông đùa là đi ngược lại với mục tiêu và tôn chỉ xã hội hướng đến, đó là các giới đều bình đẳng.
Có ý kiến nhận định, những câu bông đùa ấy trên thực tế được coi là hành vi có tính khinh rẻ hay miệt thị phụ nữ. Ông nghĩ sao?
Nếu khẳng định những câu bông đùa ấy trên thực tế được coi là những hành vi có tính khinh rẻ hay miệt thị phụ nữ có cơ sở nhưng chưa thật sự đầy đủ.
Nếu vô tình hay sự định hướng thiếu kiểm soát của chúng ta làm cho biểu hiện của bất bình đẳng giới xuất hiện thì hãy nhận thức và điều chỉnh. Nhưng khẳng định đó là sự miệt thị thì không nên bởi trong góc nhìn toàn cục, có thể lý giải nhiều nguyên nhân khác nhau.
Ở đây, xin được nhấn mạnh, truyền thông không dễ như chúng ta nghĩ và bản lĩnh của người có thể làm chủ ngôn từ luôn là thách thức. Ngoài ra, chiếc bẫy của sự nổi tiếng hay tự đánh giá sức mạnh bản thân quá cao có thể làm chúng ta sai sót.
Theo ông, làm sao để việc giáo dục trẻ không chịu ảnh hưởng bởi những hành vi chưa đúng chuẩn với phụ nữ?
Đây là câu hỏi rất khó bởi sự “tréo ngoe” giữa nhận thức và hành động luôn diễn ra. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, ứng xử của người mẹ thế nào khi thấy cậu con trai tuổi dậy thì của mình ứng xử rất văn minh, tôn trọng bạn khác giới một cách tuyệt đối?
Hỏi thế để thấy thay đổi tận gốc của xã hội là hành trình dài, chính người phụ nữ và người đàn ông cần đổi thay một cách tích cực, liên tục.
Để trẻ em không chịu ảnh hưởng bởi thứ văn hóa này chỉ còn cách chúng ta hãy văn minh hơn nữa trong ứng xử, tập kiểm soát chính mình và không ngừng hướng đến những giá trị tốt đẹp có liên quan đến giới và ứng xử với giới.
Văn hóa đó nếu xây dựng và hình thành, sẽ là những tác động tích cực cho con trẻ. Tác động quan trọng nhất là hãy ứng xử văn minh trong chính gia đình mình và định hướng cho con thái độ phù hợp với những biểu hiện thật trong cuộc sống.
Định kiến giới, phân biệt giới… vẫn đang diễn ra như “chuyện thường ở huyện” trên các phương tiện truyền thông đại chúng mặc kệ những quy định của pháp luật. Theo ông, luật chưa đủ mạnh hay còn lý do nào nữa?
Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ. Đồng thời, thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Để thực hiện được mục tiêu này cần nhận thức đúng, thái độ tích cực thông qua giáo dục và tự giáo dục.
Có thể lý giải thêm vì sao các "căn bệnh" định kiến giới, phân biệt giới vẫn còn tồn tại bởi vì điểm yếu trong nhận thức và sự hiểu biết những tôn chỉ có liên quan đến bình đẳng giới. Luật đã đi vào đời sống nhưng chắc chắn cần phải có thêm thời gian để trở thành hơi thở đích thực, đó là thách thức rất lớn!
Nếu xã hội nói chung, đặc biệt là người phụ nữ không lên tiếng phản kháng trước những hành động và lời nói bông đùa, cợt nhả ấy, hẳn là những người đàn ông không thấy cần phải thay đổi và sẽ để lại hệ lụy thế nào?
Xin chia sẻ kết quả nghiên cứu vào năm 2018 của nhóm nghiên cứu mạnh Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh về một vấn đề có liên quan như sau: Hầu hết những người được điều tra về bình đẳng giới nơi công sở (hơn 60%) tin rằng phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, trong đó 41% khẳng định là sự đối xử vẫn còn tệ hơn so với nam giới và chỉ 17% cho rằng phụ nữ được đối xử tốt hơn nam giới cũng như số còn lại là không trả lời...
Cùng với đó, kết quả còn cho thấy, phụ nữ ban đầu có cảm giác dễ chịu khi được khen ngợi về nhan sắc, hình dáng, sự mềm mại. Nhưng dần dần họ sẽ cảm thấy khó chịu và nhận ra mình bị “áp lực” khi nam giới cho rằng đó là ưu thế.
Như vậy, hệ lụy sẽ có thể xảy ra nếu người phụ nữ không lên tiếng phản kháng trước những hành động và lời nói bông đùa. Hoặc tư tưởng phân biệt nam nữ khi bố trí công việc; gián tiếp làm giảm đi giá trị giới và giá trị thực chất của con người; văn hóa thiếu tôn trọng hay ban phát cho phụ nữ sẽ dễ xảy ra...
Việc những người đàn ông văn minh lên tiếng góp phần thế nào trong việc trân trọng phụ nữ, giúp người phụ nữ yêu thương, trân trọng chính mình và không thỏa hiệp với những thái độ thiếu văn minh ra sao?
Dưới góc độ xã hội, cần hiểu đúng các phản ứng mang màu sắc xã hội của con người và giới. Người đàn ông văn minh lên tiếng vì điều này bởi có thể đó là phản ứng tức thời thì sao? Điều đó chưa hẳn là nhận thức đúng và hành vi thực sự đúng của chính họ trong đời sống.
Ở góc nhìn tích cực hơn, đàn ông văn minh lên tiếng vì điều này cũng góp phần thể hiện nhận thức chống lại, phản ứng lại những biểu hiện chưa hợp lý của giới mình với giới khác.
Ở góc nhìn tích cực nhất, đàn ông văn minh lên tiếng bởi trong đời sống, họ là những người trân trọng phụ nữ và giúp người phụ nữ yêu thương, trân trọng chính mình. Chính họ nhận thức đúng và không thỏa hiệp với những thái độ thiếu văn minh đối với phụ nữ. Nhưng để đạt được điều này không hề đơn giản.
Xin trân trọng cảm ơn ông!