Nhiều trường tư tại Hà Nội tăng vọt hồ sơ xét tuyển vào lớp 10. |
Hồ sơ xét tuyển tăng so với năm ngoái
Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cho biết, hiện nhà trường chưa thống kê số hồ sơ nộp vào để xét tuyển.
Tuy nhiên, kỳ tuyển sinh năm ngoái, nhà trường nhận được khoảng 3.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10, trong khi chỉ tiêu cho cả hai cơ sở chỉ 600 học sinh.
Dự kiến năm nay, tỷ lệ hồ sơ nộp vào hơn 3.000 bộ, nhiều hơn năm ngoái.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp cho biết, hiện cơ bản nhà trường đã tuyển sinh xong lớp 10.
Việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT của trường rải đều từ giữa tháng 3 đến nay, phụ huynh và học sinh đã phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đăng ký vào trường, từ đó giúp trường tránh được các hồ sơ ảo.
Năm nay, nhà trường có 405 chỉ tiêu nhưng hiện tại có 420 hồ sơ nộp vào. Trừ đi số học sinh thi chuyên rút hồ sơ ra khoảng 20-30 em, nhà trường sẽ tuyển thêm khoảng vài ba chục em nữa là vừa đủ.
Ông Tùng cho rằng, sở dĩ học sinh đăng ký vào trường ngoài công lập đông là do số lượng thí sinh dự thi vào lớp 10 đông hơn các năm trước, tỷ lệ chọi ở các trường THPT công lập cao.
Đặc biệt hai năm vừa qua, học sinh hầu hết phải học online, chất lượng không được như học trực tiếp nên nhiều học sinh lo trượt và phải nộp hồ sơ sớm.
Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm học 2022-2023 dự kiến tuyển 720 học sinh cho các lớp song ngữ, song ngữ International Leader Programs, lớp chuyên Toán, lớp chuyên Anh và lớp chất lượng cao.
Tuy nhiên, mới đây, trường cũng đã phải đưa ra thông báo dừng tuyển thẳng bằng hình thức xét tuyển học bạ do đã hết chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời cũng dừng xác nhận thủ tục nhập học sớm.
Trường THCS - THPT Tạ Quang Bửu đã phát ra khoảng gần 4.000 bộ hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10 và nhận về khoảng 2.000 bộ.
So với năm ngoái, số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường năm nay đông hơn hẳn, dự kiến tăng khoảng 15%.
Trường đau đầu lo "sốt ảo"
Lý giải về việc hồ sơ nộp vào trường tư đột nhiên tăng vọt, một chuyên gia tuyển sinh cho hay, một phần do số lượng thí sinh năm nay tăng đột biến khiến việc cạnh tranh để có một suất vào lớp 10 công lập trở nên gắt gao.
Mặt khác, sau hơn 2 năm học sinh phải chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các em chủ yếu học online nên phụ huynh học sinh lo lắng về chất lượng học tập.
Bà Văn Liên Na cho biết, hầu hết các kỳ tuyển sinh vào lớp 10, em nào cũng "chân trong chân ngoài" đến mấy nguyện vọng xét tuyển nên rất khó cho các trường và không biết xử lý "ảo" thế nào.
Mặc dù nhà trường cảnh báo học sinh cân nhắc kỹ nhưng nhiều gia đình khá giả vẫn chấp nhận "bỏ cọc" để rút hồ sơ ra.
Nếu những năm trước, nhà trường có thể nhận dôi ra so với chỉ tiêu tuyển sinh thì vài năm trở lại đây, theo quy định mới, khi nhà trường nhập hồ sơ vào hệ thống sẽ link thẳng đến hệ thống của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Khi nhà trường nhập hết chỉ tiêu, hệ thống tự động đóng cổng không cho nhập dôi ra.
Bà Na nói: "Chúng tôi đã xin chỉ tiêu tuyển sinh dôi ra để lọc ảo nhưng không được duyệt. Năm ngoái, khoảng hơn 20 em rút hồ sơ ra vì nhiều em thi chuyên. Như vậy, rõ ràng trường mất hẳn một lớp mà không biết làm thế nào".
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Văn Liên Na, vấn đề hồ sơ ảo rất nan giải. Trước mắt, nhà trường chỉ quy định học sinh phải nộp hồ sơ trong một khoảng thời gian nào đó.
"Giải pháp này chỉ tạm thời, không thể lọc "ảo". Nếu chờ đến khi tuyển sinh xong, các em rút hết hồ sơ, nhà trường tuyển thêm, lúc này không thể tuyển được học sinh có chất lượng vì các em điểm cao đã vào trường khác hết", bà Na nói.
Còn theo ông Tùng, hầu như năm nào trường cũng có khoảng 20-30 em rút hồ sơ ra do đỗ vào trường chuyên hoặc trường công lập.
Do vậy năm nay, để đề phòng hồ sơ ảo, nhà trường dự kiến dành khoảng 20-30 chỉ tiêu bổ sung để xét tuyển dựa trên kết quả thi vào 10 của Sở GD&ĐT Hà Nội.
| So sánh 'con nhà người ta', 'vợ, chồng nhà người ta' cũng là bạo lực khiến người trong cuộc cảm thấy tổn thương Chia sẻ với báo TG&VN, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ ... |
| TS. Hoàng Trung Học: Cần cân nhắc việc đưa thông tin bạo lực học đường lên không gian mạng TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, ... |