📞

Hai quốc gia, một quốc hồn quốc túy

12:57 | 11/12/2015
Không có biên giới nào phân chia sự gắn bó của món kim chi với người dân trên bán đảo Triều Tiên. Di sản này là niềm tự hào để hai miền nhớ về nhau và giới thiệu với thế giới.

 

Cuối tháng 11 vừa qua, Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận kim chi và nghệ thuật muối kim chi của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Nhiều hãng truyền thông bình luận đây là một chiến thắng của Bình Nhưỡng sau khi hồ sơ món kim chi của Hàn Quốc đã được UNESCO vinh danh năm 2013. Ở góc nhìn khác, nhiều người cho rằng với việc được nâng tầm, kim chi sẽ là công cụ hiệu quả cho việc cải thiện hình ảnh của Triều Tiên.

Bàn chuyện đại sự bên đĩa kim chi

Mười năm trước, khái niệm “ngoại giao kim chi” từng được đề cập khi Hàn Quốc đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 13. Khi đó, một quan chức nước chủ nhà tuyên bố: “Kim chi là biểu tượng của Hàn Quốc nên tất nhiên nó sẽ là một trong những món ăn đầu tiên được xếp trong thực đơn dành cho các đoàn đại biểu”.

Ý tưởng này gặp khó khăn khi nổi lên cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và Hàn Quốc khi Bắc Kinh cho rằng kim chi Hàn Quốc không đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

 

 

Năm 2009, Hàn Quốc đề ra chiến dịch quảng bá ẩm thực toàn cầu với mục tiêu nâng gấp bốn lần số lượng các nhà hàng Hàn Quốc ở nước ngoài và đưa kim chi vào "top 5 các món ăn dân tộc phổ biến trên thế giới" vào năm 2017.

(The New York Times)

Tuy nhiên, cuối cùng, trên bàn tiệc của Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm đó vẫn xuất hiện màu đỏ của đĩa kim chi cùng rượu nấm truyền thống.

Năm năm sau, kim chi lại xuất hiện trong một hoạt động ngoại giao bên lề khi bà Kim Yoon-ok, Phu nhân Tổng thống Hàn Quốc khi đó Lee Myung-bak mời bà Miyuki Hatoyama – Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama tham dự lớp học làm kim chi tại Seoul.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, hai phu nhân hăng hái dùng hai bàn tay trần để trộn kim chi nổi tiếng cay xé. Theo bình luận của hãng AFP, đó là một hình ảnh đẹp khi quan hệ giữa hai nước chưa bao giờ mặn nồng vì những tranh chấp lịch sử và lãnh hải.

Nâng tầm ngoại giao ẩm thực Triều Tiên

Dù không có nhiều điều kiện để quảng bá như Hàn Quốc nhưng Triều Tiên không coi nhẹ vị trí của di sản này trong việc quảng bá hình ảnh quốc gia.

Trên tạp chí Foreign Policy, biên tập viên Joshua Keating cho rằng ngoại giao ẩm thực của Triều Tiên với những món ăn truyền thống, trong đó có kim chi đang được giới thiệu khắp năm châu. Nhiều Đại sứ quán Triều Tiên tài trợ cho các nhà hàng của công dân nước này ở nước ngoài để chế biến những món ăn truyền thống kết hợp với biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim. Các nữ tiếp viên với cùng một kiểu tóc, nét mặt, cùng trang phục duyên dáng bê kim chi cho thực khách.

Phóng viên của tờ The New York Times nhiều lần đến nhà hàng Bình Nhưỡng Haedanghua Raeng Myon ở Bắc Kinh (Trung Quốc) thưởng thức món kim chi và nhận xét: "Chua hơn và tươi hơn so với phiên bản Hàn Quốc”. Trong khi đó, một nhà hàng Triều Tiên ở Ulan Bator (Mông Cổ) mang lại "một trải nghiệm ẩm thực vô cùng thỏa mãn" cho các thực khách quốc tế.

Hàng năm, chính quyền Bình Nhưỡng đều tổ chức các lễ hội ẩm thực với sự tham gia của nhiều phái đoàn ngoại giao nước ngoài và kim chi vẫn luôn giữ vị trí nổi bật.

Tài sản của hai miền

UNESCO nhận định: “Người Triều Tiên cùng chia sẻ trải nghiệm làm kim chi theo mùa, giúp đỡ nhau chuẩn bị nguyên liệu”. Người dân trên bán đảo thường tập trung vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, làm một lượng kim chi đủ để ăn suốt mùa đông. Truyền thống này giúp củng cố sự đoàn kết xã hội, do được thực hiện trong cả cộng đồng, như hàng xóm, họ hàng.

Nghệ thuật muối kim chi là vốn quý chung của nhân dân bán đảo Triều Tiên. Dù kim chi miền Bắc có vị ít cay hơn miền Nam thì cần nhớ rằng đây là món ăn được 95% người dân hai miền sử dụng hàng ngày.

Hôm 7/11 vừa qua, chính quyền Thủ đô Seoul tổ chức một lễ hội làm kim chi kéo dài ba ngày thu hút trên 6000 người tham dự. Phần lớn trong 50 tấn kim chi được tặng những người nghèo và theo kênh truyền hình KBS World, Ban tổ chức cho biết năm tới sẽ sắp xếp một lễ hội kim chi chung để chia sẻ phần nào sự sung túc với những người anh em bên kia vĩ tuyến 38.

Từ khi xác định kim chi là một điểm nhấn trong quảng bá tinh hoa ẩm thực thì Hàn Quốc cũng gắn điều đó với sự hòa hợp của hai miền. Năm 2009, trong một lễ hội dành cho các cựu binh Mỹ từng tham chiến trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc Kim Yoon-ok đã tự tay muối kim chi tặng họ và tâm sự "Tất cả các bạn trông rất khỏe mạnh. Bạn có thể sống để nhìn thấy sự thống nhất của hai miền Triều Tiên”.

Nguyên Bảo (tổng hợp)