Nhỏ Bình thường Lớn

Hà Nội đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới xây dựng đô thị 'xanh, thông minh, hiện đại'

Baoquocte.vn. Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số hướng tới xây dựng Thủ đô trở thành một đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, tạo động lực phát triển, có hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Đẩy nhanh chuyển đổi số tại Thủ đô Hà Nội
Hà Nội đẩy nhanh chuyển đổi số. (Nguồn: VGP)

Bước tiến lớn về công nghệ

Là trung tâm lớn về hành chính của cả nước, Hà Nội luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu hỗ trợ cho công tác điều hành, chỉ đạo, cũng như kết nối, giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Với quy mô hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn Hà Nội có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh/thành phố khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong giai đoạn năm 2022-2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các hoạt động, sự kiện được thành phố triển khai với quy mô, phạm vi rộng, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí bằng “không” khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Nghị quyết quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn thành phố.

Lần đầu tiên lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và điều hành thành phố; 100% các cơ quan nhà nước của thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; các đơn vị đang triển khai tích cực việc xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (trình ký hồ sơ/văn bản trên phần mềm).

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) đã được triển khai kết nối với 7 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của thành phố và 14 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu của quốc gia và các Bộ, ngành. Đến tháng 6/2024, Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động một số hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ công dân, doanh nghiệp.

Trong đó, đã cung ứng một số dịch vụ đô thị thông minh như: Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi) - lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, là môi trường tương tác giữa Chính quyền với người dân Thủ đô; Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố - quản lý khám chữa bệnh, kết nối với 661 cơ sở y tế, đồng bộ dữ liệu lên hệ thống thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID; Cấp lý lịch tư pháp trên VNeID - Công dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp nhanh chóng trên ứng dụng, nhận kết quả điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy và được tái sử dụng nhiều lần; Ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng... Ngoài ra, thành phố cũng đang triển khai thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt, nhằm tạo sự minh bạch trong công tác thu phí trông giữ phương tiện và giảm ùn tắc ở trung tâm thành phố.

Nhiều hoạt động, sự kiện lớn về chuyển đổi số được tổ chức thành công, trong đó có sự kiện tầm quy mô quốc gia như: Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023 với sự tham gia của các chuyên gia, diễn giả đến từ nhiều nước và các tỉnh, thành phố trên cả nước…

Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, dù có sự nỗ lực rất lớn nhưng trên địa bàn vẫn còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn về công tác chuyển đổi số như nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao; một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chưa đảm bảo tiến độ, đặc biệt việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

TP. Hà Nội đang nêu cao quyết tâm đẩy nhanh chuyển số, với nhiều giải pháp thực hiện xuyên suốt trong toàn hệ thống, như phân công rõ tập thể, cá nhân chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, bảo đảm thống nhất quan điểm chỉ đạo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

UBND TP. Hà Nội chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành nhận thức đúng đắn vai trò chủ trì về chuyển đổi số theo lĩnh vực đơn vị quản lý; giải quyết triệt để các nhiệm vụ chậm, muộn, trong đó tập trung việc hoàn thành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là cơ sở dữ liệu đất đai.

Hà Nội đi đầu trong công tác chuyển đổi số
Các đại biểu thực hiện nghi thức chính thức vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn TP. Hà Nội. (Nguồn: KTĐT)

Tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia

Tại Hội Nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 thực hiện Đề án 06/Chính phủ; đánh giá kết quả thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID và công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của đề án 06/chính phủ trên địa bàn ngày 28/6 do UBND TP. Hà Nội tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Bộ Công an và TP. Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò tiên phong chuyển đổi số quốc gia, thực hiện Đề án 06. Đồng thời, yêu cầu các bộ ngành, địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả một đề án tương tự Đề án 06 và kết nối với Đề án 06.

Thủ tướng khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành phong trào, xu thế của các quốc gia, là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng người". Do đó, Thủ tướng kêu gọi cả nước, các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững dựa trên nền tảng số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Thủ tướng khẳng định, một trong những "điểm sáng" của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06 "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc, cách tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề thực tiễn, phục vụ sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.

Hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, UBND TP. Hà Nội khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Thủ đô cần có "tầm nhìn mới-tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội", tạo ra "cơ hội mới - giá trị mới" trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số, số hoá các quy hoạch, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, hình thành nguồn tài nguyên số; hướng tới xây dựng Thủ đô trở thành một đô thị xanh, thông minh, hiện đại, bản sắc, đáng sống, tạo động lực phát triển, có hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.

Hà Nội đi đầu trong công tác chuyển đổi số
Việc xây dựng kế hoạch chuyển đổi số góp phần giúp thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Người dân tra cứu thông tin tại bộ phận "một cửa" quận Bắc Từ Liêm. (Nguồn: hanoimoi)

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06 ngày 06/01/2022, phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; TP. Hà Nội đã quán triệt và nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác chuyển đổi số trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời xác định “Đề án 06 của Chính phủ là khâu đột phá của đột phá”; là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, tạo động lực mới cho những bước phát triển mạnh mẽ, mang tính chiến lược của Thành phố.

Với quan điểm và mục tiêu “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh là đích đến; từng bước minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động của chính quyền các cấp; khuyến khích mọi nguồn lực xã hội để xây dựng, phát triển, thúc đẩy ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".

Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” và phương châm “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội”, Thành phố đã tiên phong thực hiện thí điểm nhiều giải pháp mang tính đột phá như xây dựng Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử; hỗ trợ thiết bị thông minh cho các hộ gia đình khó khăn; hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; miễn phí chữ ký số điện tử cá nhân; áp dụng “mức thu phí bằng không” khi công dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán; chi trả an sinh xã hội, chỉ trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt...

Những giải pháp sáng tạo, linh hoạt trong triển khai Đề án đã góp phần thực hiện hiệu quả 5 nhóm mục tiêu: Phát triển kinh tế, xã hội; Giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Đẩy mạnh công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; khai thác, sử dụng hiệu quả dữ liệu dân cư, bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.

Qua đó, đem lại những bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng tầm giá trị văn hóa của Thủ đô, huy động trí tuệ và đóng góp của Nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cho công tác chuyển đổi số của Thành phố.

Hà Nội: Cấm nhiều xe khách, xe tải qua cầu Chương Dương; hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3

Hà Nội: Cấm nhiều xe khách, xe tải qua cầu Chương Dương; hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3

Hà Nội triển khai việc hỗ trợ khẩn cấp đối các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3; Sở GTVT Hà Nội ...

TS. Cù Văn Trung: 'Tình người xuất hiện trong bão lũ miền Bắc gieo thêm niềm tin vào cuộc sống'

TS. Cù Văn Trung: 'Tình người xuất hiện trong bão lũ miền Bắc gieo thêm niềm tin vào cuộc sống'

Trong bão số 3 và lũ lụt ở một số tỉnh phía Bắc, tình người, sự san sẻ, những hành động tử tế xuất hiện ...

Hà Nội: Tạm ngừng cấp điện ở các điểm ngập để bảo đảm an toàn cho người dân

Hà Nội: Tạm ngừng cấp điện ở các điểm ngập để bảo đảm an toàn cho người dân

Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI) đã triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, tạm ngừng cấp điện để ...

Cập nhật tình hình lũ lụt miền Bắc ngày 11/9: Hồ thủy điện Thác Bà an toàn; mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ cách báo động 3 khoảng 0,15m vào tối nay

Cập nhật tình hình lũ lụt miền Bắc ngày 11/9: Hồ thủy điện Thác Bà an toàn; mực nước sông Hồng tại Hà Nội sẽ cách báo động 3 khoảng 0,15m vào tối nay

Hồ thủy điện Thác Bà an toàn, Hà Giang ứng phó khi các thủy điện thượng nguồn sông Lô xả lũ... là những thông tin ...

Lũ lụt rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người ở lại...

Lũ lụt rồi sẽ qua đi, chỉ có tình người ở lại...

Những câu chuyện tưởng nhỏ trong mùa bão lũ Hà Nội và miền Bắc chứa đựng giá trị lớn lao về lòng nhân ái và ...